Nghèo kinh phí, nhưng rộng lòng nhân ái

Thứ Ba, 04/01/2005, 09:03

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam là hội từ thiện, kinh phí hoạt động hoàn toàn là nguồn tài trợ trong và ngoài nước. 11 năm qua, Hội thực sự là một địa chỉ quen thuộc trong việc chữa bệnh, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tàn tật.

Tại Hà Nội, Hội có một trung tâm chữa trị bệnh tật và dạy nghề cho trẻ em tại 49 Thái Thịnh, Đống Đa. Nơi đây, bình quân mỗi năm, Hội tiếp nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân tới chữa trị miễn phí.

Trẻ em như búp trên cành

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ra đời từ năm 1993 nhờ tâm huyết của rất nhiều người, trong đó, một trong những người đóng góp công sức rất lớn là Anh hùng lao động, Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Phần lớn trong số 150 em đang chữa trị tại đây đều ở các tỉnh xa và khu vực miền núi. Tất cả đều được chuyển tới từ Bệnh viện Nhi và các bệnh viện tuyến dưới. Hầu hết các cháu vào đây đều trong tình trạng mê man, cấm khẩu hoặc liệt toàn thân. Có cháu mới vào lần đầu, nhưng nhiều cháu đã điều trị tại đây tới cả năm.

11 năm qua, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã nuôi ăn, chữa trị bệnh tật miễn phí cho trên 200.000 trẻ em, trong đó 60% đã đỡ bệnh, 20% khỏi hoàn toàn, trên 1.000 trẻ em được phục hồi chức năng cơ bản. Hội còn tổ chức được hàng chục lớp học chữ, vận động gần 6.000 trẻ em có khả năng học tập đến các lớp học hòa nhập tại các trường công lập, tổ chức được 20 lớp dạy nghề và nhiều xưởng sản xuất tại các trung tâm, nhà cứu trợ...

Cháu Trần Đức Hùng, 14 tuổi, trú tại xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam vốn là một học sinh thông minh, khỏe mạnh, nhưng vào sáng 2/5/2004, Hùng đột nhiên mắc phải chứng bệnh lạ và mất hoàn toàn khả năng điều khiển thần kinh. Lúc đầu, Hùng thấy đau đầu chóng mặt, co giật toàn thân. Một lúc sau, hai mắt nhắm nghiền, người mê sảng và ngứa khắp mọi nơi. Buổi chiều cùng ngày, Hùng bị cấm khẩu và không biết gì nữa. Quá trình cấp cứu, bác sĩ cho biết, Hùng bị chứng viêm não Nhật bản B. Sau 4 tháng điều trị ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đến nay, bệnh của Hùng đã thuyên giảm nhiều và em đã có thể ngồi dậy tập đi.

Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh có học lực khá, năm lên 9 tuổi, Nguyễn Phương Anh, trú tại tiểu khu xưởng phim, huyện Đông Anh, Hà Nội bỗng thấy choáng váng rồi mê man bất tỉnh. Trước khi bị cấm khẩu, toàn bộ cơ thể cháu hầu như không hoạt động được. Được các bác sĩ tuyến dưới xác định mắc bệnh viêm não, gia đình đưa Phương Anh vào đây từ ngày 15/11/2004. Sau hơn một tháng được điều trị, cháu đã nói được, đang tập đi lại và sức khoẻ dần hồi phục...

Những người vác tù và hàng tổng

Theo bác sĩ Đặng Thị Hồng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trung bình mỗi năm, Khoa Nhi tiếp nhận trên một nghìn lượt bệnh nhân trẻ em tới khám và chữa trị các chứng bệnh nặng. Đối với các cháu ở độ tuổi từ 1 đến 7 thì được chữa trị miễn phí hoàn toàn từ thuốc men tới giường bệnh. Ngoài tiền khám và chữa trị, mỗi cháu còn được nuôi ăn với tiêu chuẩn 6.000 đồng/ngày. Các bệnh nhân ở vùng xa như khu vực miền Trung, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên mỗi khi về còn được hỗ trợ một phần kinh phí tàu xe. Vào những ngày lễ, Tết, kỷ niệm… Hội thường tổ chức cho các cháu đi xem xiếc, ca nhạc và tặng quà.

Tuy số giường bệnh ở đây chỉ có hạn (150 giường) nhưng có thời điểm Khoa Nhi phải tiếp nhận tới hơn 200 bệnh nhân. Lúc ấy, các nhân viên phải nhường cả phòng làm việc cho các bệnh nhân ở.

Bác sĩ Đặng Thị Hồng còn cho biết: "Đây là một trung tâm chữa trị bệnh tật rất tốt, nhưng tiếc là hiện nay còn nhiều gia đình không biết để kịp thời đưa con em tới khi mắc bệnh"

Nguyễn Hưng
.
.
.