Trao giải cuộc thi viết "Vượt lên số phận" lần III:

Ngời sáng những số phận vượt lên nỗi đau

Thứ Tư, 29/09/2010, 11:15
Những con người với các lát cắt cuộc đời không hoàn hảo đã cùng ngồi bên nhau sẻ chia những xúc cảm nhân văn. Có những nỗi đau có thể gọi thành tên, nhưng trên tất cả là những khát vọng vượt lên số phận...

Tối 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group đã phối hợp tổ chức trao giải cuộc thi viết "Vượt lên số phận" lần III. Những con người với các lát cắt cuộc đời không hoàn hảo đã cùng ngồi bên nhau sẻ chia những xúc cảm nhân văn. Có những nỗi đau có thể gọi thành tên, nhưng trên tất cả là những khát vọng vượt lên số phận...

Câu chuyện A Trâm - A Pyiưh: 7 năm cõng bạn tới trường

Có lẽ, câu chuyện cảm động về "hai cậu học trò - một đôi chân" này đã trở nên quá nổi tiếng. Thế nhưng, gặp A Trâm - A Pyiưh giữa Hà Nội, vẫn thấy ngỡ ngàng, sao mà cái tình người, khát vọng Tây Nguyên lại lớn đến thế. Anh Kim Sơn (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum) - tác giả của bài viết "Hai cậu học trò - một đôi chân" - tác phẩm giành giải A duy nhất tại cuộc thi. 

Cả buôn làng Klâu Ngol Zố - xã Ya Chim - TP Kon Tum của người dân tộc Jơ Rai đã mở hội cồng chiêng ăn mừng suốt đêm khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen và tặng đôi bạn A Trâm - A Pyiưh chiếc xe đạp để tới trường. Vừa sinh ra, cái chân A Trâm đã nhỏ xíu, còng queo như cái rễ cây, rồi càng ngày càng teo tóp.

Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh trao giải A duy nhất của cuộc thi cho tác giả Kim Sơn với tác phẩm "Hai cậu học trò - một đôi chân" viết về tình bạn cảm động của A Trâm và A Pyiưh.

Đến tuổi tới trường, hằng ngày thấy các bạn trong buôn tới lớp, A Trâm cũng nói với mẹ: "Con cũng muốn tới lớp học cái chữ như các bạn. Ngày mai bà, mẹ đi mua sách vở cho con. Thà bắt con nhịn ăn chứ đừng bắt con phải nghỉ học".

Thế rồi, nói là làm, chưa cần bà, mẹ đồng ý, ngày hôm sau, A Trâm đã tự lết tới lớp, mặc cho cung đường tới trường làm toàn thân em đau đớn. A Trâm đi bằng đầu gối, bằng hai tay, cứ trườn trên đất đỏ bazan Tây Nguyên. Vì thương cháu, bà ngoại A Trâm bỏ nương rẫy cõng cháu đi học. Cứ thế, 3 năm đằng đẵng trôi đi.

Cho tới một ngày, vì miếng cơm manh áo, bà ngoại cần trở lại với nương rẫy, không còn ai đưa A Trâm tới trường thì A Pyiưh xuất hiện. Không muốn A Trâm phải bỏ dở con chữ, A Pyiưh đã tình nguyện hằng ngày thay bà cõng A Trâm tới trường. Cứ thế, đã 7 năm, không quản mưa nắng hay những cung đường gập ghềnh đày ải dài tới 5km, A Trâm đều đều tới lớp trên đôi chân của A Pyiưh. A Trâm thông minh, lại ham học nên trong suốt 6 năm liền là học sinh tiên tiến, có cả giấy khen của Hội khuyến học TP Kon Tum.

A Trâm bảo: "Em ra Hà Nội lần này là lần thứ hai mà vẫn chưa được đi thăm Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Gươm... Giờ mà đi, lại bắt A Pyiưh phải cõng, khổ cho A Pyiưh". Cuộc trò chuyện của tôi với A Pyiưh thật khó khăn vì em vốn nhút nhát, lại không giỏi tiếng Kinh, bởi thế luôn cần tới sự trợ giúp của anh Kim Sơn. Hỏi về những ngày tháng cõng bạn tới trường, A Pyiưh chỉ bảo: "Em thương A Trâm lắm. A Trâm thông minh nên cần được đi học chữ. Ngày còn chưa có xe đạp, em phải dậy thật sớm để đưa A Trâm đi học đúng giờ. Bữa nào cũng phải ăn thật nhiều cơm để có sức cõng A Trâm. A Trâm lớn hơn em một tuổi nên nặng lắm".

