Nghề nuôi "chiến mã"

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:58
Khi những chiến mã nhóc tỳ cứng cáp, các ông chủ lắm tiền nhiều của lại ham đua ngựa sẽ tìm đến trả giá. Giá đắt hay rẻ phụ thuộc vào tướng ngựa quý ở mức độ nào. Thông thường, giá rẻ nhất là 20 triệu, còn con đẹp giá đến 70-80 triệu đồng.

Những ngày cuối tuần, Trường đua Phú Thọ (TP HCM) lại tràn ngập những tiếng reo hò của dân mê ngựa đua. Ít ai biết rằng, để những chiến mã như Phương Đông, Xích Tu Long, Mai Linh, Lục Tiểu Phụng... phi nước đại về đích trong tiếng reo hò dậy sóng, trong niềm phấn khích tột độ của cả vạn người trên khán đài trường đua, những người nuôi ngựa đua đã phải dày công khó nhọc nhiều năm liền. Và càng ít người biết rằng, mấy trăm chiến mã lại được nuôi dưỡng, đào tạo bởi các "Hai Lúa" chính hiệu ở ấp Bình Thủy (Hòa Khánh Đông, Đức Hòa, Long An).

Ấp Bình Thủy nằm chơ vơ giữa những dải cát trắng mênh mông, bao quanh bởi những cánh đồng cỏ mật, cỏ sương. Trên các con đường quanh ấp, đâu đâu cũng thấy phân ngựa. Sáng sáng, khi còn nhọ mặt người, cả làng đã rầm rập dắt ngựa ra sông tắm bì bõm, rồi cả ngày người dân trong làng chỉ làm mỗi việc dắt ngựa đi bộ, cho ngựa ăn, quét dọn chuồng ngựa, chăm ngựa hơn cả chăm mình.
Cái nghiệp nuôi ngựa đua là đam mê truyền kiếp của người dân ấp Bình Thủy.

Người nổi tiếng nhất trong làng nuôi ngựa đua xứ Nam Kỳ là ông Nhan Văn Trâm. Dân làng thân mật gọi là chú Chín Trâm, còn giới chơi ngựa đua tôn ông là mã sư Chín Trâm, tức là huấn luyện viên ngựa đua giỏi nhất. Dân nuôi ngựa đua ở Đức Hòa tín nhiệm bầu ông làm Chủ Hội nuôi ngựa đua với nhiệm vụ chuyên đi đăng ký khai sinh cho ngựa và đăng ký danh sách tham dự đua tại Trường đua Phú Thọ.

Ông Chín Trâm năm nay 60 tuổi và cũng đã có từng ấy năm gắn bó với ngựa. Ngày chập chững biết đi, ông nội và cha đã cắp bé Trâm lên lưng ngựa phóng nước đại.

Nghề nuôi ngựa đua ở ấp Bình Thủy cũng như cả huyện Đức Hòa có từ thời Pháp thuộc, và đặc biệt phát triển kể từ khi người Pháp xây nên Trường đua Phú Thọ giữa Sài Gòn năm 1936.

Người Đức Hòa thường xuyên dắt ngựa kéo xe nhà mình xuống trường đua, nhưng đều thất bại. Ngựa Đức Hòa nhỏ xíu chạy lon ton sau đuôi những chiến mã phi nước đại trông đến tội nghiệp. Tuy nhiên, những chiến mã lừng lững mang từ châu Âu sang cứ héo hon rồi chết dần chết mòn do không hợp khí hậu.

Ông nội Chín Trâm và một số “ông tổ” nghề nuôi ngựa Đức Hòa nhận thấy ngựa châu Âu to, sức bật tốt, nhưng sức không dai, chạy nhiều dễ bị què chân, ngựa Việt Nam tuy nhỏ, bước nhảy không cao, song sức dẻo dai tốt, do vậy đã tìm cách phối giống ngựa kéo xe Đức Hòa với loài chiến mã phương Tây và từ đấy, tại Đức Hòa đã xuất hiện một giống ngựa mới tồn tại cho đến ngày nay, chỉ chuyên để đua.

