Người bạn của những bệnh nhân AIDS

Chủ Nhật, 29/05/2005, 07:26

Lặng lẽ và cần mẫn, hơn 15 năm qua bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến đã luôn ở bên những bệnh nhân AIDS để giúp họ chiến đấu với cái chết cùng nỗi tuyệt vọng, cũng từng ấy năm ông miệt mài nghiên cứu tìm những phương pháp hiệu quả và phù hợp để điều trị cho họ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến là vị bác sĩ đầu tiên ở Tp.HCM gắn bó với căn bệnh thế kỷ, một trong 3 người khởi xướng ra Câu lạc bộ Bạn giúp bạn (BGB) - ngôi nhà chung của những bệnh nhân AIDS.

Trở về cuộc sống

Tháng 12/1990, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Tp.HCM. Đây là một tin chấn động trong giới ăn chơi, xì ke, mại dâm và gây sự chú ý không nhỏ trong xã hội, sự quan tâm đặc biệt trong giới y bác sĩ. Người ta nhận định đã “dính” con virus HIV thì vô phương cứu chữa, dù Hoa Đà có tái thế cũng bó tay. Dư luận xôn xao một thời gian rồi trách nhiệm sau đó phó mặc hoàn toàn cho ngành Y tế.

Sở Y tế Tp.HCM đã cho lập Ủy ban Phòng chống AIDS, chức vụ trưởng ban của cái ủy ban “nhạy cảm” này được giao cho bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến, người đã từng là bác sĩ quân y. Mục đích của Ủy ban Phòng chống AIDS là tiếp cận và giám sát, tìm hiểu về căn bệnh này để có biện pháp ứng phó thích hợp.

Không bao lâu sau, những thông tin chính thức về căn bệnh AIDS được phổ biến tại Việt Nam, các bệnh nhân AIDS khi biết rõ căn bệnh và lờ mờ hiểu ra kết cục thì trở nên hoang mang lo sợ, đa phần họ rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, không thiết sống. Trong thời gian này, đã có một sự kỳ thị đối với những bệnh nhân, người ta đã từng tung những thông tin phản khoa học rằng chỉ cần ở gần những bệnh nhân AIDS là có thể lây bệnh.

Thế nên, người ta đã không hiểu vì lý do gì mà một người bình thường như ông Luyến lại chấp nhận gần gũi, tiếp xúc những bệnh nhân AIDS? Bác sĩ Luyến đã tới các công viên, ổ chích để kéo họ trở về cuộc sống. Thế mà có người  nhiễm AIDS gặp ông kéo hẳn quần lên để một phần thân thể đã bị hoại tử để đe dọa hòng tống khứ ông đi, có khi dấm dứ cả những ống kim tiêm đầy máu. Nhưng ông đã kiên nhẫn với công việc mà ông cho là sứ mệnh của mình...

S. được sinh ra trong một gia đình trí thức, S. học cao, từng tham gia thanh niên xung phong trong những năm đầu xây dựng đất nước. Khi tương lai đang rộng mở trước mặt thì S. theo bạn xấu lao vào vòng xoáy phù dung, tiền bạc và ước mơ thời trai trẻ tiêu tan qua làn khói trắng hư ảo. Sự nghiệp đổ vỡ, gia đình lìa bỏ rồi khi biết mình đã nhiễm HIV sau những lần sử dụng chung kim tiêm với những con nghiện khác, S. đã có ý định “chết là hết”. Ngày trước và ngày sau đối với S. chỉ xoay quanh hai suy nghĩ ma túy và cái chết.

Tình cờ nghe chuyện về S. trong một lần tiếp cận với những bệnh nhân HIV, bác sĩ Luyến muốn gặp cho được chàng trai này. Ông đã lặn lội đến từng hang cùng ngõ hẻm, đến từng ổ chích, đến tận nhà của S. Khi đến nhà, ông mới phát hiện ra rằng gia đình S. chưa ai biết anh ta bị nhiễm HIV và rất lâu rồi anh ta không trở về nhà, cũng không một ai biết anh ở đâu. Kiên trì với mục đích tìm kiếm của mình, ông đã gặp S. tại một công viên cũng là tụ điểm tiêm chích ma túy.

