Ngóng về xứ dừa trong bão

Thứ Sáu, 08/12/2006, 10:04
Kết nối điện thoại được với anh Ba Liêm, Chánh văn phòng Công An tỉnh, anh cho biết Trụ sở Công an Bình Đại, Mỏ Cày bị tốc mái hoàn toàn. Hai dãy K1 và K2 của Trại giam Châu Bình - Bộ Công an bị tốc mái từ 70 - 100%. Tạm chia tay tôi trong tiếng gió hú: "Quá sức tưởng tượng rồi em ơi. Dừa còn gãy nói chi là những thứ khác"...

Rạng sáng 5/12, tôi liên lạc với anh Hoàng Hà - một đồng nghiệp tại Bến Tre. Trong tiếng gió ào ào trước nhà anh nằm cặp theo sông Bến Tre, anh nói trong giọng hốt hoảng: "Năm nay ngoài 50 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến gió bão khủng khiếp đến như vậy". Anh nói thêm, thị xã nhỏ Bến Tre nằm cách biển Đông hơn 60 km, chẳng ai ngờ rằng lại bị bão tàn phá khủng khiếp đến như thế.

Tôi gọi vào máy của anh Ba Liêm, Chánh Văn phòng Công an tỉnh. "Tút, tút, tút". Tôi lại gọi cho trực ban. Đầu dây cũng chỉ nói vắn tắt được vài con số rồi mất tín hiệu. Mấy phút sau, tôi được biết, bão Durian đã làm mất điện gần như toàn địa bàn Bến Tre. Điện thoại bàn, điện thoại di động cũng bị gián đoạn.

Tôi gọi cho các anh Tuấn, Dũng Phòng PX15 Công an tỉnh, cả hai đều nói trong cảm giác bàng hoàng. Nhà của gia đình, người thân các anh và rất nhiều anh em Công an khác ở thị xã, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày đều tan tành trong mưa bão.

Tôi kết nối lại được với anh Liêm. Anh cho biết lãnh đạo Công an tỉnh từ ngày hôm trước đã có mặt tại 3 huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, triển khai lực lượng giúp dân. Anh cũng tranh thủ tóm tắt cho tôi về thiệt hại ban đầu của ngành: Trụ sở Công an Bình Đại, Mỏ Cày bị tốc mái hoàn toàn. Dãy nhà C của Trại tạm giam bị tốc mái. Hai dãy K1 và K2 của Trại giam Châu Bình - Bộ Công an bị tốc mái từ 70 - 100%. Ăng ten của Công an Giồng Trôm, Thạnh Phú bị ngã. Nhà của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ mình bị sập hoặc tốc mái. Anh Liêm nói thêm và tạm chia tay tôi trong tiếng gió hú: "Quá sức tưởng tượng rồi em ơi. Dừa còn gãy nói chi là những thứ khác".

Tôi vốn là dân xứ dừa nhưng chưa bao giờ nghe kể chứ nói chi là chứng kiến cảnh dừa lão bị gãy vì gió. Tôi gọi điện ngay cho gia đình ở Ngãi Đăng, xã phía Nam của Mỏ Cày, nơi nằm đúng ngay luồng bão đi qua.

Khi nghe được tín hiệu từ đầu dây bên kia, tôi mừng nhưng hết sức hồi hộp. Cả ba và mẹ tôi đều là cán bộ hưu trí, thương binh. Hai ông bà sắp bước vào tuổi 70 rồi. Con cái đông đúc nhưng mỗi đứa tứ tán một nơi nên ông bà rất nhớ chúng tôi. Mới nghe giọng tôi, mẹ tôi đã khóc òa: "Nhà mình tan tành rồi con ơi!".

Bà kể, do đang ở nhà một mình nên khi thấy mái tôn nhà sau bị gió cuốn đi, mấy tấm vách nhà trước đổ sập, hồ sơ, giấy tờ của ba tôi tốc bay tứ tán, cây cối trước nhà liệt địa, bà hoảng quá chẳng biết chạy đi đâu. Rốt cuộc bà chỉ còn biết chui xuống phía dưới cái bếp, được thiết kế bằng gỗ dừa để chờ qua cơn cuồng phong.

