Nghệ An: Các khu di chỉ khảo cổ bị “tùng xẻo”

Chủ Nhật, 20/08/2006, 14:21

Mang ý nghĩa rất lớn cả về văn hóa lẫn lịch sử dân tộc, tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều di chỉ khảo cổ nổi tiếng của xứ Nghệ như Làng Vạc, Cồn Điệp, Đồng Trương... đã bị "tùng xẻo" một cách không thương tiếc. Điều đáng nói ở đây, đối tượng "tùng xẻo" các khu di chỉ này không chỉ là những kẻ hám lợi mà còn có sự tham gia của cả chính quyền địa phương.

Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc (Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn) là khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong văn hóa Đông Sơn - được Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) cấp bằng và xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1999.

Sau 5 lần khai quật trên diện tích 1.438m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 347 ngôi mộ cổ, thu 1.228 hiện vật (dao, kiếm, trống đồng, rìu đồng, rìu đá...), trong đó đồ đồng là 665 chiếc. Năm 1999, nạn đào bới cổ vật tại đây đã bắt đầu rộ lên. Người dân đua nhau “khai quật” trên khu đồi rộng 3 ha và đã lấy đi khá nhiều hiện vật có giá trị.

Dù chính quyền đã vào cuộc nhưng người dân vẫn tiếp tục vác cuốc, xẻng vào “xẻ thịt” khu di chỉ này. Rầm rộ nhất là vào cuối năm 2005 và đầu tháng 4, 5/2006 sau khi một số người dân địa phương loan tin có người tình cờ đào được cặp tượng cổ, bán với giá hàng trăm triệu đồng. Như một vết dầu loang, chỉ vài hôm sau, người dân vác cuốc, xẻng vào tìm vận may.

Lượng người kéo đến ngày một đông. Người ta dùng cuốc, xẻng để đào bới lớp đất bề mặt, rồi dùng dao nhọn khoét đất thành hầm ếch để tìm đồ cổ. Họ đã đào hơn 1.000 cái hố. Hàng trăm cây cao su bị đào khoét sâu từ 2 đến 4m làm bật rễ, đổ ngổn ngang. Đã có thời điểm, lượng người kéo đến đây từ 400 đến 600 người, họ đào bới cả ngày lẫn đêm.

Thực tế cũng có khá nhiều người đào trúng đồ cổ, thường là đồ đồng đúc hình hươu, nai tượng, hà mã, bò tót, rìu, trống đồng loại nhỏ, vòng đá, đồ gốm, kiếm sắt... bán được hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, điểm mặt chỉ tên người “được của” thì chẳng một ai nói rõ. Hiện nay, khu di chỉ khảo cổ này đã tạm thời lắng yên, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một số kẻ hám lợi tiếp tục vào đào bới tìm cổ vật.

Khu di chỉ Cồn Điệp bị "xẻ thịt" để xây chợ. 

Chung thảm cảnh bị xâm phạm như khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc là khu di chỉ văn hóa Cồn Điệp nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Theo sách “Nghệ An ký”  thì: “Cồn Điệp này vừa từng là nơi cư trú vừa là khu mộ của người nguyên thủy. Đến nay đã tìm thấy 31 ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng đá, gốm... Dựa vào vị trí của xương sọ và xương chân tay trong các ngôi mộ, chúng ta biết rằng người chết đã được chôn với tư thế ngồi xổm...”. Ngày 12/4/1997, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1306 giao cho Sở VH-TT Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu quản lý.

Đầu tháng 3/2006, xã Quỳnh Văn cho tiến hành xây chợ Vân trên Cồn Điệp (thay chợ cũ được xây dựng từ năm 1976). Theo thiết kế và theo yêu cầu mặt bằng công trình Cồn Điệp đã bị người ta cho các phương tiện cơ giới thay nhau đào xúc. Ngày 8/3/2006, UBND huyện Quỳnh Lưu có Công văn 211 yêu cầu “đình chỉ khai thác mặt bằng di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn” và “phải báo cáo tường trình chi tiết trước ngày 14/3/2006...”. Thế nhưng, trước tình hình không thấy phản hồi từ xã Quỳnh Văn, UBND huyện lại phải có tiếp Công văn số 245 ngày 17/3 để nhắc nhở: “Thực hiện nghiêm túc Công văn số 211 ngày 8/3”.

Ngày 14/3, UBND huyện Quỳnh Lưu lại tiếp tục có công văn yêu cầu ngừng quy hoạch, nâng cấp chợ; phục hồi nguyên trạng di tích như trước đây. Sau đó, UBND huyện Quỳnh Lưu nhận được một báo cáo của UBND xã Quỳnh Văn “Về việc cải tạo nâng cấp chợ Quỳnh Văn”. Đây thực chất là “tiền trảm hậu tấu” bởi báo cáo này đề ngày 8/3, nhưng xã đã tiến hành san ủi Cồn Điệp từ trước đó.

