Khôi phục ngành nghề và dịch vụ từ tiền bồi thường sự cố biển

Thứ Bảy, 18/03/2017, 07:18
Sau khi được nhận tiền đền bù chi trả sự cố môi trường biển theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung nói chung đã dùng số tiền bồi thường để cải hoán máy móc, đóng mới tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ; hoặc đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực…


Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 19.900 đối tượng là ngư dân, người lao động trên biển, chủ tàu thuyền... được phê duyệt chi trả tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, với tổng số tiền 749,7 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả đền bù đợt 1 với gần 400 tỷ đồng…

Ngày 17-3, chúng tôi về các xã ven biển huyện Phú Vang, một trong số các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển vừa qua và ghi nhận hoạt động vươn khơi bám biển của bà con ngư dân đã nhộn nhịp trở lại như trước.

Nhiều ngư dân ở huyện Phú Vang sử dụng tiền bồi thường và vay vốn thêm để đóng mới tàu cá. 

Tại cảng cá thị trấn Thuận An, nhiều tàu thuyền công suất lớn của ngư dân địa phương cập bờ để bán hải sản cho thương lái, sau đó tiếp nhận thêm lương thực, đá, dầu chạy máy để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho biết, thị trấn có 4.749 đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và địa phương đã hoàn tất việc chi trả hơn 63,4 tỷ đồng tiền bồi thường cho ngư dân.

Nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động nên phần lớn các ngư dân sau khi nhận tiền đền bù đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cho việc đánh bắt thủy hải sản bằng cách cải hoán máy móc, mua sắm lưới cụ; hoặc đóng tàu mới thay thế cho tàu cũ.

“Mặc dù sản lượng khai thác hải sản trong năm 2016 đạt 7.420 tấn, giảm 480 tấn so với năm 2015 vì sự cố môi trường biển, nhưng ngư dân trên địa bàn đã đóng mới thêm 15 chiếc tàu công suất từ 420-959CV, cải hoán máy 19 tàu, nâng tổng số tàu thuyền toàn thị trấn lên 390 chiếc, với tổng công suất 29.895CV”, ông Phước thông tin.

Tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận (thị trấn Thuận An), các công nhân đang nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để kịp nâng cấp các tàu cá cho ngư dân địa phương sau những chuyến biển dài ngày.

Ngư dân Nguyễn Văn Thường (trú thôn Tân Bình, Thuận An) cho biết, gia đình có tàu cá công suất 300CV nên được bồi thường hơn 28.660.000 đồng/tháng, vợ chồng tôi quyết định dùng số tiền này để tu sửa lại cabin tàu, đầu tư thêm các trang thiết bị như máy định vị dò cá, thay thế bộ đàm... với hy vọng việc đánh bắt tôm, cá trên biển sẽ có hiệu quả hơn.

Tại xã Phú Thuận, một trong những địa phương có số lượng cơ sở chế biến nước mắm lớn nhất nhì huyện Phú Vang, với hơn 110 cơ sở chuyên phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu thì sau sự cố môi trường biển, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm.

Ông Trần Quốc Tín, chủ một cơ sở chế biến nước mắm ở Phú Thuận, chia sẻ: “Nhờ sự tuyên truyền, vận động kịp thời của các cơ quan chức năng nên trong những tháng đầu năm 2017, nước mắm đã được tiêu thụ trở lại. Đặc biệt, sau khi nhận được số tiền đền bù sự cố môi trường biển, cơ sở chúng tôi đã đầu tư mua sắm thay thế các trang thiết bị hư hỏng, tăng lượng cá mua vào làm nguyên liệu ủ mắm để sản xuất nước mắm cung ứng ra thị trường như trước”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho hay, tổng số tiền mà xã thực hiện chi trả đền bù cho ngư dân trong đợt 1 theo Quyết định 1880 là 14 tỷ đồng. Trong đó, nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ đã sử dụng số tiền bồi thường vào việc phát triển mô hình chăn nuôi, mở gia trại…

Được cán bộ nông nghiệp xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ngư dân Hồ Văn Quyến (thôn Tân An, Phú Thuận) đúng lúc anh đang tranh thủ sửa lại chuồng trại cho đàn dê. Anh Quyến trải lòng: “Những năm qua, việc đánh bắt gần bờ chỉ giúp vợ chồng tôi đủ trang trải cuộc sống. Nay tận dụng số tiền bồi thường, tôi quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 7 con dê giống về nuôi với hy vọng sau này mở rộng mô hình nuôi dê thịt”.

Tại huyện Phú Lộc, có trên 6.000 đối tượng được chi trả đền bù sự cố môi trường biển, với tổng số tiền hơn 126 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc có gần 100 ngư dân được đền bù với hơn 5,5 tỷ đồng.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, bày tỏ rằng, đối với ngư dân có tàu thuyền dưới 90CV, tiền bồi thường được các hộ sử dụng để mua sắm ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền; riêng ngư dân có tàu từ 400-800CV lại sử dụng nguồn tiền này để cải hoán máy móc hoặc vay vốn thêm để đóng mới tàu cá công suất lớn. Điển hình như ngư dân Trần Vẹn (thôn Đông Hải, xã Lộc Trì) đã đóng mới thêm một tàu cá 850CV sau khi nhận được tiền bồi thường...

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, xác nhận, qua công tác kiểm tra cho thấy, sau khi nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường biển, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng số tiền  này có hiệu quả vào việc cải hoán máy móc, mua sắm lưới cụ, khôi phục các dịch vụ, ngành nghề sản xuất truyền thống.

“Hiện tình hình khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ổn định trở lại. Công tác chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2, với kinh phí được cấp là 200 tỷ đồng được chuẩn bị sẵn sàng. Đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ để ngư dân sử dụng tiền đền bù đúng mục đích để phát triển kinh tế, tránh sự lãng phí...”, ông Đức khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.