Nghĩa tình dưới chân núi Trà Ngâm

Thứ Hai, 22/11/2004, 10:29

Hơn hai mươi năm, anh đã thực hiện hàng trăm cuộc tìm kiếm hài cốt đồng đội trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Những lúc cạn kiệt lương thực, phải ăn trái dại, rau rừng trừ bữa nhưng anh vẫn không nản chí. Có những khi bị sốt rét rừng nằm thuốc thang hàng tuần liền, vậy mà bệnh vừa thuyên giảm, anh đã mang ba lô tiếp tục cuộc hành trình.

Anh là Ngô Văn Phùng (53 tuổi) ở làng Trường Định, dưới chân núi Trà Ngâm, thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đến thăm nhà anh, chúng tôi phải đi bằng xe máy trên con đường mòn lởm chởm đá, men theo chân núi Hải Vân. Anh Phùng không có nhà vì đang phải xác định lại 7 ngôi mộ của các chiến sĩ bộ đội chủ lực Bình Trị Thiên (cũ) hy sinh tại khe Mun ở núi Hòn Quắp, thuộc địa phận xã Hòa Bắc. 7 ngôi mộ này anh vừa mới phát hiện tuần trước...

Hành trình đi tìm đồng đội của anh Phùng bắt đầu từ năm 1979 khi ông Bùi Ngọc ở Hòa Liên đến gặp anh nhờ tìm hài cốt của chú là liệt sĩ Bùi Hạnh hy sinh ở Hòn Quắp. Anh Phùng tìm đến bà Mua ở dốc Hòa Cầm, người cùng đơn vị với liệt sĩ Bùi Hạnh, để nghe kể và phác họa lại sơ đồ nơi đồng đội của bà Mua đã chôn cất liệt sĩ Bùi Hạnh. Sau đó, anh cùng một số cựu chiến binh từng hoạt động và chiến đấu ở mặt trận Tây Bắc Hòa Vang và các đồng chí lãnh đạo Thành đội Đà Nẵng tiến hành tìm kiếm.

Hơn 20 năm qua, Ngô Văn Phùng đã tham gia cùng lực lượng Thành đội Đà Nẵng, các cựu chiến binh tìm và di dời 120 hài cốt liệt sĩ về an táng tại những nghĩa trang ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, trong đó đa phần liệt sĩ có quê ở Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An...

Tuy Hòn Quắp cách làng Trường Định khoảng 5km theo đường chim bay, nhưng lội rừng đến nơi thì mất trọn một buổi. Nhất là vào mùa mưa, Hòn Quắp bị cô lập như ốc đảo. Đoàn tìm kiếm của anh Phùng đã từng bị lũ rừng bao vây tại nơi này suốt một tuần lễ, lương thực cạn kiệt, mọi người đành phải ăn trái dại, rau rừng trừ bữa... Cuộc tìm kiếm ở núi Hòn Quắp kéo dài gần 3 năm mới phát hiện thi hài liệt sĩ Bùi Hạnh đưa về nghĩa trang chôn cất. Nhưng niềm an ủi đối với các thành viên trong đoàn là trong khoảng thời gian đó, họ đã tìm thấy tại đây 20 hài cốt liệt sĩ khác...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là liệt sĩ chống Mỹ, chưa tròn 17 tuổi, anh Phùng đã đăng ký vào lực lượng du kích địa phương. Năm 1968, trong một lần đi công tác cơ sở về thôn Quang Nam 3, anh vấp phải mìn của giặc và bị thương.

Tháng 1/1971, anh chuyển sang lực lượng trinh sát của Mặt trận Quảng Đà, thuộc đơn vị độc lập, tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, lập nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình, trận chống càn ở xã Điện Xuân (cũ), huyện Điện Bàn vào đầu năm 1972, anh đã  bắn cháy nhiều xe cơ giới của địch nên được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Rồi năm 1974, anh được phong tặng danh hiệu dũng sĩ quyết thắng cấp 3.

Trong những năm tháng chiến tranh ấy, đơn vị anh Phùng luân chuyển dọc dải Trường Sơn phía Tây Quảng Đà và anh đã tự tay chôn cất, đánh dấu những ngôi mộ đồng đội hy sinh. Sau ngày đất nước giải phóng, trở về quê làm một nông dân tay cày tay cuốc, anh Phùng vẫn ước nguyện tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh.

Nghe chúng tôi hỏi về hoàn cảnh kinh tế gia đình, bà Trương Thị Thuý (vợ anh Phùng) cười vui vẻ: "Ổng lập gia đình với tui là khởi sự đi tìm đồng đội. Tui với ổng đã có 4 đứa con, nhưng hầu như tui phải nuôi dạy chúng, còn ổng thì đi miết, có khi hàng tháng trời ở trên rừng. Sốt rét thì về nhà nằm rên hừ hừ, uống thuốc chừng bớt bớt lại tiếp tục đi. Có lần thấy tui buồn, ổng nói: "Mình tuy còn nghèo nhưng được sống trong cảnh hòa bình, nỡ nào lại để anh em đồng đội nằm hoài trên rừng". Tui nghe ứa nước mắt nên  bảo ổng đi, việc nhà có tui lo"

Vân Long
.
.
.