Những năm 50, phong trào đua ngựa rầm rộ khắp xứ Nam Kỳ. Hàng loạt “lò luyện” chiến mã xuất hiện ở Đức Hòa, Bình Chánh, Củ Chi, Gò Vấp. Người dân Nam Kỳ vẫn lưu lại trong ký ức về những bãi tắm ngựa mênh mông dọc sông Vàm Thuật và những bãi cỏ lút gối ngút tầm mắt hai bên sông chỉ để nuôi hàng ngàn con ngựa đua phục vụ các quan Tây và người dân Sài Gòn mê môn thể thao này. Cha con ông Chín Trâm tuần nào cũng dắt ngựa đi bộ mấy chục cây số từ Đức Hòa xuống trường đua và đã ẵm nhiều giải thưởng.

Sau giải phóng, trường đua không hoạt động, ngựa đua Đức Hòa lại trở về với "nghề nghiệp" của tổ tiên chúng là kéo xe, còn hàng loạt ngựa đua ở khu vực khác lần lượt bị tháo yên cương dắt vào lò mổ. Những bãi tắm, bãi cỏ lút gối bên sông Vàm Thuật chỉ còn là ký ức, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng.

Nhưng ở cái ấp Bình Thủy cát trắng, nghèo nàn, người dân vẫn gây giống, vẫn huấn luyện những con ngựa non thành chiến mã trên những cung đường đua là những bãi cát, bờ sông. Hồi tỉnh Long An tổ chức kỷ niệm 8 năm Ngày giải phóng miền Nam, có mời hai đội bóng Cảng Sài Gòn và Tây Ninh đấu giao hữu.

Ông Ba Cường, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, cũng là một người mê mẩn trò đua ngựa, đã lấy cớ cổ vũ trận đấu về ấp Bình Thủy lựa mấy cặp chiến mã mang vào sân cỏ cho biểu diễn đua ngựa. Dân khắp tỉnh, đặc biệt là dân mê đua ngựa Sài Gòn nghe tin kéo về Long An xem chật ních sân cỏ. Ông Ba Cường liền làm công văn xin lập trường đua ở Đức Hòa Thượng, rộng tới 45ha.

Từ bấy, xứ Đức Hòa nhộn nhịp hẳn lên. Những bãi cát trắng lúa lên èo uột được thay bởi những đồng cỏ mật, cỏ sương um tùm. Chú Chín Trâm cũng không giải thích được vì sao ấp Bình Thủy chỉ toàn cát trắng mà cỏ cứ tốt bời bời. Nông dân ấp Bình Thủy ngoài lúc ra đồng họ dành phần lớn thời gian huấn luyện ngựa đua để cuối tuần dắt chúng đi thi thố kiếm giải và thỏa mãn đam mê đã ngấm vào máu từ nhiều đời nay.

Từ mô hình trường đua ngựa ở Đức Hòa Thượng, cuối năm 1985, TP HCM đã cho xây dựng lại Trường đua Phú Thọ và thỏa thuận với huyện Đức Hòa chuyển hoàn toàn hoạt động đua ngựa về TP HCM. Và cũng từ bấy, cả cái ấp nhỏ bé Bình Thủy đã xây dựng chuồng trại, nuôi ngựa, gây giống, huấn luyện đàn ngựa thành những chiến mã bất bại trên trường đua của cả xứ Nam Kỳ.

