Ngư Thủy hôm nay

Thứ Bảy, 24/04/2010, 16:52
Vượt qua con đường đầy cát trắng trong cái nắng gay gắt đầu hạ, chúng tôi tìm về Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Ngư Thủy nổi danh với đại đội nữ pháo binh. Cuộc chiến đấu gan góc, kiên cường của đại đội đã làm nên một tượng đài trên vùng quê cát trắng.

Sau 35 năm đất nước thống nhất, các nữ pháo thủ Ngư Thủy năm xưa giờ đã bước sang tuổi 60, 70. Những ký ức hào hùng, những kỷ niệm chiến trận, những suy tư, trăn trở của các o lần đầu tiên kể với chúng tôi giữa buổi chiều mênh mang cát và sóng biển.

Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh

Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam Nguyễn Phương Lâm tự hào giới thiệu: Ngư Thủy có lẽ là xã duy nhất ở nước ta khi sở hữu đến 4 danh hiệu Anh hùng: Xã Anh hùng, đại đội nữ pháo binh Anh hùng, Đồn Biên phòng 200 Anh hùng, Trung đội du kích Tây Thôn Anh hùng. Bước sang những năm 1965, do liên tiếp thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc. Quảng Bình trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.

Tại yết hầu xã Ngư Thủy, Quảng Bình, địch đánh phá suốt ngày đêm. Trung bình mỗi người dân Ngư Thủy phải gánh chịu trên 130 quả bom, đạn các loại. Thà hy sinh tất cả để cứu nước cứu làng, hầu hết người dân Ngư Thủy viết đơn tình nguyện xin được đánh giặc. Ngày 21/12/1967, Tỉnh đội Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy.

Chị Trần Thị Huân - nguyên Chính trị viên đại đội nhớ lại: "Đơn vị có 37 chị em tuổi từ 16 đến 22, được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly, mấy khẩu súng trường, súng tiểu liên. Được cầm súng đánh giặc chị em hăng hái lắm. Sau hai tháng huấn luyện, đại đội đã bắn cháy tàu khu trục Mỹ mang số hiệu 013 đó là ngày 7/2/1968". Chiến đấu ngoan cường, nhiều chị được kết nạp Đảng ngay trên mâm pháo. Nhiều nữ pháo thủ bị thương vẫn cương quyết bám trận địa, sát cánh cùng đồng đội như chị Trần Thị Gắng, Nguyễn Thị Bé, Ngô Thị Mãi…

Chị Thới kể: "Hồi mới thành lập Đại đội pháo binh Ngư Thủy, o Thắt là em út của đại đội vì mới 16 tuổi, nhưng hăng hái lắm. Nó là pháo thủ số 3, lo việc tiếp đạn. Người nó gầy, nhỏ, nên hồi đó trong bài vè về đại đội, có câu như ri: Thắt 16 tuổi, viên đạn nặng 16 cân, dù đạn cao ngang người, Thắt càng thêm vững chí".

Năm 1970, đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 37 nữ pháo binh Ngư Thủy đều được Bác Hồ thưởng Huy hiệu. Pháo binh Ngư Thủy thành lập năm 1967 đến năm 1977 thì giải thể, quân số của đơn vị tất cả là 91 người.

Bắt cát chuyển mình

Ngư Thủy giờ đây được chia thành 3 xã; Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Hết chiến tranh, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy về với cuộc sống đời thường. Gánh nặng cơm áo, chắt chiu tảo tần trên cát nên chị em có phần lãng quên chiến công của mình. Gần mười năm chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, không một nữ pháo binh nào được hưởng chế độ thương binh.

Tượng đài Nữ pháo binh Ngư Thủy.

Cả tuổi thanh xuân rừng rực khí thế đánh giặc cứu nước, nên nhiều nữ pháo binh Ngư Thủy không kịp, hoặc không nhớ chuyện xây dựng gia đình. Giờ đây nhiều chị vẫn sống neo thân một mình như chị: Nguyễn Thị Huệ, Trần Thị Tất, Nguyễn Thị Đa… Có nhiều chị phải một mình bươn chải với cuộc sống để nuôi con trưởng thành như chị Trần Thị Hường, Trần Thị Ngột, Trần Thị Đính…

"Nhiều khi nhìn chị em cùng cực quá, tôi lại khóc thầm, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ mà không lo được cho chị em thì mình có tội, nghĩ vậy nên tôi phải lao vào làm" - đó là tâm sự chân thành của chị Ngô Thị Thúy Phường, nữ pháo binh Ngư Thủy ngày nào giờ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy Nam.

