Nghệ sĩ Chau Nưng và những sáng tác đặc biệt

Thứ Ba, 12/04/2005, 08:13
Chau Nưng biết rất nhiều chuyện vui. Bao giờ cũng vậy, khi mở màn, ông kể một mẩu chuyện vui cho người ta “cười ngất ngư trước cái đã”, rồi từ chuyện vui, ông chuyển sang nội dung tuyên truyền pháp luật bằng lời ca.

Xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nơi ông Chau Nưng cư trú, một vùng quê heo hút, quanh năm nắng cháy da người. Đây là một xã nghèo của tỉnh An Giang, với hơn 90% dân cư là người dân tộc Khmer.

Cái đói, cái nghèo, tình trạng thất học và gắn liền với nó, những tập tục lạc hậu vẫn còn ngự trị nặng nề trong đời sống một bộ phận rất đông bà con nơi đây. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Thật ra, tuy là một vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông có phần cách trở, nhưng tài liệu từ trên đưa về, chính quyền xã không thiếu. Cái khó là tìm một người đủ khả năng “chuyển ngữ” những tài liệu đó sang tiếng Khmer để phổ biến trong nhân dân là việc chẳng dễ dàng gì.

Mà có dịch ra tiếng Khmer được đi chăng nữa thì với đại đa số những gia đình quanh năm còn phải đầu tắt mặt tối làm lụng kiếm sống, không thể ngồi suốt cả buổi để nghe giảng chính sách.

May sao, xã còn có một Chau Nưng...

Một trong những hiệu quả thiết thực nhất trong công việc của ông là đợt vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa mới”. Những đề cương tuyên truyền, ông đề nghị cán bộ xã tóm gọn nội dung bằng tiếng Việt. Có văn bản trong tay, ông thức mấy đêm liền nghiền ngẫm nội dung và viết một mạch 6 bài hát bằng tiếng Khmer.

Đó là các bài hát có nội dung khuyên bà con “Cưới theo nếp sống mới, không lãng phí”, “Phải giữ gìn vệ sinh nhà cửa, phum sóc để tránh bệnh tật”, "Đưa con tới trường, vì không có cái chữ thì cái nghèo, cái đói sẽ đeo đẳng hết đời cha rồi đến đời con” v.v và v.v... Rồi trong những đêm diễn văn nghệ ở các chùa, ông đem ra hát cho bà con nghe. Thấm thoắt, ông đã làm được công việc ấy suốt 5 năm nay.

"Nghệ sĩ”…”vác tù và”

16 tuổi, Chau Nưng bắt đầu lẽo đẽo theo người lớn trong các dàn nhạc đám cưới. Say mê học lỏm các bậc đàn anh chơi các loại nhạc cụ của người Khmer, năm dài tháng rộng qua đi, tay đàn của Chau Nưng ngày càng điêu luyện.

Ngày thường, Chau Nưng rất thích nghe đài. Qua chiếc radio nhỏ xíu, ông nắm bắt được chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chau Nưng nhận thấy hầu hết bà con còn nghèo, nhưng vẫn chưa từ bỏ được những “thói quen” cũ như: tổ chức hội hè lãng phí, sinh nhiều con...  Ông đề đạt với chính quyền địa phương cách làm để tuyên truyền lối sống mới. Đàn giỏi, hát hay, Chau Nưng thường được bà con phật tử các chùa mời về biểu diễn khi trúng mùa, hoặc vào các ngày lễ như Đôn-ta (cúng ông bà) hay Chôn-sơ-năm-thơ-mây (mừng năm mới).

Trong những buổi diễn, ông lại lồng vào những “bài ca tuyên truyền”. Hay ở chỗ, những nội dung khô khan được thể hiện bằng những bài ca giàu nhạc điệu, nên càng dễ nghe, dễ hiểu hơn.

Không chỉ biết sử dụng các loại nhạc cụ, Chau Nưng còn có thể cải tiến chúng. Từ cây đàn của một “người thầy” cho, để tăng sức mạnh tuyên truyền, ông sáng chế thành một cây đàn mới, đặt tên là Chơpây Chomriêng - dựa trên những đặc điểm cơ bản của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, nhưng khi chơi tiết tấu tươi vui hơn, nên - nói như ông - “dễ đi vào lòng đám trẻ”.

Thường, những bài ca, Chau Nưng viết xong liền gửi đi để duyệt nội dung xem đã đầy đủ chưa. Chỉ khi cấp trên gật đầu, ông mới đi trình diễn. Có lần, một bài hát của ông phải chỉnh lại vì nội dung nói về lễ cúng cha mẹ lại có đoạn "cầu mong cha mẹ phù hộ cho trúng một tờ vé số".

5 năm nay, Chau Nưng làm cái việc "vác tù và" này một cách vô tư, không vụ lợi. Chính quyền địa phương cho rằng: "Những việc làm của nghệ nhân Chau Nưng đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, về nếp sống văn hóa của bà con xã Ô Lâm".

Không ai trả công cho ông, nhưng ai cũng quý mến ông. Ông vui vì được mọi người thương yêu, quý trọng. Chưa phải ai cũng thấy ông nói đúng nhưng cũng đã nhiều người biết nghe ông. Thấy gia đình họ đổi thay, “ít con, ăn ngon, mặc đẹp” là ông “ưng cái bụng”. Mỗi lần làm xong việc, ông già 63 tuổi lại thấy yêu đời hơn

Bá Sên
.
.
.