Nghệ An: Bát nháo trung tâm tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh

Thứ Sáu, 22/07/2011, 11:37
Những ngày này, cả nước đang hướng về các liệt sĩ, thân nhân các liệt sĩ bằng những tình cảm chân thành, những hành động thiết thực. Đạo lý uống nước nhớ nguồn như dòng chảy nhân văn của dân tộc không ngừng nghỉ.

Tại Nghệ An, hiện đang xuất hiện hàng chục điểm tự xưng là "trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ", ở các nơi đó đang có hàng ngàn thân nhân của các liệt sĩ đến đăng ký, làm lễ. Việc các trung tâm có tìm được liệt sĩ hay không đến nay chưa có một cơ quan khoa học nào kiểm chứng, tất cả vẫn chỉ mới qua lời kể chuyền tai nhau.

Sau nhiều ngày tìm hiểu ở các trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ, cũng như làm việc với các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương, chúng tôi nhận thấy: Rất nhiều hệ lụy mà thân nhân hàng trăm gia đình liệt sĩ đang mắc phải. Còn chính quyền địa phương vẫn lúng túng trong cách giải quyết.

Thực trạng đáng báo động

Khoảng 2 tháng nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hàng chục điểm tự xưng là "Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ" (trung tâm) đã được dựng lên. Riêng tại huyện Nam Đàn có 5 trung tâm, huyện Hưng Nguyên có 3, Yên Thành 2, Diễn Châu 1…

Tất cả các trung tâm đều khẳng định có khả năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh. Trung tâm đầu tiên xuất hiện ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn do chị Phan Thị Hạnh (31 tuổi) làm chủ. Để tìm kiếm liệt sĩ, thân nhân các liệt sĩ cử ra 4-5 người thân, sau đó đưa bằng "Tổ quốc ghi công" và lễ vật đến trung tâm lập bàn thờ và được chủ trung tâm làm lễ cầu hồn liệt sĩ.

Khi làm lễ thân nhân các liệt sĩ ngồi thiền trước bàn thờ và chờ đợi liệt sĩ (vong) nhập vào người thân và chỉ nơi liệt sĩ đang yên nghỉ. Thời gian chờ đợi để "vong" nhập 3-5 ngày, thậm chí có gia đình ngồi cả tháng trời. Khi "vong" liệt sĩ nhập vào người thân, người đó có biểu hiện vật vã, khóc lóc, nhắm mắt, sau đó ngã xuống và xưng là liệt sĩ.

Sau đó người được "vong" nhập sẽ trả lời các câu hỏi của thân nhân và chỉ đường tìm kiếm hài cốt. Theo báo cáo của các trung tâm với cơ quan chức năng, bằng cách làm lễ nhập "vong" họ đã tìm được cả ngàn liệt sĩ(?!). Song đến nay chưa một cơ quan chức năng nào ở Nghệ An vào cuộc tìm hiểu có đúng là các trung tâm tìm được đúng liệt sĩ hay không?

Bên cạnh đó, thân nhân các gia đình liệt sĩ được trung tâm cho người đưa đi bốc hài cốt cũng chưa thể khẳng định họ đã bốc được đúng hài cốt của liệt sĩ mà họ cần tìm, bởi khi bốc không hề có hồ sơ, không xét nghiệm ADN. Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An khẳng định: "Đa số những gia đình được "vong" liệt sĩ chỉ bốc ngoài các nghĩa trang không còn hài cốt mà chỉ có đất đen hoặc xương đã vụn lẫn đất; bốc những mộ liệt sĩ vô danh trong các nghĩa trang thì có hài cốt".

Làm việc với ông Nguyễn Thanh Phùng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: "Sau khi rộ lên các trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ trên địa bàn, Sở đã cho kiểm tra và báo cáo tình hình với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo tỉnh.

Đến nay về mặt quản lý Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về việc quản lý các trung tâm nói trên. Sở chỉ quản lý về các phần mộ, giao cho các quản trang, địa phương khi nào thân nhân liệt sĩ có đủ hồ sơ liệt sĩ mới được đưa vào nghĩa trang, hoặc cho cất bốc".

