Nghệ An : Chảy máu cổ vật từ bộ rà siêu sóng

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:00
Bộ rà siêu sóng trước đây chỉ có bộ đội công binh (rà phá bom mìn) mới được sử dụng, nhưng hiện nay có nhiều người dân ở các địa phương sắm bộ rà siêu sóng để hành nghề rà phế liệu. Tuy nhiên, từ rà phế liệu, nó đã biến dạng chuyển sang như tìm bom, đào mả, săn cổ vật.

Nghề này kiếm được đồng tiền rất khó khăn và nguy hiểm nhưng nếu may mắn gặp vật báu thì đổi đời trong chốc lát. Chính vì vậy mà nhiều người dân bỏ ruộng nương lao vào nghề này bất chấp cả tử thần…

Tìm phế liệu

Chúng tôi theo nhóm 4 người đang dùng bộ rà siêu sóng "tác nghiệp" dưới chân lèn Hội Lĩnh, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thành, 30 tuổi, quê ở Diễn Bích, Diễn Châu nhanh nhảu: "Bộ rà này chỉ triệu rưỡi bạc thôi, tui mua ở Cầu Bùng (Nghệ An), hàng lậu Trung Quốc, có 4 hòn pin, cần bên trong có kích điện và bộ cảm ứng siêu sóng nối với chảo bắt kim loại. Thế này nhé: Bật công tắc rà, nó kêu rè rè nhưng khi gặp kim loại thì nó tắt đột ngột và kêu tót tót, đèn đỏ nháy liên tục. Thế là đào. Nếu gặp kim loại lớn, nó "tót" mạnh hơn. Người có kinh nghiệm có thể dựa vào tiếng kêu mà biết là đã gặp nhôm hay vàng. Đây chỉ là loại rà bình thường, bắt được kim loại ở độ sâu 4-5m, loại đắt tiền rà được độ sâu 10-15m".

Trước đây, Thành làm nghề biển nhưng đã bỏ sau khi học được nghề rà phế liệu. Làm nghề mới, bữa đực bữa cái, ngày bình thường cũng được độ 30.000-40.000 đồng, cũng có hôm không đủ tiền xăng. Đã có lần Thành trúng cả một xác máy bay, bán được 4 triệu đồng.

Thành cho biết, đã 2 lần dò được bom tấn nhưng không dám liều, phải bán lại cho những tay rà khác ở Tân Kỳ và Hà Nam với giá 300.000 đồng/quả. Một lần khác, Thành đào phải quả lựu đạn, lúc đó chỉ nghe một tiếng nổ lớn rồi không biết gì nữa, tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Thành may mắn chỉ bị một miếng vào hông, còn cậu em trai đi cùng bị hỏng một mắt và gãy tay. "Bỏ nghề này tui biết làm gì mà sống? Tuy chưa đào được vàng hay cổ vật nhưng biết đâu hôm nào đó tui gặp vận đỏ?", Thành tâm sự.

"Mần thịt" bom

Thế gian nhiều nghề nhưng cái nghề rà bom và "thịt" bom là ớn nhất bởi sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn lao vào vì tiền. Ông Minh, người ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có biệt tài "thịt" bom nên giới rà phế liệu phong cho danh hiệu "vua bom". 60 tuổi nhưng ông còn "trai tráng" lắm, cầm cả bát rượu uống một hơi hết veo, cười khà khà: "Trước đây tôi ở bộ đội công binh, đã từng khóa "mồ" và cho nổ hàng trăm quả bom mìn. Nay nhờ mua được bộ rà siêu sóng cộng với kinh nghiệm thời chiến nên cũng kiếm được chút ít cho con cái học hành". Ông Minh có tới 6 người con, gia đình làm nghề trồng mía chẳng ăn thua nên ông bỏ nhà đi "thịt" bom. Tính sơ sơ trong 3 năm trở lại đây, ông đã "thịt" được gần 3 chục quả bom các loại: "Nếu gặp bom tấn thì "ăn dày", vỏ bán được 2 triệu, thuốc nổ được 3 triệu".

Theo kinh nghiệm của ông Minh, khi phát hiện bom, phải vừa đào vừa cắt que tre nhỏ ngoáy xuống xem chỗ nào là ở giữa, cứ nhằm giữa mà đào là không việc gì, sau đó xác định đuôi bom để tháo hoặc khóa mồ lại mà lấy thuốc ra. Trước đây, nhiều người không biết đã dùng cưa nên dễ chết, còn ông Minh có cách hút thuốc ra mà không cần cưa. Nghề giỡn mặt tử thần, cuốc, đào đúng bom bi, mìn, lựu đan coi như tiêu luôn, tháo bom không cẩn thận, vòng chong chóng kim quay trở lại khoảng 15 độ coi như thành tro bụi. Ngán nhất là bom từ trường vì loại bom này gặp kim loại, thậm chí người nào điện trở cao tiếp cận cũng nổ ngay.

