Người Pa Cô, Vân Kiều trong chiến thắng Khe Sanh

Thứ Hai, 07/07/2008, 16:23
Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng huyện Hướng Hoá, ngày 9/7/1968, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong chiến lược quân sự của bộ đội và đồng bào Hướng Hoá. Từ đây, mở màn cho chiến lược đánh bằng xe tăng vào chiến trường miền Nam của quân và dân ta. Trong các nhân tố quyết định thành công của chiến lược này phải kể đến những người con Pa Cô, Vân Kiều.

Gùi tăng vào trận chiến 

Những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi thất thủ nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung đông lực lượng, vũ khí tối tân, chặn đánh các trục đường giáp ranh giữa 2 miền, đặc biệt là tuyến đường 9 và đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Trị, rồi lập nên các căn cứ bất khả xâm phạm tại đây.

Trước tình thế hết sức khó khăn này, mệnh lệnh của cấp trên là phải tháo dỡ vành đai của địch, giải phóng các miền đất địa đầu của Tổ quốc, có như vậy mới giải phóng được miền Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là giải phóng bằng được huyện miền núi Hướng Hoá.

Chiến lược vạch ra, là đưa xe tăng vào trận chiến - lực lượng chính tiêu diệt các đồn bốt của địch, bên cạnh là các hỏa lực mạnh cùng bộ đội và du kích đánh yểm trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, các đoàn tăng tiến thẳng từ miền Bắc vào đây là không thể, do địch dễ bề phát hiện.

Cuối cùng, các tướng lĩnh của ta thống nhất phương án, chia nhỏ từng bộ phận xe tăng, gùi cõng vào chiến trường. Tham gia công tác đặc biệt này, bên cạnh lực lượng bộ đội, du kích địa phương, phải kể đến đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hoá.

Căn nhà sàn của già làng Hồ Mo, xã Thuận (Hướng Hóa) nằm dưới chân núi Đặng. Già làng Hồ Mo năm nay 80 tuổi, chậm rãi kể: "Cách đây 40 năm, đôi chân của bố rất khỏe, đôi mắt của bố rất sáng. Bố gùi tăng đi suốt đêm mà không thấy mệt, rừng sâu hun hút mà thấy rõ đường. Bây giờ, tuổi cao rồi, đôi mắt, đôi chân của bố không còn như trước nữa, nhưng chuyện gùi tăng thì bố làm sao quên được. Đó là niềm vinh dự, là kỷ niệm thiêng liêng của một đời người được tham gia vào chiến dịch giải phóng quê hương".

Năm 1968, ở tuổi 40, ông Hồ Mo được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn cùng với một số anh em như Hồ Mang, Hồ Bố, Hồ Cun ở các xã Thuận, xã Thanh (Hướng Hoá) giúp bộ đội gùi cõng các bộ phận như nòng súng, bình điện, xích của xe tăng, đi ban đêm giữa rừng già từ vùng ranh giới giáp với tỉnh Quảng Bình về phía Tây vào tập kết ở các vùng rừng Khe Sanh.

Vào thời điểm này, Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh phá rất ác liệt. Đội gùi cõng tăng gặp rất nhiều khó khăn. Ròng rã nhiều tháng trời bám trụ giữa rừng, đội gùi tăng của ông Mo và bộ đội làm việc một cách không mệt mỏi. Bộ phận nào quá nặng, gánh, gùi không nổi thì họ chuyển lên thuyền mộc, ngâm mình trong dòng nước sông Sê Pôn, kéo thuyền theo dọc sông về điểm tập kết.

Theo sử liệu, từ ngày 14/10 đến ngày 21/12/1967, Tiểu đoàn Tăng 198 xuất phát từ Lương Sơn (Hòa Bình) bí mật hành quân vào chiến trường Khe Sanh. Sau 50 ngày đêm hành quân vượt hơn 1.000 cây số đường rừng Trường Sơn đầy hiểm trở, Tiểu đoàn Tăng 198 đã có mặt ở một bản nằm sát biên giới Việt - Lào (giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay).

Được sự giúp sức vô cùng to lớn của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, các phương tiện cơ giới tham gia cuộc tiến công vào Làng Vây đã vào được các vị trí chiến lược... Chiến thắng Khe Sanh mở màn cho chiến lược của Tiểu đoàn Tăng 198 sau này - Đã ra quân là đánh thắng!

Tấm lòng đối với Bác kính yêu

Dịp kỷ niệm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng huyện Hướng Hoá, tôi may mắn gặp được nhiều lão thành cách mạng là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở các bản làng xa xôi của huyện Hướng Hoá. Già làng Hồ Đạn, ở xã Thanh tự hào kể về lịch sử lấy họ Bác Hồ của dân tộc mình.

Ông kể, ngày 16/6/1946, dưới một chân núi cao, người Pa Cô, Vân Kiều đã cắt máu uống thề một lòng theo Đảng và lấy họ của Bác Hồ làm họ của dân tộc mình. Kỷ niệm thiêng liêng ấy diễn ra sau khi từ Việt Bắc, Bác Hồ cử cán bộ vào thăm hỏi đồng bào, đem hình Bác tặng cho các bản và đem lụa tặng cho người già sống gần một trăm mùa rẫy... 

Hơn 60 năm mang họ Bác Hồ, cuộc sống của người Vân Kiều, Pa Cô đã đổi thay như có phép mầu. Từ chỗ chỉ quen đốt rẫy trỉa hạt, đến nay bà con đã có những thửa ruộng nước cho năng suất cao, có hàng trăm trang trại gia súc, cây lâm nghiệp với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/năm/trang trại.

Hiện trên 60% gia đình đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hoá xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được xe máy và tivi. Con em Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trở về công tác tại bản làng ngày một nhiều hơn, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá phấn khởi cho biết, các chương trình đầu tư phát triển kinh tế của huyện, tỉnh và Chính phủ được đồng bào hưởng ứng rất tích cực. Nhờ các chương trình này mà hiện nay, người Pa Cô, Vân Kiều có cuộc sống rất ổn định...

Kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, bên bếp lửa nhà sàn, già trẻ, trai gái cùng nhau uống rượu cần, liên hoan văn nghệ và nghe kể chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện kể hoài không hết, để lớp lớp cháu con thêm tự hào về đất nước quê hương, về Bác Hồ kính yêu!

Phan Thanh Bình
.
.
.