Những hệ lụy đối với thân nhân liệt sĩ

Ngày 20/7, chúng tôi có mặt ở trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn do chị Nguyễn Thị Phương Mai giao cho anh rể là Trần Văn Vinh chủ trì mở tại nhà Trần Xuân Hanh (em anh Vinh). Tại đây chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm thân nhân liệt sĩ đang ngồi la liệt, cầu nguyện làm lễ để tìm mộ người thân.

Được biết, chị Mai hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Tiến. Theo chị Mai, trước đó chị đã đến một trung tâm để tìm kiếm mộ cha mình là liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ. Sau khi tìm được mộ cha, chị Mai có "khả năng" và được cha mình "yêu cầu" mở thêm trung tâm để tìm kiếm liệt sĩ. Do đang bận dạy học nên chị ủy quyền cho anh rể, còn chị chỉ đạo hoạt động của trung tâm qua điện thoại(?!).

Khi thấy một số người nằm giãy chân, giãy tay, mắt nhắm nghiền, miệng thều thào, chúng tôi hỏi thì được chị Mai giải thích: đó là những người đã được "vong" nhập đang nói chuyện. Rồi chị Mai quả quyết; chị phải đi huyện Thanh Chương để mở thêm trung tâm vì các liệt sĩ đang yêu cầu…(?).

Rời các trung tâm, chúng tôi đã làm việc với Thượng tá Lê Khắc Thuyết - Trưởng Công an huyện Nam Đàn. Thượng tá Thuyết quả quyết: Tất cả đều mang tính chất thương mại, Công an huyện đã làm văn bản gửi lãnh đạo huyện chờ chỉ đạo để giải quyết.

Sau nhiều ngày nắm tình hình, Thượng tá Lê Khắc Thuyết cho biết thêm, việc kiểm chứng các trung tâm tìm được mộ liệt sĩ hay không thì cơ quan chức năng chuyên ngành chưa trả lời, còn những hệ lụy mà thân nhân các liệt sĩ khi đến trung tâm mắc phải đã thấy rõ, chẳng hạn: Tại các trung tâm, chủ các trung tâm đặt hòm công đức để quyên tiền của các thân nhân liệt sĩ, có những gia đình đóng góp hàng chục triệu đồng.

Khi thiết lập bàn thờ liệt sĩ ở trung tâm, thân nhân các liệt sĩ phải đóng tiền bàn ngồi chờ vong nhập 15 ngàn đồng mỗi người trong một ngày, trong lúc có gia đình phải chờ hàng tháng trời. Khi đi tìm mộ liệt sĩ, trung tâm lại gợi ý các gia đình thuê xe của trung tâm với giá tiền 2,4 triệu một ngày, cao gấp 3-4 lần thuê xe taxi, trong lúc đó xăng, dầu gia đình thân nhân liệt sĩ phải trả, bên cạnh đó, mỗi chuyến đi trung tâm đều cử người của trung tâm đi theo và phải chi trả 200 ngàn đồng/người/ngày.

Cũng theo Thượng tá Lê Khắc Thiết, nhiều gia đình sau khi đi tìm mộ liệt sĩ tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng không có kết quả đã sinh ra mất đoàn kết, chưa kể rất nhiều người sau khi đến các trung tâm về có biểu hiện thần kinh không bình thường đã phải đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị.

Nhu cầu tâm linh cộng với lòng thiết tha mong mỏi tìm được hài cốt người thân của thân nhân các liệt sĩ là nguyện vọng hết sức chính đáng. Song để nguyện vọng đó được đáp đền lại một cách chính đáng, khoa học, thân nhân các liệt sĩ không rơi vào vòng luẩn quẩn "bán tín bán nghi" tốn kém tiền bạc, sức khỏe, rất cần sự vào cuộc sớm của chính quyền tại địa phương

Dương Sông Lam
.
.
.