Trước đây, chỉ có ông Minh mới dám "thịt" bom, nay thấy “dễ ăn” nên nhiều người cũng mạo hiểm, vì thế, ông Minh "nhàn rỗi" hơn. Hơn nữa, có nhiều người rà quá, bom lớn cũng hết, chỉ có bom bi, lựu đạn là chủ yếu. "Đói quá hóa liều thôi, đồng nghiệp của tui có ba người chuyển hộ khẩu về… âm phủ vì đụng phải bom bi. Tui nhờ trời vẫn bình an nhưng nhiều lúc cũng thấy thật ớn" - ông Minh cho biết.

Săn báu vật

Lâm, một tay săn cổ vật nổi tiếng quê ở Anh Sơn (Nghệ An). Nhóm của Lâm có hơn chục người chuyên tổ chức những chuyến đi dài ngày sang tận Lào để săn tìm vận may. Mang tiếng là rà phế liệu nhưng nhóm Lâm chưa bao giờ mang phế liệu về bán mà mục đích là đi tìm báu vật trong lòng đất. Trong vai những người đi mua đồ cổ, chúng tôi gặp Lâm. Anh ta mang ra một chiếc lư hương bằng đồng. Chúng tôi cầm lên vờ gõ gõ rồi phán: "Đây không phải đồ cổ". Lâm nhếch mép: "Nó thuộc đời Lý đó. Tui kiếm được ở gần đền thờ Lý Nhật Quang, con vua Lý Thái Tổ". Chúng tôi suýt phì cười, nhưng cũng cố nín để "moi" thông tin. Lâm cho biết: Tiền cổ thì nhiều vô số, trong đó có 5 bao tải Lâm kiếm được ở bản Khe Kiền, huyện Tương Dương.

Lâm kể: ở Hà Nam có nhóm Nguyên làm ăn "phát" lắm. Nhóm này làm liên tỉnh, cách đây ba tháng đào được 2 trống đồng, một tượng Phật bằng đồng đen, rất nhiều mỏ vàng, mỏ quặng ở các địa phương do nhóm này phát hiện ra. Hiện nay, họ đã phát hiện ra mỏ vàng ở Quỳ Châu (Nghệ An), đang ngấm ngầm khai thác. Ngoài ra, còn có nhóm Cường (Hà Tĩnh) năm ngoái cũng phát hiện ra 3kg vàng bên dòng Nậm Nơm (Tương Dương). Lâm cho biết: Làm nghề săn báu vật như nhóm Lâm, ngoài việc dính bom mìn ra, chuyện đụng phải bọn tội phạm ở biên giới Lào là bình thường. Nói rồi Lâm vén áo cho tôi xem vết sẹo to tướng ở bụng là dấu tích của một lần dính đạn của chúng.

Báo động tình trạng chảy máu cổ vật

Với tình trạng dùng rà siêu sóng để tìm kiếm như hiện nay thì nhiều cổ vật sẽ bị đào bới và bị bán như trường hợp ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc vừa qua, những người rà siêu sóng đã phát hiện và cuỗm đi nhiều cổ vật có giá trị như trống đồng, dao rựa bằng đồng thời Đông Sơn. Ở Nghệ An, một số địa phương như Tương Dương, Đô Lương, Nghĩa Đàn cũng có nhiều cổ vật bị đào bới. Điển hình như ở làng Vạc, Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn có một khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong nền văn hóa Đông Sơn, đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng và xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Nhưng vừa qua, một số người rà siêu sóng đã phát hiện nơi đây có nhiều cổ vật bằng đồng và tiến hành đào bới. Theo tin đồn, họ đào được nhiều tượng cổ bằng đồng bán được hàng trăm triệu đồng, thế là dân làng và dân tứ xứ nườm nượp kéo đến, có ngày cao điểm lên tới 600-700 người. Họ thi nhau "tùng xẻo" khu di chỉ khảo cổ này tan hoang. Và đau xót thay nhiều ngôi mộ cổ bị những kẻ đào bới bất chấp cả đạo lý…

Rà và đào bới cổ vật bằng bộ rà siêu sóng là một nghề cực kỳ nguy hiểm, thường xuyên đối mặt với tử thần bởi trong lòng đất còn nhiều bom mìn từ thời chiến tranh nằm rải rác khắp mọi nơi. Và một điều cần nói nữa là cổ vật trong lòng đất, những giá trị văn hóa vô giá, những tài nguyên quốc gia đang bị mất dần bởi những người hành nghề này. Nhưng bao giờ mới được ngăn chặn?

Tiến Dũng - Lệ Thúy
.
.
.