Khi tôi tìm đến nhà, chị Phường đang xắn cao tay áo, mồ hôi mồ kê nhễ nhại cùng với hơn 30 lao động thoăn thoắt bên máy sấy thủy sản để xuất khẩu. Tuổi trẻ lo đánh giặc, hoà bình đã toan về già nên chị Phường không lập gia đình. Năm 1998, chị làm hồ sơ xin vay vốn nhưng cán bộ tín dụng không đồng ý với lý do: "Chị Phường không có người thừa kế". "Nói thật với nhà báo một phần cũng vì câu nói đó mà tui quyết định đi xin một đứa con", chị Phường cười.

Năm 1996, khi quay bộ phim về pháo binh Ngư Thủy, con gái của chị Phường mới được 7 tháng tuổi đã được đạo diễn Lê Mạnh Thích chọn cháu đóng nhân vật cháu bé khát sữa mẹ ở trong phim. Khi đạo diễn hỏi cháu tên gì? Chị Phường đáp: "Tui đặt cháu tên Ép". "Vì sao lại Ép?", "Vì họ không cho vay tiền vì không có người thừa kế", chị trả lời vậy. Đạo diễn Lê Mạnh Thích đã đặt tên đi học cho Ép là Tôn Nữ Quỳnh Anh, giờ đây cháu Quỳnh Anh đã học lớp 8.

Chuyện đưa chị em pháo binh thoát nghèo của chị Phường nghe như cổ tích: Năm 1983, chị vay xã 200 ngàn đồng, thu mua hải sản cho chị em với giá cao để sấy rồi bán cho tiểu thương đưa qua Hàn Quốc, Nhật Bản… Đêm đêm cả Ngư Thủy đỏ lửa bếp hong, sấy mực để chị Phường kịp chuyển cho tư thương. Không thể để mạnh ai người ấy làm, chị Phường đã đứng ra thành lập các tổ thu mua, chế biến hải sản. Người mạnh giúp người yếu hơn, cái quan trọng là phải giúp được nhiều chị em pháo binh thoát nghèo, chị nghĩ vậy. Không chỉ là người đầu tiên ở Ngư Thủy đưa hải sản quê mình xuất ngoại, chị Phường là người đã mạnh dạn khuyến khích bà con vùng cát nơi đây chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Trong cuộc tiếp xúc của lãnh đạo huyện Lệ Thủy với người dân Ngư Thủy, cán bộ nông nghiệp khuyên bà con nên chăm bẵm cây sắn đang trồng. Chị Phường đã mạnh dạn cắt ngang, đề nghị bà con không nên trồng sắn mà chuyển qua trồng lạc. Năm đó cả Ngư Thủy chuyển qua trồng lạc, trời nắng như lửa, cát bỏng chân. Nhiều người trong xã gặp chị Phường là đe: "Nếu mất mùa lạc, dân Ngư Thủy chết đói hết, o Phường phải chịu trách nhiệm". Ai ngờ năm đó Ngư Thủy trúng to mùa lạc, từ đó đến nay người dân chuyển qua trồng lạc.

Nhờ củ lạc, Ngư Thủy từ chỗ 40% hộ đói nghèo, giờ chỉ còn 9%. Đầu năm nay, chị Phường quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy sấy, máy hấp hiện đại để tạo nhiều việc làm cho người dân trong xã, đồng thời để nâng giá thành sản phẩm cho bà con. Giờ đây, thương hiệu nước mắm Ngư Thủy của chị Phường trở nên quen thuộc với người dân cả nước.

Với những cống hiến "bắt cát chuyển mình" giúp đỡ người dân thoát nghèo, năm 2007, chị Phường vinh dự được nhận giải thưởng "Doanh nhân vi mô Citi". Đây là giải thưởng nằm trong chương trình toàn cầu do Quỹ Citi tài trợ, lựa chọn những cá nhân có sáng tạo trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả từ các tổ chức tài chính vi mô cung cấp. Giờ đây vào các dịp lễ, Tết, các nữ pháo binh Ngư Thủy lại tổ chức gặp nhau, ôn lại quá khứ, động viên nhau phát triển sản xuất để nuôi dạy con cái khôn lớn

Dương Sông Lam
.
.
.