Người Xơ Đăng có nữ anh hùng huyền thoại

Thứ Hai, 12/05/2008, 16:51
Giữa rừng sâu núi cao trong những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa núi rừng Tây Nguyên, khi bị pháo cao xạ bắn phá vào nơi đơn vị đóng quân, nồi cơm vừa nấu xong, chị đã lấy thân mình đè vào nồi cơm để lấy cơm cho bộ đội về ăn.

Từ năm 1962 đến 1972, chị Y Buông làm chiến sĩ nuôi quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 thuộc Tỉnh đội Kon Tum. Suốt 10 năm nấu cơm cho bộ đội trong những ngày chiến đấu gian khổ và ác liệt trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, chị đã mang cả tình yêu thương của mình để phục vụ bộ đội "ăn no mà đánh thắng".

Nồi cơm của chị Y Buông đã góp phần làm nên chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 và cũng từ chính nồi cơm huyền thoại này, chị đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người nữ Anh hùng đầu tiên và duy nhất của dân tộc Xơ Đăng và của tỉnh Kon Tum hiện nay.

... Hôm ấy, đại đội của chị bị địch phát hiện, chúng dùng pháo cao xạ bắn dữ dội vào chỗ ở của đơn vị. Lúc này, chị vừa nấu cơm xong. Thay vì chạy vào hầm để trú ẩn, chị đã dùng cả thân mình đè lên và ôm chặt lấy nồi cơm, cứ như thế cho đến khi không còn tiếng pháo. Lúc anh em trong đơn vị trở về, chị và nồi cơm bị đất vùi, cả đơn vị phải bới chị từ trong đất lên. Chị bị thương nặng nhưng nồi cơm thì vẫn còn nguyên vẹn, không có một tí đất lọt vào.

Khi tỉnh dậy, anh em hỏi chị vì sao chị lại làm như thế, chị Y Buông nói rằng: "Nếu chị có chết thì vẫn còn người khác thay chị nấu cơm nuôi bộ đội, nhưng nếu nồi cơm mà bị mất đi, bộ đội sẽ bị đói cái bụng, chị thương anh em lắm".

Chị Y Buông là người dân tộc Xơ Đăng, quê ở xã vùng sâu Đăk Na, huyện Đăk Tô. Ở vùng quê có truyền thống cách mạng, được giác ngộ từ nhỏ, Y Buông gia nhập lực lượng vũ trang của huyện năm 1962 và được giao nhiệm vụ nuôi quân cho một đại đội 80 người.

Giữa rừng sâu, núi cao trong những ngày đánh giặc Mỹ gian khổ, chị đã hết lòng vì bữa ăn của bộ đội. Có thời kỳ hậu cần của ta bị phong tỏa, lương thực không đến được với chiến trường, một mình chị ngày đêm đào củ, hái rau rừng, bắt cá, bắt ốc ở những khe suối nấu cho cả đại đội ăn.

Dù chiến trường có ác liệt đến mấy, bếp của đơn vị do chị phụ trách lúc nào cũng đỏ lửa, vẫn có củ, có rau... chẳng bao giờ để anh em bị đứt bữa. Và hầu hết thực phẩm đều do chị tự tay tìm kiếm trong rừng. Đối với chị, nuôi quân là một nhiệm vụ hết sức cao cả và thiêng liêng. Chính vì thế, không bao giờ chị ăn cơm trước anh em.

Thương yêu bộ đội như những người thân yêu nhất của mình, chị đút từng thìa cháo cho anh em lúc đau ốm. Không quản ngại đêm hôm sớm tối, lúc nào chị cũng có mặt khi bộ đội cần đến chị. Có những lúc anh em lạc đường trong rừng sâu, chị đã lặn lội đi tìm, lúc gặp nhau chị em ôm nhau mà khóc...

Những lúc chiến trường ác liệt, hằng ngày chị nấu cơm ở căn cứ rồi lại gùi cơm và thức ăn lên chốt cho anh em. Băng rừng lội suối, dù gian nan vất vả đến mấy thì cơm của chị cũng đến với bộ đội, không khi nào anh em trong đơn vị bị đói.

Không chỉ nuôi quân, đã rất nhiều lần, chị Y Buông trực tiếp tham gia vào các trận đánh của đơn vị. Có lần, đơn vị bị địch bao vây, chị đã cùng anh em đánh trả quyết liệt và chị đã dùng súng cạc-bin bắn chết 1 tên và dùng lựu đạn giết chết 3 tên địch.

Chiến công của người chiến sĩ nuôi quân Y Buông đã làm nức lòng và lan tỏa đến khắp các đơn vị ở chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh và vùng Bắc Tây Nguyên thời kỳ ấy. Một con người bình dị lo nồi cơm cho chiến sĩ đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, chí khí đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Năm 1972, chị Y Buông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cũng từ lúc này, thấy sức khỏe chị yếu, hơn nữa chị lại bị gãy mất một chân nên tổ chức đưa chị ra miền Bắc và từ ngày ấy, chị phải xa anh em bộ đội, không còn làm nhiệm vụ nuôi quân.

Khi được hỏi vì sao chị lại ôm nồi cơm giữa đạn pháo địch như vậy, chị Y Buông nở nụ cười đôn hậu nói với tôi: "Khi ấy, nếu em là chị thì chắc chắn em cũng phải làm như thế. Mình phải lo cho bộ đội, nếu bộ đội đói cái bụng, ai là người đánh giặc". Câu nói thật chân thành từ đáy lòng của người nữ Anh hùng Y Buông làm cho thế hệ trẻ chúng tôi thật khâm phục và kính trọng.

Tôi thầm biết ơn đất nước đã sản sinh ra những con người bình dị nhưng vô cùng vĩ đại. Chính những con người ấy đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam mà thế hệ trẻ hôm nay phải giữ gìn, trân trọng.

Chị Y Buông hiện đang sống ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Dù cuộc sống còn những khó khăn nhưng anh chị sống chan hoà, hạnh phúc. Ngoài tiền lương hằng tháng, vợ chồng chị không làm gì thêm vì đều đã yếu.

Khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm Đăk Tô, chị có nói với Tổng Bí thư rằng: "Bà con mình bây giờ sướng hơn trước nhiều rồi, nhưng theo lời Đảng nói thì dân mình phải biết làm giàu nhiều lên. Mình đề nghị Đảng và Nhà nước cho dân vay vốn lâu hơn, nhiều hơn; dạy người dân cái kỹ thuật để bà con xoá đói giảm nghèo". Nghe chị nói, như có sự đồng cảm, Tổng Bí thư nắm chặt lấy đôi bàn tay của chị...

Ngọc Diễm
.
.
.