Ngược miền Cọ Sơn

Thứ Năm, 27/11/2008, 09:23
Miền Cọ Sơn thuộc xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đường lên quanh co, trập trùng vất vả vô cùng. Gần 200 hộ dân, dường như bị sống biệt lập vì sản phẩm từ sức lao động của họ làm ra đấy, nhưng chẳng để buôn bán được cho ai. Người ta vẫn gọi đây là một cái "hom" nắng, chuyên phải hứng cái nắng, cái mưa, cái sự thất thường của thời tiết.

Đường lên heo hút

Dù có một mình, với chiếc xe máy cà tàng của mình, tôi vẫn quyết định lên xóm Cọ Sơn. Đường lên khó đi hơn sự mô tả của những người dân dưới chân núi. Nếu không vì sự nhiệt tình của sức trẻ, vì niềm đam mê muốn khám phá, tôi rất dễ "toi" vì lao xuống vực sâu. Dọc đường đi, cái nắng cái mưa thất thường, chẳng biết đâu mà lần. Lúc chuẩn bị lên tôi gặp Phó Chủ tịch xã Thu Ngạc Hà Xuân Hải đi xuống, định sang xã bên có việc.

Ông cho hay: "Cọ Sơn như một cái hom đón nắng và gió, có lòng chảo để làm lúa và có núi để trồng rừng. Tiếc rằng, lúa và gỗ làm ra đấy nhưng để đưa về xuôi thì thật khó vì đường đi không vừa một cái xe trâu".

Giờ thì tôi đang vượt hơn 6km đường dốc ngược, dựng đứng, lầy lội và hiểm trở để đến Cọ Sơn.  Đứng từ trên cao nhìn xuống, thác Bà tung bọt trắng xoá, trông giống như chiếc ly bạc nổi giữa màu xanh núi rừng. Thi thoảng lại có nhóm người gồng gánh đi ngược và đi xuôi. Thấy tôi lên bằng xe máy, họ không khỏi ngạc nhiên. Tôi dám chắc, họ ngạc nhiên vì một người dưới xuôi dám "vác xác" lên để chịu "hành xác" trên con đường này.

Đứng lại nói chuyện, tôi được chị Hà Thị Lý nói bằng giọng lơ lơ tiếng Kinh cho biết: "Chú à, đường lên khó đi lắm a. Chú đi bằng xe máy lên là không được rồi. Chỉ đi bộ thôi, đến trai xóm giỏi đi còn khó. Giờ đến đây rồi, cố gắng thôi". Qua câu chuyện của mấy người phụ nữ, tôi được biết trai tráng ở Cọ Sơn do được "luyện tập" thường xuyên từ con đường này mà họ đều đi xe máy đường đèo rất cừ, nhưng về xuôi, lại rất hay tai nạn vì thấy đường nhựa phẳng đẹp là cứ phóng vù vù.

Mỗi trận mưa ập xuống, con đường biến thành suối, thành khe đục ngầu, lầy lội vết chân và phân gia súc. Có đoạn cua trước mặt gấp khúc 90 độ, sườn núi cách mép vực chỉ khoảng 50-60cm. Gió hun hút thổi. Chiếc xe của tôi đi được một tí lại phải khựng lại. Tôi phải trầy trật xử lý bằng mọi cách để đến được bản an toàn, giúp cho mình... khỏi lăn xuống vực trong tích tắc mà một số người đã nói. Khoảng 3 năm nay, đã không ít người rơi xuống vực trên đường đi đến xóm Cọ Sơn.

Khát vọng con đường nơi thẳm sâu

Nắng gắt gay phủ mình lên Cọ Sơn khiến cả thung lũng rực lên một màu vàng. Tôi ngồi thở dốc để chuẩn bị vào việc tiếp xúc với người dân. Người tôi tìm đến trước hết là anh Bùi Văn Hùng, Bí thư Đoàn xã. Tôi thắc mắc vì sao, người Mường ở Cọ Sơn không làm ăn sinh sống dưới chân núi, mà lại mon men vào chốn thâm u này sinh sống.

