Nghề nấu cao hổ ở Xuân Tín

Thứ Sáu, 29/01/2010, 11:16
Ông Trịnh Trung Hải, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tín (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) chỉ khẽ bật cười khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về cao hổ cốt ở địa phương. Bởi theo ông, nấu cao hổ tại làng Xuân Tín không phải là nghề có từ lâu đời và hiện cũng không còn ở Xuân Tín.

Nhấp một chén chè mạn, ông Trịnh Trung Hải cho biết: Nếu coi nấu cao hổ ở Xuân Tín là nghề thì nghề này mới xuất hiện chừng 40 năm về trước, chính xác là năm 1969. Người đầu tiên đưa nghề này về làng là ông Đỗ Như Ngôn, lúc đó chừng 40 tuổi, hiện đã ngoài 80 tuổi, vốn là người trong làng Chỉ Tín, xã Xuân Tín, nhưng nay đã chuyển sang huyện khác sinh sống.

Ông Đỗ Như Ngôn khi ấy học được nghề lái xe ôtô nên thường có dịp qua lại biên giới Việt - Trung và Việt - Lào để giao nhận xe cho nhà nước. Bôn ba tiếp xúc nhiều, nên ông Ngôn học được nghề nấu cao của một người bạn quê ở Quảng Ninh. Mỗi lần có chuyến đi công tác qua biên giới Lào, ông lại mua đủ loại xương cốt hổ, gấu, ngựa, trăn, khỉ, sơn dương… đem về làng, nấu cao tại nhà.

Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ xương động vật hoang dã của các đối tượng buôn lậu.

Người dân xung quanh sử dụng cao thấy có giá trị thực cho sức khỏe nên tìm đến mua, và cuộc sống của gia đình ông cũng có bát ăn bát để. Có điều kiện qua lại biên giới, cộng với thời kỳ ấy việc bảo vệ động vật hoang dã chưa chặt chẽ như bây giờ, nên ông Ngôn nấu được khá nhiều cao, chủ yếu là cao hổ, vì loại cao này được mọi người ưa chuộng.

Ông Ngôn đem nghề này truyền lại cho con cháu của mình. Con cái ông ngược xuôi lên mạn miền núi để mua động vật về nấu cao. Dần dần, nấu cao trở thành một nghề đem lại thu nhập khá cho những người con cháu của ông Ngôn, so với những người nông dân chỉ suốt ngày bán mặt cho đất ở Xuân Tín. Nhiều người trong làng, trong xã thấy vậy bắt chước làm theo, lúc đông nhất ở Xuân Tín có đến hàng trăm người hành nghề nấu cao. Và nghề nấu cao ở đây dần được nâng lên thành một kỹ nghệ.

Nhưng trước ông Đỗ Như Ngôn, một số người trong dòng họ Hà Trọng đã biết nấu cao, chủ yếu là cao khỉ, và chỉ để dùng trong gia đình thôi. Họ thường đến chân ngọn núi Đạch dựng mấy câu nêu treo đầy hoa quả để dụ bầy khỉ.

Khi chúng đang nhảy nhót, chơi đùa, thì họ sẽ bí mật bao vây xung quanh, rồi bất ngờ gõ nồi niêu xoong chậu inh ỏi khiến bầy khỉ giật mình, trốn vào các bụi rậm vốn đã giấu sẵn bên trong những chiếc rọ lớn đan bằng nan tre cật. Sau đó họ đem các lồng khỉ đó thả xuống sông Cầu Chày, ngâm hàng tháng ròng rã cho da thịt khỉ trôi sạch, chỉ còn trơ lại bộ xương. Rồi, họ đem xương phơi khô, cho vào cối giã với vỏ trấu cho xương thật sạch mà nấu cao.

"Hiện nay, còn khoảng vài trăm người thuộc 10/14 thôn của xã Xuân Tín biết nấu cao thành thạo. Nhưng họ lấy nguyên liệu và bắc lò nấu cao ở đâu thì quả thực chúng tôi không thể biết. Chỉ biết rằng, họ không thể nấu cao hổ, cao gấu ở tại xã Xuân Tín này như đồn đại, vì chính quyền, đặc biệt là lực lượng Công an, Kiểm lâm kiểm tra gắt gao lắm"- ông Trịnh Trung Hải quả quyết- "Chúng tôi cũng biết và rất buồn khi có khá nhiều người dân của xã đã bỏ làng đi khắp các vùng miền để hành nghề nấu cao hổ lừa đảo. Dễ dàng kiếm được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng tiền bất chính, họ đem nướng ngay vào cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… tại các đô thị lớn, rồi trở về là hàng trăm con nghiện, có tới 84 người bị chết vì nhiễm HIV. Theo thống kê sơ bộ, có hàng trăm vụ lừa đảo ở hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước do người Xuân Tín thực hiện. Như năm 2002, chúng tôi phải nhận thông báo về 20 vụ lừa đảo (36 đối tượng) từ Công an các tỉnh bắt giữ".

Dạo một vòng trên đường Xuân Tín, thấy ngôi làng trù phú này còn nuôi khá nhiều động vật hoang dã quý, như ngựa bạch, trăn, cá biệt có đàn hổ 13 con trong vườn của một gia đình nông dân. Hỏi chuyện một người đàn ông về cao hổ cốt, anh cười, nháy mắt: "Anh có mua cao mèo đen không? Tiểu hổ cốt đấy, kém cao hổ cốt một tí chút thôi". Giá những người nấu cao thành thạo ở Xuân Tín chỉ nấu những loại cao thông thường phục vụ sức khỏe mọi người, mà không nấu cao hổ cốt...

Gia Linh
.
.
.