Nghĩa trang Vĩnh Hằng (Hà Nội) không thể đủ an táng lâu dài

Thứ Sáu, 16/07/2010, 14:14
Nghĩa trang Vĩnh Hằng ngay trước ngày tiếp nhận toàn bộ các trường hợp hung táng từ Văn Điển chuyển lên, đã có khoảng 100 hố mộ được chuẩn bị xong. Về cơ bản, những điều kiện thiết yếu như đường đi lối lại quanh các khu mộ đã sẵn sàng phục vụ nhân dân, dù một số phần mộ cụ thể vẫn còn trong quá trình chờ hoàn tất.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 14/7, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng ban điều hành Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Lãnh đạo thành phố đã lên kiểm tra nhiều lần, đích thân Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cũng đã lên trực tiếp và kết luận Vĩnh Hằng đủ điều kiện để nhận các trường hợp hung táng. Hiện tại, Vĩnh Hằng đã hung táng người dân đầu tiên, mọi nghi lễ, thủ tục đã diễn ra suôn sẻ.

Vĩnh Hằng chỉ đủ cho mấy năm trước mắt

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 70km về phía Tây, Vĩnh Hằng hiện có tổng diện tích 37,1ha, tọa lạc trên một khu đồi rộng rãi, sạch đẹp, vốn là một khu nghĩa trang "cao cấp" với nhiều khu mộ được xây hoành tráng như lâu đài, rộng hàng vài trăm mét. Từ ngày UBND TP có chủ trương chuyển hung táng lên đây, Vĩnh Hằng đã được mở rộng thêm 16,5ha, trong đó đất để phục vụ nhu cầu của nhân dân là 8ha, số còn lại thuộc về Công ty CP Ao Vua để làm dịch vụ.

Theo ông Quang, trên diện tích này còn phải xây dựng đường đi lối lại, trồng cây xanh, hồ chứa nước mặt để tạo phong thủy, lấy độ ẩm và phục vụ nhu cầu kiểm tra ô nhiễm, bãi xe, nhà điều hành, nhà lễ tang… nên chỉ còn khoảng 4ha cho việc hung và an táng. Hiện mỗi ngôi mộ có diện tích khoảng 5m2 theo quyết định của UBND TP, nên sức chứa tối đa của Vĩnh Hằng cũng chỉ là 8.000 ngôi mộ. Nếu theo ước tính của nghĩa trang Văn Điển, mỗi tháng có chừng 100 trường hợp hung táng được đưa đến, như vậy, Vĩnh Hằng chỉ đủ cho khoảng 5, 6 năm trước mắt. Chắc chắn TP sẽ phải nhanh chóng tính toán phương án khác.

Ông Quang cho biết, do việc đảm bảo môi trường, Vĩnh Hằng đã được TP thiết kế mộ xây, đổ bê tông đáy, chứ không chôn thẳng xuống đất như Văn Điển. Sau 3 năm cải táng, từng khu mộ sẽ được xử lý môi trường. Phương án xử lý cụ thể ra sao, hiện chính lãnh đạo Công viên Vĩnh Hằng cũng chưa được biết. Hiện mộ hung táng cho nhân dân đã chuẩn bị được 100 cái, an táng được 20, 30 cái. Bên khu dành cho cán bộ trung, cao cấp cũng đang triển khai, làm đường đi lối lại, thảm đường, làm bãi xe…

Được biết, diện tích dành cho các mộ là hoàn toàn như nhau, khu trung, cao cấp được thiết kế khác ở chỗ: nằm ở vị trí "mặt tiền" thuận tiện cho việc đi lại của người thân, như gần khu vực nhà chờ, khu vực bảo vệ, nhà tang lễ đều ở liền đó. Ngoài ra, đường sá, phân lô cũng rộng hơn và thuận tiện hơn. Một băn khoăn khác của người dân là sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên tại Vĩnh Hằng.