Từ đam mê ngựa đua để kiếm tìm niềm vui, nay nghề huấn luyện ngựa đua đã là nghiệp, là miếng cơm manh áo nuôi cả ấp. Những “Hai Lúa” như Nhan Văn Trâm, Mã Quốc Dương, Nhan Hồng Châu, Lại Văn Hương, Nhan Văn Chẳng... ở ấp Bình Thủy đều trở thành mã sư nổi như cồn trong sới đua Phú Thọ. Với những bí quyết huấn luyện ngựa đua gia truyền không đâu sánh được, chủ ngựa khắp Sài thành, thậm chí tận bên Mỹ, Đức cũng gửi chiến mã yêu quý của mình cho lò luyện Bình Thủy. Trong nhà mỗi “Hai Lúa” ấp Bình Thủy lúc nào cũng có cả chục chiến mã, cả làng có đến mấy trăm con và cả làng sống bằng nghề nuôi, huấn luyện ngựa đua...--PageBreak--

Niềm đam mê... bạc triệu

Vỗ vào bờm con Phương Đông to lừng lững đang nhai cỏ trong chuồng, ông Chín Trâm nói: “Con Phương Đông này là niềm kiêu hãnh của cả tôi và ông chủ nó. Hồi 2 tuổi, nó ẵm 9 giải nhất, 3 tuổi ăn 4 giải nhất, đặc biệt năm nay nó vừa đoạt cả hai cúp vàng trong hai ngày lễ lớn là 30/4 và 1/5/2006”. Chủ con Phương Đông này là Việt kiều Mỹ Nguyễn Phương Quân. Anh này ham ngựa đua hơn cả vợ con. Tuần nào anh ta cũng phóng xe hai lần từ TP HCM lên thăm ngựa, rồi ôm ngựa, vuốt ve, âu yếm ngựa.

Con Phương Đông thấy chủ cũng nhấm nhẳng đòi ăn, đòi được vuốt ve. Trông cảnh ấy, đôi lúc ông cũng thấy hơi tủi. Ông tâm sự, với người nuôi ngựa đua, con ngựa cũng như người tình, có yêu, có ghét và có ghen tị khi tình cảm bị chia sẻ. Được cái ông chủ con Phương Đông cũng dễ dãi, mỗi trận thắng, anh ta chia cho ông vài chục phần trăm giải thưởng.

Hiện tại chú Chín Trâm đang huấn luyện 4 chiến mã cho ông chủ Nguyễn Phương Quân và 5 con cho các ông chủ khác. Mỗi con các ông chủ này trả 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền ấy vừa đủ thuê người chăm sóc và mua thóc, mua cỏ cho ngựa. Theo tính toán, mỗi con ngựa trưởng thành mỗi ngày xơi 10kg thóc, cùng cả gánh cỏ, chưa kể thỉnh thoảng bồi bổ thêm đậu xanh, đỗ tương. Tuy nhiên, theo chú Chín Trâm, cái lãi chính là nhờ 9 con ngựa này mà chú đã tạo công ăn việc làm cho 9 người trong làng với mức lương 1 triệu đồng/tháng.

Mỗi con ngựa đều cần một người chăm sóc riêng, do vậy, với vài trăm chú ngựa đua mà các “Hai Lúa” ấp Bình Thủy đang huấn luyện, cả ấp đã có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập tương đối. Thu nhập của các mã sư “Hai Lúa” là ở số phần trăm giải thưởng mà chủ ngựa trả cho. Chủ nào rộng rãi thì trả cho 30-40% giải thưởng, còn hầu hết đều thống nhất trả 10%.

Có nghĩa là, nếu con ngựa do mình huấn luyện được giải 20 triệu thì mã sư sẽ được hưởng 2 triệu đồng. 9 con ngựa do mã sư Chín Trâm huấn luyện hầu như tháng nào cũng có con ẵm giải, thậm chí có tháng ẵm 4-5 giải nhất thành thử tiền bạc cũng xông xênh đủ để ăn nhậu, đi du lịch ầm ầm.

