Nghị lực của người chồng mù và một gia đình hạnh phúc

Thứ Bảy, 20/10/2007, 17:17

Quen nhau đã lâu, nhưng chưa bao giờ anh nhìn thấy tôi dù chỉ một lần, chỉ nhận ra nhau qua giọng nói. Mỗi lần như thế anh lại nghẹn ngào ngân ngấn dưới hàng mi. Hơn 30 năm qua, cuộc sống của anh không ánh sáng, không sắc màu. Ánh sáng từ đôi mắt vĩnh viễn khép lại khi anh vừa tròn 17 tuổi.

Giờ đây, mái tóc đã điểm bạc cũng là khi anh trở thành một người đàn ông thành đạt, vẫn sống bằng nguồn sáng của con tim. Anh là Nguyễn Văn Hội, ủy viên Thường vụ Hội Người mù Hà Nội, Hội trưởng Hội Người mù quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Một tối cuối tuần, tôi đến thăm gia đình anh ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Kết thúc chương trình thời sự trên tivi mới thấy anh dò dẫm cùng chiếc gậy trở về nhà. Quả thật, tôi không biết nói thế nào về cảm nhận của mình.

Anh vội nói: "Mình phải ở lại cơ quan để làm xong báo cáo chuẩn bị cho buổi tổ chức 10 năm thành lập Hội Người mù. Xong việc lên xe buýt về nhà nhưng lại xuống nhầm bến nên về nhà hơi trễ". Tôi chợt hiểu, ngày hay đêm với anh cũng chỉ là một màu đen. Suốt những năm qua, anh đã sống, làm việc và ngập tràn hạnh phúc, nhưng những ký ức đau buồn và tháng ngày tuyệt vọng thì vẫn vẹn nguyên.

Những năm 1972-1973, vùng núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, quê anh, đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Nỗi đau khi người anh trai hy sinh đã khiến cậu học trò đang chuẩn bị thi vào đại học không thể tiếp tục cắp sách đến trường, Hội vào đội dân quân xã tham gia chiến đấu, băng băng dưới làn đạn giặc để bảo vệ vùng trời quê hương.

Trong một lần tham gia bắt phi công Mỹ, anh đã bị những mảnh bom găm vào mắt. Tới khi tỉnh lại thì trước mắt anh chỉ còn một màu đen kịt. Chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng, ánh sáng đã tắt khi chàng trai này vừa tròn 17 tuổi.

Kể tới đây anh trầm ngâm: "Biết bị mù, tôi như rơi xuống vực thẳm, vậy là bao nhiêu hoài bão ước mơ đều tan thành mây khói. Thấy bạn bè đi học đại học tôi chỉ còn biết ôm mặt mà khóc, nghĩ rằng cuộc đời mình đã kết thúc từ đây".

Thời gian tuyệt vọng ấy đã kéo dài suốt nhiều năm trời. Được người thân đưa ra Hà Nội tiếp tục chữa chạy nhưng cũng chẳng có hy vọng gì. Anh xin vào Xí nghiệp 3-2 của Hội Người mù Hà Nội, ngày đêm học chữ nổi. Tình yêu cuộc sống đã dần trở lại, anh trở thành người thầy của những người cùng chung cảnh ngộ, dạy chữ nổi cho những thương binh khiếm thị và những người không may mắn khác.

Ở nơi này đã có một người con gái thầm yêu trộm nhớ chàng trai có giọng nói miền Trung chịu thương chịu khó, có nụ cười làm say đắm lòng người. Cô gái ấy là Phùng thị Lưu sinh ra và lớn lên ở vùng núi Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Vượt qua mọi ngăn cấm của gia đình và rào cản của dư luận, cô đã đưa chàng trai mù ấy về nhà ra mắt họ hàng và làm đám cưới.

Cuộc sống của họ khó khăn cứ chồng chất mỗi ngày. Ngay cả khi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hà Ân chào đời họ cũng vẫn phải đi ở nhờ nhà người quen. Chính trong khó khăn họ càng yêu thương nhau hơn. Hằng ngày, chị bươn chải làm lụng, anh giúp chị chăm lo con cái.

Nhưng mọi chuyện không dễ với một người mù. Chị Lưu kể rằng, chính lòng kiên nhẫn và sự chân thành của anh đã khiến bố mẹ chị cảm động mà tha thứ cho chị.

Đường lên núi Ba Vì cheo leo heo hút vậy mà một mình anh chống gậy mò mẫm về nhà thăm bố mẹ vợ. Từ chỗ không tiếp chuyện người con rể mù, giờ đây bố mẹ chị đã yêu quý anh như con đẻ, có chuyện gì cũng hỏi ý kiến con rể ở ngoài Hà Nội.

Hàng ngày, người vợ bé nhỏ ấy cứ đằng đẵng đèo chồng trên chiếc xe đạp cà tàng đi về chặng đường hàng chục cây số từ khu tập thể Nghĩa Tân tới chân cầu vượt Mai Dịch (trụ sở Hội Người mù quận Cầu Giấy nơi anh chị cùng làm việc).

Không chỉ dậy chữ nổi cho nhiều người khiếm thị, anh còn sử dụng máy tính thành thạo và đang theo học năm thứ 3 Đại học Luật. Nhìn gian nhà rộng chừng 13m2 của gia đình anh, mọi thứ đều đơn sơ, chỉ có tình yêu thương và giá sách chữ nổi của anh là thứ tài sản đáng giá nhất.

Hạnh phúc giản dị bên người vợ hiền và cô con gái học lớp 12 Trường THPT Yên Hòa chăm ngoan học giỏi, người Chủ tịch Hội Người mù ấy còn lo cho cuộc sống của hơn 300 hội viên khiếm thị có công ăn việc làm.

Mong ước của anh là ai cũng có cuộc sống tinh thần thoải mái để hòa nhập cộng đồng và có thu nhập ổn định bằng chính sức lao động từ đôi bàn tay, vượt qua số phận và  tin yêu vào cuộc sống

Thanh Kim
.
.
.