Lần đầu gặp ông, S. đã nhìn ông bằng ánh mắt không hề thiện cảm, S. những tưởng ông đã xoáy vào nỗi đau của anh ta và tìm cách xua đuổi ông. Nhưng bác sĩ vẫn kiên trì thuyết phục, ông nói rằng anh còn có một gia đình, cả một tương lai phía trước, bị nhiễm HIV như anh không có nghĩa là mất tất cả. S. đã hỏi lại ông bác sĩ có biết kết cục cuối cùng của những người nhiễm HIV hay không - một cái chết bệnh tật ghê sợ, những người như S. sống để làm gì, sống để đau đớn nhìn sự kỳ thị của xã hội, sự xa lánh của những người thân? Và S. đã bộc bạch lòng mình với những nỗi lo sợ, rằng anh rất sợ sự cô độc, anh vẫn biết cuộc sống của mình hiện giờ hoàn toàn vô nghĩa. Vị bác sĩ lắng nghe lặng im không nói gì, ông chỉ hẹn ngày mai ông trở lại...

Người thứ hai được bác sĩ Luyến kéo trở về cuộc sống là LS., một tay anh chị có tiếng khu vực cầu Lê Văn Sỹ. Trong những lần tiếp xúc và gặp LS., bác sĩ Luyến thấy anh ta có thể thâm nhập vào dân anh chị đao búa nghiện ma túy không mấy khó khăn, trong đôi mắt dài dại của LS. vẫn còn sự luyến tiếc nhiều với cuộc sống. Lần đầu gặp và nghe những lời thuyết phục của ông, LS. đã chửi đổng rồi cười lên ha hả. Anh ta trợn mắt dữ tợn lên nhìn thẳng vào đôi mắt của vị bác sĩ mà y cho là “điên rồ”. Thế nhưng, thấy vị bác sĩ vẫn mỉm cười với một cái nhìn thân thiện, LS. đã xuôi lòng. Bác sĩ Luyến khuyên hắn nên từ giã ma túy, từ giã cuộc đời đao búa để cùng ông giúp đỡ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ.--PageBreak--

Người thứ ba là T. một người bệnh lang thang, không nhà cửa. Bác sĩ Luyến gặp T. nằm vạ vật trên hè phố trong cái giá lạnh run người. Chỉ liếc qua, ông đã xác định  là một bệnh nhân AIDS. Khó khăn lắm mới lân la làm quen được với T., ông đã mua cho T. ít thức ăn và thuốc uống. Sáng hôm sau, ông đã đi khắp nơi tìm việc làm và nhà ở cho bệnh nhân AIDS mà ông gặp đêm qua. Cảm kích trước tấm lòng của vị bác sĩ, T. đã nghe theo ông cùng với LS. và ĐKS. tham gia tổ đặc nhiệm BGB phòng chống, tham vấn và giúp đỡ những bệnh nhân AIDS. Ba người sau này đã trở thành nòng cốt trong công tác phòng chống, tiếp cận và trực tiếp chăm sóc bệnh nhân AIDS trong thành phố.

Câu lạc bộ Bạn giúp bạn

Những năm đầu khi bệnh nhân AIDS còn là nỗi kinh sợ với những thân hình bị hoại tử lở loét và bốc mùi, phần đông bác sĩ và cả những người thân trong gia đình đều ngại đụng chạm tới người bệnh. Bệnh nhân AIDS thì khát thông tin, họ không biết phải chăm sóc mình như thế nào, cũng không biết để phòng lây lan cho người khác và phần đông người dân khi ấy còn rất mập mờ về HIV, AIDS vì thế mà càng được thế tung hoành.

Bác sĩ Luyến là một trong số ít những bác sĩ dám tiếp xúc, khám và điều trị cho bệnh nhân AIDS. Khi thấy số bệnh nhân ngày càng đông, Ủy ban Phòng chống AIDS với vài nhân viên thì sẽ lo không xuể, ông đã đề xuất với Sở Y tế Tp.HCM thành lập một tổ đặc nhiệm của những bệnh nhân AIDS, với sự tham gia của những bệnh nhân và họ sẽ giúp đỡ tham vấn cho chính những bệnh nhân. Ông nghĩ đơn giản một điều chỉ có những bệnh nhân họ mới hiểu và biết phải làm gì đối với những người cùng cảnh ngộ. Khi mà chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu cho căn bệnh thế kỷ này thì phương thuốc tốt nhất chủ yếu là tinh thần, chỉ cần một lời động viên an ủi cũng giúp đỡ họ rất nhiều.