Ngày 17/3/2006, UBND xã Quỳnh Văn có tờ trình “xin chủ trương tiếp tục khôi phục chợ Vân”. Ngày 3/4/2006, UBND huyện Quỳnh Lưu có công văn trả lời. Yêu cầu UBND xã Quỳnh Văn chỉ được san ủi mặt bằng tại diện tích mới khai thác trước ngày 8/3/2006; xây tường bao phía bắc chống xói mòn sạt lở; tuyệt đối không được san ủi, mở rộng thêm diện tích ở bất kỳ nơi nào; khôi phục các lều cũ đã bị hư hỏng và giữ nguyên hiện trạng diện tích ban đầu. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại dựa vào công văn đó để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình chợ Vân. Và lần này Cồn Điệp bị đào bới với mức độ nặng nề hơn và móng nhà bằng đá nhanh chóng được xây lên.--PageBreak--

Trước thực trạng đó, Sở VH-TT tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu đình chỉ tất cả mọi sự đào bới, xây dựng chợ Vân trên nền khu di chỉ Cồn Điệp. Nhưng buồn thay, đến nay mọi sự chỉ đạo đều không thực hiện được. Sau mấy tháng quay trở lại đây, chúng tôi hết sức đau xót chứng kiến mọi dấu tích đã được san bằng, mọc lên đó là những dãy kiốt mới tinh, người dân bình thản họp chợ đông đúc.

Thực tế ở Nghệ An, không riêng gì khu di chỉ Cồn Điệp hay Làng Vạc bị người dân, chính quyền sở tại làm “biến dạng” mà nhiều khu di chỉ khảo cổ được phát hiện đều có số phận tương tự như vậy. Có khu thì bị người dân đào bới tìm cổ vật, khu thì chịu sự thờ ơ, bỏ mặc của chính quyền địa phương. Và chính sự vô tâm với cội nguồn đã khiến cho những khu di chỉ bị xâm phạm nghiêm trọng.

Khu di chỉ Đồng Trương thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn trong đợt khai quật lần thứ 1 năm 2004 đã phát hiện được rất nhiều hiện vật, công cụ ghè đẽo như rìu tay, hòn cuội, rìu mài nhẵn... và một số di cốt của người xưa. Đồng Trương được đánh giá là nơi lưu trữ nhiều mộ táng của người tiền sử, là minh chứng cho giai đoạn tiền sử của nền văn hóa Hòa Bình tồn tại trước đó và đã trở thành 1 trong 10 sự kiện văn hóa năm 2004. Thế nhưng, sau đợt khai quật lần 1, khu di chỉ này đã nghiễm nhiên bị người dân biến thành chỗ chăn thả trâu bò và chịu sự bỏ mặc của chính quyền huyện Anh Sơn.

"Đói" kinh phí hay thiếu bảo vệ?

Trên địa bàn Nghệ An hiện nay đã có một số khu di chỉ khảo cổ được Bộ VH-TT công nhận và xếp hạng di tích. Tuy nhiên, số di chỉ khảo cổ còn lại nằm chờ để được xếp hạng thành di tích thì bị chính quyền và người dân không coi trọng về mặt giá trị, hay nói cách khác di chỉ ấy gần như được xem là vô nghĩa, thiếu sự quan tâm. Theo chính quyền và người dân một số địa phương, sở dĩ họ không “coi trọng” những di sản chính là vì các di chỉ trên chưa được công nhận, xếp hạng di tích nên hành lang pháp lý để bảo vệ các khu di chỉ này có phần hạn chế.

Như tại khu di chỉ Cồn Điệp, Sở VH-TT tỉnh Nghệ An và Phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần đề nghị Bộ VH-TT xét xếp hạng di tích cho di chỉ văn hóa này, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Nguyên nhân theo Sở VH-TT tỉnh Nghệ An thì Bộ VH-TT đang “đói” kinh phí, không biết tìm đâu ra tiền để khai quật khảo cổ. Nhưng trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp cũng cần đòi hỏi ý thức của chính quyền sở tại. Ví như, với một vùng đồng bằng như xã Quỳnh Văn để có được một ngôi chợ không nhất thiết cứ phải xây dựng lên cả khu di chỉ văn hóa.

Người dân ồ ạt kéo đến khu di chỉ Làng Vạc đào cổ vật.

Còn đối với khu di chỉ Làng Vạc, nhiều người dân kéo đến để đào bới cổ vật thì có cách nhìn thiển cận: “Tốt hơn hết nếu Nhà nước không có đủ tiềm lực đứng ra tổ chức khai quật được thì nên để cho dân đào rồi Nhà nước giám định mua lại số cổ vật đó. Còn không thì dân vẫn lén lút tiếp tục đào bới”. Riêng khu di chỉ khảo cổ Đồng Trương sau đợt khai quật lần 1, huyện Anh Sơn đã không quan tâm đầy đủ. Đến khi báo chí lên tiếng thì chính quyền địa phương mới dựng bảng nghiêm cấm trâu bò, làm hàng rào bảo vệ xung quanh...

Làm gì để bảo vệ các khu di chỉ khảo cổ? Ông Đoàn Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản thuộc Sở VH-TT tỉnh Nghệ An trăn trở: “Từ thực trạng các khu di chỉ bị xâm phạm nghiêm trọng đang đặt ra cho các cấp, ngành liên quan ở tỉnh Nghệ An cần sớm tìm ra biện pháp tối ưu để bảo vệ. Hiện nay, các khu di chỉ khảo cổ chưa được bảo vệ nghiêm ngặt bởi một phần sự nhận thức của chính quyền địa phương và người dân còn hạn chế.

Vì vậy, để bảo vệ nguyên hiện trạng những khu di chỉ khảo cổ đã tiến hành khai quật thì biện pháp có tính chiến lược là tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân nhằm nâng cao ý thức bảo tồn về giá trị văn hóa dân tộc. Ngoài ra, các ban ngành có liên quan nhanh chóng phối hợp soạn thảo hồ sơ đệ trình lên Bộ VH-TT xem xét, công  nhận những khu di chỉ là di tích quốc gia  thì hy vọng mới có thể bảo vệ được những khu di chỉ khảo cổ trước đại dịch bị “tùng xẻo"

Ngọc Bình
.
.
.