Trên đường trường sơn qua Đakrông, Quảng Trị:

Ngôi nhà hạnh phúc bên cầu Tà Lao

Thứ Hai, 04/05/2009, 14:28
Bên cầu Tà Lao trên đường Trường Sơn, cách cầu treo Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) 22 cây số, có ngôi nhà nhỏ với ba thế hệ sinh sống, luôn đầy ắp niềm vui. Họ là những mắt xích liên tục của một câu chuyện lịch sử dài và cảm động. Câu chuyện bắt đầu từ những năm tháng đánh Mỹ giữa núi rừng Trường Sơn cho đến bây giờ...

Nhân vật chính của câu chuyện này là ông Lê Xuân Bài, một người dân tộc Pa Hy, năm xưa cùng đồng bào của mình quyết tâm rời hang đá, cùng bộ đội, thanh niên xung phong xẻ dọc Trường Sơn đánh Mỹ.

Ông Bài cho biết: "Lúc đánh Mỹ, trong số các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị, dân số của người Pa Hy ít nhất, khoảng 300-400 người. Song về sự thông thạo núi rừng, thì có lẽ người Pa Hy đứng đầu! Sau này theo bộ đội đánh giặc, người Pa Hy mới hiểu được, mới cảm nhận hết được sự gắn bó giữa người mình với núi rừng, với những vệt mòn, hang đá, con suối... bằng những tiếng gọi thiêng liêng, đó là Tổ quốc mình! Từ đó, không ai ở lại trong hang, từ người trẻ đến người già quăng quật khuân đá, san đường; bươn đạp, dò dẫm giữa núi rừng hiểm trở để cùng với bộ đội, thanh niên xung phong đánh giặc".

Già làng Ăm Côn (97 tuổi), ở bản Pa Hy nhớ lại: "Người Pa Hy rời hang đá lâu lắm rồi, già chỉ nhớ thằng Bài lúc đó cao ngang ngọn cây săng trước hang đá, khỏe như một con heo rừng. Bộ đội bảo nó làm giao liên, nó lúc ẩn lúc hiện như một con sóc".

Năm 1959, Bài được giao làm Trạm trưởng Trạm Thống nhất trên đường Trường Sơn, đoạn qua xã Húc Nghì (Đakrông) thuộc khu Trị Thiên. Mặc dù vậy, anh đã phải băng rừng, lội suối khắp miền Tây Trị Thiên, tìm những lối mòn vừa dễ mở thành đường lớn cho bộ đội hành quân, chở các loại đạn dược, lương thực, vừa đảm bảo bí mật quân sự... Một nhiệm vụ tối quan trọng nữa là chuyển thư mật từ binh trạm này đến binh trạm khác.

Năm 1974, chàng trai Lê Xuân Bài lấy vợ người xã Tân Thành, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), chị tên là Trịnh Thị Liên. Đó là kết quả của mối tình đẹp giữa chàng trai miền Nam đi học bổ túc văn hóa với cô sinh viên khoa Địa Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, chị Liên dạy học ở tỉnh Hòa Bình, đến năm 1977 thì theo chồng vào Quảng Trị. Anh chị sinh được 5 người con, hiện 4 cháu đã tốt nghiệp đại học, công tác tại Hải quân vùng 3 Đà Nẵng, các Trường THPT Khe Sanh (Hướng Hóa), Tà Rụt (Đakrông), UBND xã Tà Long; còn cháu cuối hiện đang là sinh viên Học viện Biên phòng ở Hà Nội... 

Khi hỏi về ngôi nhà nhỏ bên cầu Tà Lao, già Ăm Chuân (95 tuổi, vợ của già làng Ăm Côn) cứ ngắc ngứ với vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình. Bà lão nói chậm rãi: "Hắn lạ lắm, thằng Bài nớ. Hắn và vợ con bỏ cái nhà to đẹp ở thị trấn Khe Sanh, về đây làm nhà lá, đi tìm hài cốt liệt sĩ giữa rừng. Nhà hắn còn giúp đỡ người nghèo tiền này, lúa này; rồi bảo cách trồng lúa nước nữa. Mẹ không hiểu cái lý của hắn, của thằng Bài ấy; mẹ chỉ biết cái bụng của hắn tốt thôi, tốt lắm". 

Năm 1999, ông Bài cùng vợ, con quyết định về bản Pa Hy sinh sống, cốt thực hiện bằng được tâm nguyện bấy lâu nay là tìm di hài liệt sĩ nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn, nơi ông Bài từng tham gia chiến đấu, chôn cất họ. Thế là suốt 10 năm nay, ông lại ngày đêm bươn đạp, dò dẫm giữa núi rừng, lặng lẽ làm công việc cao cả ấy.

Sau khi tìm được 10 hài cốt của đồng đội, đưa về quê các anh an táng, ông lại nhận được nhiều bức thư, điện thoại, thậm chí mỗi tháng đón tiếp liền mấy đoàn khách không hẹn trước, vào đây nhờ ông đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ông tâm sự: "Tôi chưa bao giờ từ chối, thậm chí gặp những lúc đau liệt giường, cũng nghĩ mình sẽ sớm khỏi bệnh, sớm làm được việc đó cho anh em"

Phan Thanh Bình
.
.
.