Về chiếc xe đạp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng, A Pyiưh hào hứng: "Xe đẹp lắm, đi cũng dễ nữa. Từ ngày có xe, em không phải cõng A Trâm nên cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng cũng có khi, đi giữa đường thì xe hỏng, lại để A Trâm xuống, dắt xe đi sửa rồi quay lại đón sau".

Mang đôi chân tật nguyền, A Trâm giữ một khát vọng Tây Nguyên cháy bỏng: "Em muốn trở thành giáo viên tin học để về dạy cho buôn làng. Cả buôn Klâu Ngol Zố, còn ít người biết chữ lắm. Bà, mẹ em cũng không biết chữ".

Hỏi, vì sao lại muốn dạy tin học, A Trâm cười: "Vì tin học chỉ làm việc với máy tính, ít phải đi lại, ít phải dùng tới đôi chân. Em được học tin học từ lớp 7 nhưng tới giờ vẫn chưa có được máy tính riêng". Nhìn A Pyiưh cõng A Trâm trên đôi chân nhỏ đi liêu xiêu, cả hội trường lặng đi xúc động. Có lẽ, ở cuộc đời này, chỉ có tình người là điều thiêng liêng nhất.

Nhà văn khiếm thị - câu chuyện đằng sau những trang viết

Tác phẩm giành giải đặc biệt tại cuộc thi viết "Vượt lên số phận" lần III lại là một nhà văn khiếm thị có tên Nguyễn Trung Thành (Hội Người mù thị xã Thái Hòa, Nghệ An) với tác phẩm "Khát vọng trang văn".

Sinh ra lành lặn, nhưng trong một lần, đế quốc Mỹ đánh kho xăng Bến Thủy, sự khốc liệt của bom đạn đã cướp đi của anh đôi mắt. Anh từng phải sống những ngày khốn khổ với vợ và bốn người con trong túp lều chưa đầy 12m2, từng phải đi hát rong để xin tiền. Trong "Khát vọng trang văn", anh đã tự kể về cuộc đời mình, về những sóng gió và cả cơ duyên đưa anh đến với văn chương: "Mùa hè năm 1994, trên đường hành khất, bố con tôi lần vào một quán nước ở thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) tránh mưa.

Tôi được cô chủ quán nước đọc cho nghe truyện ngắn "Tên em là Xiêm Huệ" của nhà văn Bá Dũng. Nghe xong, tôi hiểu, tôi không thể mãi là người lang thang hành khất, con gái tôi không thể bỏ học trong day dứt để dẫn tôi đi phiêu bạt, ngửa tay xin tiền bố thí của người đời. Mất ánh sáng của đôi mắt, tôi vẫn còn bàn tay, khối óc...".

Trong tận cùng đói khổ, anh đã tìm đến với văn chương. Tác phẩm đầu tiên của anh có tên gọi "Tình yêu của Mẫn". Văn chương giúp anh quên đi thực tại, quên đi thế giới của bóng đêm. Rồi anh viết tiếp tập truyện ngắn "Phục thiện", tập thơ "Tiếng lòng", "Khúc ru lòng". Cuốn tiểu thuyết "Nẻo khuất" dày 243 trang của anh đã đư ợc NXB Hội Nhà văn Việt Nam phát hành. Năm 2007, anh được kết nạp vào Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Anh đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết "Mèo hoang" để ra mắt vào năm 2011. 

Còn rất nhiều những tấm gương vượt lên số phận như cô bé xương thủy tinh Hoàng Thị Nhàn, chàng trai khiếm thị Nguyễn Hữu Ất đỗ 2 trường đại học, cô giáo Huỳnh Thanh Thảo, cao chỉ 65cm ngồi xe lăn giảng bài cho lớp học từ thiện... Dẫu rằng, cuộc sống còn lắm gian truân, nhưng tương lai vẫn còn rộng dài. Họ vẫn đang nghị lực tiến bước về phía trước

Lâm Khánh Vy
.
.
.