Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật bán sách

Thứ Hai, 19/05/2008, 10:12
Hàng xóm, bạn bè bất ngờ khi thấy chị trên tivi nhận huy chương vàng. Trở về sau biết bao vinh quang, chị vẫn là cô bán sách quen thuộc, bình dị mỗi ngày tại quầy hàng nhỏ. Chị là vận động viên khuyết tật Trần Nguyên Thái, người đã từng phá kỷ lục thế giới trong môn bơi ếch cự ly 50m cùng biết bao thành tích cao khác trong thể thao.

Lần theo địa chỉ hiệu sách cũ tại số 91 đường Lê Duẩn, Hà Nội, tôi đến tìm chị Thái nhưng cửa hàng chị đóng cửa. Bà Hợi, người bán quán nước chè ngay cạnh hiệu sách của chị cho biết: “Vỉa hè đang sửa nên chắc cô Thái nghỉ bán hàng. Tôi bán nước, cô ấy bán sách báo cũ hơn hai chục năm ở đây rồi. Mà phải chuyển địa điểm ba lần rồi đấy. Bây giờ cô ấy đang được các anh chị bên Phòng thuế của Ga Hà Nội cho ngồi nhờ. Nhìn thấy cô ấy rạng ngời trên tivi nhận huy chương, chúng tôi không nhận ra. Ai cũng thấy bất ngờ và phấn khởi lắm!".

Tôi hỏi số điện thoại của chị Thái, bà lắc đầu và chỉ tay: "Tôi dùng điện thoại bao giờ đâu. Cô hỏi ông Khang xe ôm là có đấy. Ở cái góc nhỏ này, ai cũng coi nhau như người thân cả mà…".

Ngôi nhà tập thể đã bong tróc sơn vì thời gian ẩn mình sâu tận cuối con ngõ nhỏ 55 đường Lê Quý Đôn. Không còn là hình ảnh của người phụ nữ cứng rắn trên sàn đấu, chị Thái trước tôi là một người phụ nữ hết sức bình dị. Chị rót nước, bật quạt bằng cánh tay đã bị mất chi dưới một cách hết sức thành thạo. Hồi nhỏ, chỉ vì một tai nạn mà khiến cho chi dưới cánh tay phải của chị mất đi vĩnh viễn.

Nói về thể thao, niềm đam mê của mình, chị tâm sự: Ngày còn bé, chị rất thích đi bơi. Mỗi khi đến hồ nước mát trong xanh, mọi nỗi buồn tan biến. Chị đi bơi từ cái thời giá vé chỉ mới 500 đồng đến khi tăng lên 3.000 đồng. Thế rồi, qua một người bạn giới thiệu, chị được vào sinh hoạt tại Đội bơi khuyết tật của TP Hà Nội.

Chăm chỉ tập luyện, lúc rảnh rỗi lại về trông quầy sách cũ, đó là niềm vui duy nhất của chị. Với những nỗ lực phi thường của mình, tại Para Games năm 2001, Trần Nguyên Thái đã mang về cho thể thao Việt Nam 5 huy chương vàng cả ở nội dung cá nhân và đồng đội, phá kỷ lục thế giới.

Năm 2003, chị giành thêm một huy chương vàng. Thế nhưng, tập luyện nhiều, chị bị dị ứng nặng với nước. Khuôn mặt sùi lên những nốt nhỏ li ti như đinh râu vì bị viêm da. Chị đành xin với lãnh đạo cho phép chuyển sang môn điền kinh. Đến với điền kinh, một môn thể thao mới, lại một lần nữa chị mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Tại Para Games năm 2005, hai huy chương vàng cá nhân, ba huy chương vàng đồng đội càng chứng tỏ nỗ lực phi thường của chị Thái. Năm 2007, chị giành thêm một huy chương vàng, một huy chương bạc và một huy chuơng đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị hay nhắc đến mẹ bởi ngoài sức khoẻ và niềm ham thích thể thao, động lực chính giúp chị vượt qua những đối thủ trên đường đua khắc nghiệt, những lúc áp lực đè nặng lên vai gầy chính là người mẹ.

Giờ đây, trong căn nhà tập thể nhỏ tại ngõ 55 đường Lê Quý Đôn, hàng ngày, chị vẫn đi đi về về một mình. Sinh năm 1966, năm nay đã 42 tuổi, cái duyên thời con gái đang dần qua đi. Tất cả chị nỗ lực đạt được không chỉ bởi những tấm huy chương mà còn để chị thể hiện niềm tin vào cuộc sống, sự yêu đời cho chị và cho những người cùng cảnh ngộ.

Chia tay chị, tôi cầu chúc những thành công mới, những niềm vui mới trong cuộc sống sẽ đến với vận động viên khuyết tật Trần Nguyên Thái

Nguyễn Hương
.
.
.