Chơi ngựa đua là trò tốn kém khủng khiếp. Chỉ tính tiền thuê người chăm sóc và tiền thóc, tiền cỏ, thuốc... đã tốn mỗi con 3,5 triệu đồng/tháng. Ấy là chưa kể tiền thuê xe tải chở ngựa về trường đua mỗi tuần. Những “Hai Lúa” ở ấp Bình Thủy huấn luyện ngựa đua thuê cốt để thỏa mãn đam mê khi con ngựa mình huấn luyện giật giải. Niềm vui của họ cũng không kém ông chủ ngựa chút nào.

Mã sư Chín Trâm cho biết, nguồn thu nhập chính và nhiều nhất của các “Hai Lúa” ấp Bình Thủy là từ bán ngựa giống. Những chú ngựa nái trong ấp đều là những tay đua cự phách một thời nay đã “về hưu” do tuổi tác. Để có những chiến mã tốt phải phối giống ngựa cái Đức Hòa với ngựa đực chủng Âu hoặc Úc. Giá mỗi lần phối giống với mấy con ngựa đực của Công ty Thiên Mã là 1,5 triệu đồng, tuy nhiên, tỉ lệ ngựa nái đậu thai rất thấp, chỉ khoảng 10%.

Do vậy, mỗi khi nái nhà nào đậu thai thì coi như... trúng số và mở tiệc ăn mừng mấy ngày liền. Còn không đậu thai, coi như đem thêm 1,5 triệu đi “đánh bạc”. Quãng thời gian ngựa cái mang thai cũng lắm nhiêu khê, lúc này chế độ ăn cho ngựa cái rất nghiêm ngặt, thậm chí phải đem nhiệt kế đo nhiệt độ thời tiết để có cách pha chế lượng thức ăn cho phù hợp. Cụ thể cho ăn thế nào là bí quyết riêng của dân ấp Bình Thủy.

Khi chú ngựa con cứng cáp, chủ nhân sẽ đưa đi làm "khai sinh" tại Sở Y tế và Phòng quản lý của Câu lạc bộ Phú Thọ. Dấu xoáy, màu lông, tên chủ, tên cha mẹ, những đặc điểm riêng... sẽ được ghi lại trong tấm giấy "khai sinh" cùng cái tên do chủ đặt cho. Khi ông chủ cầm trong tay tấm giấy "khai sinh" thì nó mới được công nhận là một ngựa đua. Mỗi con ngựa đều có một cái tên rất kêu: Xích Thố, Trương Tam Phong, Đinh Đinh Đang Đang...

Mỗi chú ngựa từ khi sinh ra đến lúc thành tay đua cự phách đều được một người chăm sóc, huấn luyện cực kỳ kỹ càng. Từ 5 giờ, mỗi người dắt một ngựa ra sông tắm rửa, quần nước (chạy dưới nước) sau đó dắt ngựa chạy bộ liên tục 5-10km. Buổi chiều lại dắt ngựa từ 14 đến 17 giờ. Mỗi ngựa đua trước khi dắt ra khỏi chuồng đều được chải lông sạch sẽ, thoa dầu cao vào mũi để thông hơi, xoa dầu vào các khớp chân và được xơi rất nhiều loại thuốc bổ gia truyền mà không ai biết loại thuốc này được chiết xuất từ vị gì.

Khi những chiến mã nhóc tỳ cứng cáp, các ông chủ lắm tiền nhiều của lại ham đua ngựa sẽ tìm đến trả giá. Giá đắt hay rẻ phụ thuộc vào tướng ngựa quý ở mức độ nào. Thông thường, giá rẻ nhất là 20 triệu, còn con đẹp giá đến 70-80 triệu đồng. Ngay như con Phương Đông mà ông Chín Trâm đang huấn luyện, hồi ông bán có 50 triệu đồng. Người chủ đó mua xong lại nhờ ông huấn luyện luôn. Không ngờ mấy năm nay nó giật giải liên tục, đem về cho ông chủ rất nhiều tiền thưởng, nhưng nhiều hơn nữa là tiền thắng độ. Giờ nhiều tay chơi trả 300 triệu đồng, ông chủ Việt kiều đó chỉ lắc đầu.