Các thành viên Câu lạc bộ Bạn giúp bạn.

Với những thông tin và tư liệu thu thập và dịch từ nước ngoài, bác sĩ Luyến cùng với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cùng nhiều chuyên viên y tế đã tức tốc mở một khóa học để dạy cho các thành viên Bạn giúp bạn (BGB). Sau một năm, thành viên của tổ đặc nhiệm đã tăng lên nhanh chóng với gần 200 người, bác sĩ Luyến tiếp tục đề xuất để những người bệnh thành lập một câu lạc bộ của riêng họ - Câu lạc bộ BGB ra đời.

Được UBND Tp.HCM cấp cho một căn nhà làm trụ sở tại số 43 Lam Sơn, quận Bình Thạnh, và số điện thoại 08.8031162 trở nên thân thuộc với tất cả bệnh nhân AIDS. Đây là  nơi giải đáp, tư vấn những thông tin về AIDS, là nơi để các bệnh nhân AIDS san sẻ, thổ lộ những tâm tình. Nhiều người bệnh đã trở về với cuộc sống từ đây...

Anh Bùi Duy Thủy, Trưởng Câu lạc bộ BGB cho biết, các thành viên trong Câu lạc bộ đã cung cấp không ít những thông tin rất giá trị giúp lực lượng Công an Tp.HCM phá tan những tụ điểm, ổ chích ma túy trên địa bàn, giúp đỡ rất nhiều người trở về với cuộc sống đời thường.

Đến nay, Sở Y tế Tp.HCM đã đào tạo được trên 1.000 tư vấn viên HIV/AIDS là bệnh nhân, lập riêng một đội chăm sóc y tế để lo cho những bệnh nhân nhiễm AIDS giai đoạn cuối. Khi gặp bác sĩ Luyến tại Trung tâm Y  tế dự phòng Tp.HCM, ông đã là Trưởng khoa Phòng chống AIDS, thuộc Trung tâm Y  tế dự phòng Tp.HCM đang tất bật chuẩn bị cho cuộc họp giao ban mạng lưới phòng chống AIDS. 15 năm rồi lúc nào ông cũng đau đáu lo cho những bệnh nhân AIDS. Sau nhiều năm tìm kiếm thông tin về AIDS và những kinh nghiệm có được trong thời gian gần gũi và chăm sóc bệnh nhân, ông cùng với bác sĩ Lê Thanh Hải, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Vũ Ngọc Tuấn, dược sĩ Nguyễn Văn Thục, Lưu Thị Nết và bác sĩ Trịnh Thị Thu đã hoàn thành cuốn sách “Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà”. Cuốn sách hướng dẫn rất tỉ mỉ về chăm sóc tinh thần cho người nhiễm đến chuyện vệ sinh, dinh dưỡng và cả phòng ngừa tránh lây lan. Cuốn sách này đã có mặt tại hầu hết các gia đình có người nhiễm HIV và được bệnh nhân HIV coi như một tủ thuốc gia đình, một cuốn sách gối đầu gường.

Tôi hỏi ông: “Việc thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân AIDS thì bác sĩ có gặp sự phản ứng nào từ gia đình hay không?". Ông vui vẻ trả lời: “Lúc đầu bà xã mình cũng phản ứng dữ lắm, nhưng rồi mình đã kể cho bà ấy nghe về những người bệnh, những số phận đáng thương... Dần dần bà ấy hiểu, thông cảm và luôn đứng đằng sau mình suốt bao nhiêu năm nay”. Nhiều người tỏ ra xa lánh và hờ hững với ông nay cũng có cái nhìn khác. Từng là một người lính, bác sĩ Luyến luôn tin tưởng và kiên định với con đường mà ông đã chọn.

Tôi đã nghe về ông qua câu chuyện về một bệnh nhân AIDS, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ta chỉ mong được gặp bác sĩ Luyến để nói lời cảm ơn người tái sinh ra anh. Chính ông đã giúp anh những ngày được sống ý nghĩa dù ngắn ngủi.

Cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ AIDS vẫn đang còn tiếp diễn đối với xã hội, với nhiều bệnh nhân và với cả vị bác sĩ của những bệnh nhân AIDS này

Thuận Thiên
.
.
.