Nghề đánh đu với tử thần ở "Thung lũng vàng"

Thứ Hai, 09/11/2015, 09:33
Do nhu cầu đi lại của công nhân vào các bãi vàng tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam không ngừng tăng cao nên đội ngũ chạy xe ôm ở “thung lũng vàng” cũng tăng theo.

Anh Phan Đức Phòng (trú xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn), cho biết, quê ở huyện Thăng Bình, anh lên Phước Sơn đã được gần 30 năm, làm nhiều nghề để mưu sinh và cuối cùng tham gia vào đội xe ôm đã 5 năm nay. “Nghề xe ôm ở đây vất vả lắm. Chạy xe đường rừng, nguy hiểm với nhiều dốc đá, suối sâu; nguy hiểm rình rập. Nhưng bù lại, nghề này cũng cho thu nhập kha khá. Có khách tui chạy, không có thì ở nhà làm rừng, chăn nuôi”, anh Phòng chia sẻ.

Hỏi ra mới biết, đội xe ôm tự quản của xã Phước Hiệp hiện có hơn 30 thành viên, người nhỏ nhất khoảng 25 tuổi, người lớn tuổi cũng đã gần 60. Tất cả đều là người dân địa phương. “Nếu có ai thuê chở vào rừng, vào các bãi vàng thì anh em í ới nhau chạy. Mùa nắng ráo đi một chuyến khoảng 400 nghìn đồng, khứ hồi thì 600 nghìn đồng. Mùa cao điểm lễ, Tết, giá xe ôm có cao hơn chút đỉnh. Tuy tiền chở cao như vậy, nhưng trong tháng không được mấy chuyến nên cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống sinh hoạt gia đình, con cái ăn học; chi phí cho việc sửa chữa xe…”.

Xe ôm vượt suối trên đất vàng Phước Sơn.

Anh Phòng nói rằng, đội xem ôm tự quản của anh còn tổ chức gây quỹ để sinh hoạt và giúp đỡ những thành viên nào gặp khốn khó, đau ốm. Theo anh Phòng, vì đi đường núi nên lái xe ôm còn kiêm luôn thợ sửa xe. Nếu không may xe bị trục trặc giữa rừng cũng phải biết cách xử lý. Xe máy chạy đường rừng, leo dốc, lội suối cũng phải biết cách “chế lại” sao cho nó có thể leo dốc trơn trợt mà không bị tụt; hoặc lội suối sâu mà không bị tắt máy…

Anh Phòng chỉ cho tôi xem “con ngựa sắt” Win của anh và bảo: “Mua xe mới về, tui phải đầu tư thêm hơn 3 triệu đồng nữa mới có thể sử dụng để chạy đường rừng. Từ ống hơi, ống thông gió, ống xăng,... của chiếc xe được “độ” lại, nối với chiếc ống nhựa đưa ngược lên hộp đèn báo; để xe có thể băng qua suối sâu. Còn mùa mưa, muốn leo dốc trơn, bánh xe phải quấn xích...”.

Anh Phòng còn kể cho tôi nghe những kỷ niệm vui buồn về nghề xe ôm, về đội xe ôm của anh. Nhờ tất cả thành viên là người địa phương nên họ dễ thông cảm với nhau và có tinh thần đoàn kết cao. Vì thế, không có chuyện kẻ xấu từ nơi khác đến ức hiếp, hay trấn lột tài sản. Mùa mưa, “cung đường xe ôm” bị xói lở, họ lại mang cuốc, xẻng... cùng nhau sửa chữa đường để phục vụ việc chở khách thuận lợi hơn. “Thông thường cứ hết tháng 11 là hết mùa cao điểm mưa cũng là lúc anh em tụi tui đi sửa đường. Mà không chỉ có sửa đường, chúng tôi còn tôn trọng con đường, tôn trọng những khu rừng mà con đường đi qua. Dịp Tết Nguyên đán, năm nào chúng tôi cũng tổ chức cúng đường, cúng rừng…”, anh Phòng tâm sự.

Sau một hồi trò chuyện, tôi quyết định nhờ người đàn ông cao to, mặt sạm đen nắng gió, tuổi đã 49 này, chở một chuyến vào bãi vàng Phước Hiệp. Trước lời đề nghị của tôi, anh Phòng xem lại phanh, lốp xe, rồi bảo tôi lên ngồi sau và nổ máy lên đường. Chiếc xe len lỏi trên con đường rừng trơn trợt. Đi một đoạn, chiếc xe bò lên dốc đá dựng đứng. Con đường lên dốc chừng 25m, lổn ngổn đá trứng. Anh Phòng bảo tôi phải ôm chặt eo anh để dễ chạy xe và cũng để đảm bảo an toàn hơn cho tôi. Tay anh nhấp ga, chân anh đạp lên hết hòn đá này đến hòn đá khác, để đưa chiếc xe len lỏi vượt dốc. Chưa bao giờ trong đời tôi có cảm giác sờ sợ đầy thú vị như thế, những ngọn núi như cao hơn trong mắt tôi, vì chiếc xe vượt dốc đá có độ dốc khá cao, trong khi với người đàn ông đang bình tĩnh lái xe ấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hết con dốc, xe đi được quãng ngắn đường bằng; nhưng cũng nhiều đá dăm rồi lại đến một suối nước sâu. Tôi ngỏ ý xuống xe đi bộ, anh Phòng cười sảng khoái: “Anh yên tâm, xe tui còn là chiếc “tàu ngầm” lội nước nữa. Nước có ngập sâu đến yên xe cũng chạy được mà”. Anh Phòng rồ ga, chiếc xe băng băng lội nước, qua con suối đục ngầu...

Trên đường quay ra trung tâm xã Phước Hiệp, có 2 lần tôi nhìn thấy những người chạy xe ôm phải cặm cụi sửa chữa xe bị hỏng dọc đường. Có người còn hỏi mượn anh Phòng chiếc bu-gi lửa; có người mượn anh mấy cái cờ-lê… Về tới nhà anh Phòng, cả người tôi bị nhuyễn nhừ, bả vai ê ẩm vì đường đá xóc. Nhưng anh Phòng dường như không hề hấn gì. Hóa ra, không chỉ chiếc xe của anh được “độ” lại để phù hợp địa hình đường núi, cả con người anh cũng đã thay đổi để thích nghi với cái nghề xe ôm ở “thung lũng vàng” này. Còn tôi, có trải nghiệm với anh Phòng một cuốc xe ôm trên đường rừng mới thấy chuyện mưu sinh ở “thung lũng vàng” bằng nghề xe ôm không phải dễ dàng gì…

Ngọc Thi
.
.
.