Mỗi năm một mã sư nhân giống được một chú ngựa đẹp là coi như cả gia đình tiêu pha xông xênh. Ông Chín Trâm, ông Quốc Dương, Sáu Châu, Năm Hương, Ba Chẳng... là một trong những người nhân giống mát tay không những nhất ấp Bình Thủy mà còn nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Mỗi năm những chú ngựa nái của họ sinh được vài ngựa con đem về lợi nhuận cho gia đình cả trăm triệu. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với một vùng quê nghèo khó.

Về ấp Bình Thủy được chứng kiến và được nghe rất nhiều chuyện buồn vui, có chuyện cảm động đến chảy nước mắt về giống ngựa đua. Hôm chúng tôi đến thăm trại ngựa của anh Mã Quốc Dương thì chị vợ bảo: “Ông ấy không cứu được con Thái Linh nên chán đời toàn đi uống rượu say khướt thôi. Giờ còn đang lăn lóc ở quán rượu đầu ấp ấy”. Tôi nghe chuyện chị ta kể mà thấy lạ. Vợ anh Dương dẫn tôi ra chuồng ngựa phía sau nhà.

Quả thực, có một con ngựa gầy rộc, hai bên hông đầy vết lở loét. Bốn chân nó đứng không vững, cứ liêu xiêu chực đổ. Trông ánh mắt nó thật đáng thương. Vợ anh Dương bảo, con Thái Linh là của ông chủ Sì A Sáng, người Hoa, từng đoạt 28 giải nhất. Năm ngoái nó đẻ con rồi bị bệnh si, chẳng chịu ăn uống gì. Ông chủ đã tốn mấy chục triệu cho anh Dương chạy đôn chạy đáo thuê bác sĩ chữa trị song không khỏi, nhưng cũng không nỡ thịt nó nên cứ chăm sóc nó, chờ nó chết thì đem chôn. Vợ anh Dương bảo: “Chiều nay ông ấy cắt cỏ sương, cỏ mật cho nó ăn. Nó không ăn được, cứ ngước lên nhìn ông ấy rồi chảy nước mắt. Tôi thấy ông ấy cũng ôm ngựa khóc, rồi bỏ đi uống rượu. Cái giống ngựa sống có tình lắm”.

Chuyện con ngựa đã bán tìm về với ông Chín Trâm thì cả ấp Bình Thủy đều biết. Hồi đó, con Huỳnh Hoa của ông liên tục đoạt giải nhất, ông quý nó như con đẻ. Tuy nhiên, một ngày mẹ ông bị bệnh nặng phải nhập viện, không có tiền nên phải bán cho anh Hai Mê ở mãi Cầu Tre (quận Tân Bình, TP HCM). 4 năm sau, một đêm đang ngủ nghe thấy tiếng ngựa hí vang ngoài cổng, ông chạy ra thì thấy đúng con Huỳnh Hoa của mình.

Ông nhào đến ôm ngựa khóc nức nở, con ngựa cũng dũi đầu vào nách hít hơi ông chủ. Nước mắt nó chảy ròng ròng. Đêm ấy cả ấp tụ tập bàn tán xôn xao không ai giải thích nổi vì sao qua 4 năm trời con ngựa vẫn nhớ đoạn đường dài 40km mà phá chuồng tìm về. Dù thương, dù yêu Huỳnh Hoa lắm song ông Chín Trâm vẫn phải gọi anh Hai Mê lên dắt nó về. Hôm chia tay nó, ông lại khóc một mẻ tới bến. Vợ ông bảo hồi mới dắt trả con Huỳnh Hoa đêm nào ông Chín Trâm cũng mê sảng gọi tên nó

Phạm Ngọc Dương
.
.
.