Anh Hùng nói: " Những năm kháng chiến chống Mỹ, Cọ Sơn còn được gọi với cái tên rất mơ mộng: Mĩ Sơn. Hợp tác xã Mĩ Sơn - hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của Thu Ngạc phát triển những năm 60 đã góp phần đổi thay đời sống bản Mường. Người Mường theo Đảng, theo cụ Hồ đánh Mỹ và làm kinh tế. Năm 1967, dân Cọ Sơn chỉ có lưỡi hái và gậy tre đã bắt được giặc lái Mỹ đấy".

Anh Hùng tự hào, phấn khích khi nói đến công trạng của cha ông mình. Cũng như sức sống của họ đang trải ra trên xóm mường heo hút giữa rừng, khi mà cuộc sống thì khắc nghiệt, đường đi khó khăn, điện lưới quốc gia chưa sáng đến nơi.

Anh Hùng giới thiệu cho tôi biết rằng xóm làng đang dồn điền đổi thửa, tổng cộng rộng 35ha và những ngọn núi ngút ngát màu xanh của keo và mỡ. Người dân trồng rừng, được Lâm trường Tam Sơn thu mua với mức giá gần 40 triệu/ha. Nhà có diện tích rừng lớn khoảng 18ha, ít cũng vài hécta. Sau mỗi lần hạ gỗ, số tiền thu về giúp người dân sửa nhà, mua sắm đồ đạc.

Tuy là xóm vùng cao nhưng Cọ Sơn là khu hành chính tập trung nhiều xe máy nhất xã, nhiều gia đình có thu nhập khá còn đầu tư cho con em mình về thị trấn Thanh Sơn học tập. Năm 2007, bà con trong khu cùng nhau tương trợ xoá được 16 nhà tạm. Cọ Sơn, có những ngôi nhà sàn to rộng, dù được cất cách đây 20 năm nhưng vẫn chắc chắn và bề thế.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng xóm Cọ Sơn cho biết: "Từ xưa tới nay, người Mường nơi đây vẫn giữ phong tục "tứ đại đồng đường". Dù nhà có 4, 5 người con trai thì khi chúng lấy vợ, sinh con vẫn ở chung nhà với cha mẹ. Ngoài việc thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh gia đình, đây còn là bài toán kinh tế. Người một nhà, kinh tế tập trung, dù làm rừng hay làm lúa đều tiết kiệm được thời gian và công lao động".

Có phải vì thế mà dù chưa có chủ trương dồn điền, đổi thửa nhưng ở Cọ Sơn, việc chia ruộng, chia đất theo kiểu đại gia đình khiến ruộng đất ở đây vẫn tập trung thành những thửa lớn.

Cọ Sơn còn nghèo nhưng đời sống người dân mấy năm gần đây đã khá lên nhiều. Điều mong mỏi nhất của bà con là con đường về xuôi. Vào mùa mưa lũ, Cọ Sơn hoàn toàn bị cô lập, những khi có người bị cấp cứu, chỉ còn cách là cõng hoặc cáng. Vất vả nhất là mỗi lần hạ gỗ, người dân phải dùng dây kéo, rồi dùng đòn lăn để trượt dần xuống. Nếu có đường đi thuận lợi, hẳn là cuộc sống sẽ không đến nỗi vất vả như thế.

Nguồn vốn WB tài trợ chỉ đủ làm vỏn vẹn 600m đường cùng con đập chống lũ nhưng đó là cung đường cách khu Cọ Sơn 4km. Mỗi người dân đều khao khát có con đường đàng hoàng lên đến xóm, để họ còn dễ dàng giao lưu với thế giới xung quanh, cuộc sống bớt đi cái cơ cực bao đời

Nguyễn Văn
.
.
.