Nghề chế biến thịt cóc ở Thọ An - Thanh Hóa

Thứ Tư, 22/10/2008, 09:21
Theo thống kê của xã Thọ An (Thanh Hóa), toàn xã có 2.000 hộ thì có tới 80% số hộ theo nghề buôn cóc. Thu nhập bình quân cho mỗi một người là 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nghề thịt cóc cũng giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10% số hộ lao động ở xã Thọ Xuân (toàn xã có 1.700 hộ).

Xã Thọ An có diện tích đất tự nhiên 293ha, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong khi đó nghề trồng đay, quay dây thừng truyền thống, lại có hiệu quả kinh tế thấp, đến những năm đổi mới thì thất truyền.

Năm 1968, ông Lê Văn Quý, người làng vẫn gọi là "vua cóc" lần đầu bắt cóc để làm thịt cho các cháu ăn. Thấy các cháu còi xương chóng lớn, ông đã nghĩ đến việc đem thịt cóc đi bán ra các vùng lân cận.

Cóc được mổ lột da, chặt đầu, bỏ lòng mề, gan, mật, trứng... chỉ lấy mỗi thịt, bóp dấm, rửa sạch, hấp lên rồi giã nhỏ, rang làm ruốc. Do ruốc cóc của ông làm thơm ngon, lại giữ được chữ tín với khách hàng nên ngày càng được nhiều người biết đến và đặt hàng định kỳ. Từ đó làng có thêm nghề mới rất độc đáo, nghề thịt cóc. Nhưng nghề này lúc đầu vẫn chỉ có lác đác người theo.

Những năm 80 của thế kỷ XX, dân làng được chứng kiến sự khấm khá của gia đình ông Hoàng Xuân Tòng từ nghề thịt cóc. Ông Tòng "cóc" nuôi được 7 người con khôn lớn đều bằng tiền bán cóc, rồi dựng vợ gả chồng, và xây được 3 ngôi nhà cho các con trai cũng nhờ con cóc. Nhiều người đã đến học cách làm của ông Quý, ông Tòng để hành nghề.

Ai mua cóc nào! Ai mua cóc đê... ê! Đó là tiếng rao của những người đàn bà đạp xe, đằng sau chở một chiếc bu có đính biển: "Bán cóc làm ruốc". Tiếng rao ấy có mặt trong Nam, ngoài Bắc.

Không dám khẳng định là tất cả, song cũng phải hơn 90% là người ở 2 xã Thọ Xuân, Thọ An. Bình quân mỗi ngày, họ đạp trên trăm cây số, rong ruổi qua các con phố của Thủ đô Hà Nội. Còn nếu đi các tỉnh khác, họ bắt xe khách, mang theo xe đạp. Khi tới nơi, kiếm được chỗ trú chân, liên lạc được với đại lý cóc là họ hành nghề.

Chị Bùi Thị Vy (Đội 11 - Thọ An), người đã đi vào Nam bán cóc được 4 năm trời, mỗi tháng cũng gửi được 1 - 2 triệu đồng về quê, đang ở nhà tâm sự: "Đi bán cóc trong đó được lắm, bình quân mỗi buổi cũng lãi khoảng 100.000 đồng. Cũng có hôm không có khách, cóc gầy và chết là coi như lỗ".

Thu nhập từ việc buôn cóc của người phụ nữ nơi đây khá hơn rất nhiều so với các nghề khác, thế nhưng độ rủi ro cao: bị trả tiền giả, trở thành đối tượng để kẻ xấu rình rập luôn ám ảnh.

Ngoài việc đi bán cóc rong, người làng bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn. Họ đầu tư vốn thu mua cóc ở khắp nơi và mở rộng thị trường. Cả xã Thọ Xuân, Thọ An có 6 đại lý lớn thu mua cóc. Mỗi đại lý đều có "hầm" chứa cóc, ngày nào ít cũng nhập vài tạ cóc, có khi lên tới cả tấn. Cóc được gom từ khắp các tỉnh: Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định...

Sau đó cóc được phân phối cho "đội quân" bán lẻ "trảm" để lấy thịt làm ruốc. Phần còn lại thì chế biến thành cóc khô để bán lại cho các công ty chuyên chế biến bột cóc cho trẻ em, cung cấp cho các hộ làm thức ăn nuôi rắn...

Đại lý thu mua cóc của anh Trần Văn Tăng, Thôn 9 - Thọ An, lúc nào cũng huy động vốn liên tục trên 100 triệu đồng để thu mua cóc. Thu nhập bình quân của gia đình anh một tháng là 3 - 4 triệu đồng. Mỗi ngày anh còn giải quyết cho 4 - 5 lao động có thu nhập 40 nghìn đồng.

Thu nhập từ việc bán cóc lớn, nhiều gia đình kinh tế ngày càng khá giả. Theo thống kê của xã Thọ An, toàn xã có 2.000 hộ thì có tới 80% số hộ theo nghề buôn cóc. Thu nhập bình quân cho mỗi một người là 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Nghề thịt cóc cũng giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10% số hộ lao động ở xã Thọ Xuân (toàn xã có 1.700 hộ). Khá giả lên nhưng người làng đã bắt đầu nhận ra cái "ác" của nghề này với tự nhiên. "Anh nhìn thì biết, bây giờ ở đất này, bói chẳng ra con cóc" - ông Tòng giọng đầy lo lắng.

Ông Hoàng Quốc Định, Phó Chủ tịch xã Thọ An, đang tính đến chuyện giúp người dân nuôi cóc: "Cóc ngày càng khan hiếm, nếu cứ tiếp tục thế này thì cóc trong tự nhiên sẽ biến mất. Cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển nguồn cóc trong từng hộ thịt cóc. Nếu có vài hecta đất mình xây tường xung quanh, để thử nghiệm nuôi giun kết hợp với nuôi cóc, và trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế tạo bóng mát cho cóc. Cóc sẽ sinh trưởng, và phát triển, tạo ra nguồn cóc ổn định".

Tính là vậy chứ, nếu làng "cóc" không sớm thực hiện mà tiếp tục tận thu nguồn cóc từ tự nhiên, thì vài năm tới làng mất nghề thịt "cậu ông trời" là điều không tránh khỏi

Duy Thanh
.
.
.