Tỉnh hồn, bà kể thêm: Nhà chị tôi cũng bị tốc mái, dịch chuyển khỏi vị trí cũ cả mét. Dượng tôi (chồng người cô ruột), đã vĩnh viễn ra đi lúc 9h sáng 5/12 - ngay sau luồng gió dữ dội thứ hai của bão. Anh Bé - con trai duy nhất của cô, dượng tôi từng là Trưởng Công an Ngãi Đăng kể, ngay trận đầu tiên, một cây dừa ngã cách dượng nằm chưa đầy 1 mét. Thấy nguy kịch quá, anh ôm cha mình chạy lên nhà trước. Chẳng ngờ, trong tích tắc nguy kịch này, dượng đã không qua khỏi.

Cảnh tan hoang, người bị thương, người chết chóc của gia đình tôi cũng là tình trạng phổ biến của cả xứ dừa ba dãy cù lao này. Cuối ngày 5/12, người ta cũng đã có con số thống kê cơ bản mức độ thiệt hại của Bến Tre: 19 người chết, trên 300 người bị thương, gần 70.000 căn nhà bị sập, tốc mái, trên 300 trụ điện trung thế ngã sập, hàng trăm tàu, thuyền bị chìm, hàng ngàn hecta lúa, cây ăn trái, vườn ươm cây giống bị thiệt hại. Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày... là những địa bàn bị thiệt hại nặng nề.

Anh ruột kế tôi là CSHS Công an Mỏ Cày cũng hết sức bận bịu cùng anh em trong đơn vị, vừa lo chuyện nhà, vừa lợp lại mái tôn đơn vị rồi ra ngoài, cùng với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả của bão.

Anh kể: "Ngay từ trước khi bão đổ bộ, lực lượng Công an lệnh trực chiến 24/24h cả 100% quân số; kịp thời có mặt tại những nơi xung yếu, giúp dân củng cố lại độ vững chắc của nhà cửa nhưng ai ngờ sức tàn phá của bão ghê gớm đến như thế. Công sở kiên cố hơn rất nhiều nhà dân nói chung, còn bị tơi tả như thế, nói chi". Việc bây giờ không phải là trách cứ, đổ thừa bão mạnh mà là tập trung giúp người gặp nạn.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Bến Tre cho tôi biết, họ cũng tạm gác chuyện thiệt hại riêng tư của mình mà dồn sức lo cho nhân dân. Sáng nay, đồng nghiệp tôi - PV Nam Giao cũng đã có mặt tại Bến Tre, ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng Công an kết hợp cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các lực lượng khác giúp dân gượng đứng dậy sau bão. Tổng Biên tập Báo CAND & Chuyên đề ANTG cũng đã chỉ đạo đoàn công tác đặc biệt đến chia sẻ cùng đồng bào Tiền Giang, Bến Tre...

Đau thương, thiệt hại rồi cũng sẽ qua đi. Điều đọng lại là kinh nghiệm và đặc biệt là tình người. Xứ dừa đồng khởi Bến Tre vốn dĩ đã nghèo khó, cách trở đến 6 nhánh của dòng Cửu Long nay phải hứng chịu sự tàn phá của bão càng khó khăn hơn nên rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ.

Sáng nay, tôi trực công việc tại Văn phòng thường trú Cần Thơ mà liên tục nhận được lời chia sẻ, động viên từ bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi. Nguyễn Thiêm - PV Chuyên đề ANTG vừa kết thúc chuyến công tác nhiều ngày tại miền Nam vừa cúp máy thì Trình - Báo Thanh niên, anh Hưng - Báo Tiền phong (đều thường trú tại Cà Mau), anh Vân - Trưởng Phân xã Kiên Giang, anh Hiếu - Báo Cần Thơ gọi điện đến thăm hỏi, chia buồn với tôi cùng Trường, Phong - Báo SGGP, một số đồng nghiệp khác cùng quê Bến Tre với tôi.

Một số độc giả cũng gọi điện đến hỏi thăm. Chúng tôi - những người làm báo ra đi từ xứ dừa Bến Tre muốn dành tình cảm đó cho những gia đình bị thiệt hại nhiều hơn

Thái Bình
.
.
.