Ông Quang cho biết người dân có thể hoàn toàn yên tâm bởi đội ngũ ở đây (40 người bao gồm cả lãnh đạo, bảo vệ, tài vụ, môi trường, đội chôn cất) đã làm việc này từ năm 2002, tương đối chuyên nghiệp và quen việc, hơn nữa đã có kinh nghiệm phục vụ những đám tang "cao cấp". Ông Quang cũng khẳng định: "Không dám tự tin 100%, nhưng làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó và chúng tôi tin tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi nhất cho nhân dân".

Khu mộ "cao cấp" tại nghĩa trang Vĩnh Hằng.

Không có chuyện lợi dụng tình thế để "chạy" đất an táng?

Trước một sự thay đổi lớn, ngoài chuyện chưa quen địa hình, thông thổ, người dân Thủ đô cũng vô cùng băn khoăn, lo ngại chuyện chưa quen "lệ", bị làm khó dễ trong hoàn cảnh tang gia bối rối. Chúng tôi đã đem băn khoăn này chuyển đến những người có trách nhiệm và nhận được lời khẳng định: không có chuyện "cò" đất trên diện tích TP dành ra để phục vụ nhân dân. Nếu có chăng, chỉ có thể xảy ra trên khu đất dịch vụ của Vĩnh Hằng, dù Ban điều hành cũng chưa phát hiện trường hợp nào.

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: Trên diện tích 20,6ha cũ của Vĩnh Hằng đã có khoảng hơn 2.000 hợp đồng được ký, mỗi hợp đồng ít cũng khoảng 50, 60m2, mà nhiều thì khoảng 200m2. Khi còn tỉnh Hà Tây (cũ) quản lý, thì hợp đồng theo diện tích, thời điểm thấp nhất là 700, 800 nghìn đồng/m2; đắt là hơn 2 đến 3 triệu đồng. 100% mộ ở đây đều là của người dân sống ở nội thành Hà Nội, và đến 98% thuộc dạng "có ôtô". Từ 2002 đến nay, Vĩnh Hằng mới làm thủ tục đổi tên cho khoảng 4, 5 hợp đồng, đều với lý do người mua chuyển đi nơi khác sinh sống. Mức giá trên hợp đồng không chênh so với giá gốc, còn giao dịch ngầm của người ta với nhau ra sao Vĩnh Hằng cũng không được rõ.

Ông Quang cho rằng chuyện "cò", "dắt mối" cũng có thể xảy ra, nhưng đều dưới dạng thỏa thuận ngầm với nhau. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện trên thị trường đang xôn xao việc đất tại Vĩnh Hằng được đẩy lên 5, 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên thực tế khu đất cũ ở đây đã kín hết, khu mới được TP đồng ý mở rộng đang trong quá trình san ủi, phải 3, 4 tháng nữa mới xong. Chính Ban điều hành Vĩnh Hằng cũng chưa thiết lập được mức giá mới cho các khu đất này, và cũng chưa rao bán, nên giá trên thị trường là bao nhiêu cũng không phải mức giá thật. UBND TP cũng chưa có ý kiến chính thức về mức giá, cũng như cách thức bán khu đất này.

Được biết, hiện những người lên tìm hiểu thông tin và "chờ" đăng ký mua đất tại đây cũng vào khoảng 300 trường hợp. Không thể phủ nhận một thực tế là sau khi có thông báo ngừng hung táng ở Văn Điển, người dân Hà Nội băn khoăn về vấn đề chỗ an táng cho các cụ nhiều hơn, thay vì đương nhiên là "đi Văn Điển" như trước kia.

Ban phục vụ tang lễ thành phố vẫn là đầu mối tiếp đón, tư vấn, ký hợp đồng, thu kinh phí dịch vụ tang lễ. Ông Quang khẳng định, người dân cầm hợp đồng đã ký tại Ban phục vụ tang lễ lên sẽ được phục vụ chu đáo, không có việc cò kéo, "làm tiền" tang quyến. Bất cứ trường hợp nào người dân bị làm khó dễ, hãy phản ánh trực tiếp lên Ban điều hành nghĩa trang để được giúp đỡ

Vũ Hân-Thanh Huyền
.
.
.