Ngày hè của trẻ em Sa Pa

Thứ Hai, 17/08/2009, 08:23

Những ngày hè, những em nhỏ lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui chơi để sau đó, khi mùa tựu trường đến, chúng sẽ tung tăng cắp sách đi học. Trẻ em ở Sa Pa không như vậy, bất kể mùa nào chúng cũng say sưa với những cuộc mưu sinh, kiếm tiền. Và ngay cả khi mùa tựu trường đến, chúng cũng chẳng tha thiết gì với chuyện học hành.

Những đứa trẻ chỉ nghĩ đến chuyện mưu sinh.

Đến Sa Pa, bất kể du khách nào cũng bắt gặp những đứa trẻ kiếm tiền bằng cách tham gia vào hoạt động bán hàng cho khách du lịch. Những em bé gái lon ton nhem nhuốc ôm đồ thổ cẩm, vòng, đồ lưu niệm chạy theo các đoàn khách du lịch cả trong nước và nước ngoài. Nhiều đứa cả buổi chỉ bám theo một đoàn khách và lúc nào cũng giơ những món đồ của mình lên để mong được du khách chú ý và mua.

Một anh bạn của tôi đến Sa Pa, khi về xuôi đã nói rằng trẻ em ở đây lẽo đẽo bám theo người khách dai dẳng như… đỉa đói. Nay trở lại Sa Pa, tôi thấy mỗi ngày, những đứa trẻ ở đây lại hám kiếm tiền thêm một ít, bám du khách nhiều thêm một ít với mức độ "trơ lì" ngày càng tăng. Vào các bản làng, ra chợ, đi đường… đâu đâu cũng thấy những đứa trẻ bán hàng rong. Nhiều em tụ tập thành nhóm và đứng "chào hàng" ở các cổng chợ, các tụ điểm du lịch hay những nơi có người qua lại với khuôn mặt nhễ nhại. Một số em nam khác có sức khỏe thì nhập vào đội ngũ vác đồ thuê cho khách đến các bản làng xa xôi. Nhiều người cho rằng, trẻ em ở Sa Pa thích kiếm tiền hơn đi học. Những ngày đi học, có đứa chịu khó vừa đi học vừa bán hàng, còn phần nhiều là bỏ học đi bán.

Bởi vì, theo tập tục người Dao, người Mông: Ai kiếm được tiền người ấy giữ. Trẻ con kiếm tiền trẻ con giữ. Điều đó vô tình kích thích ham muốn kiếm tiền tiêu riêng của trẻ.

Trẻ em Sa Pa mưu sinh.

Khi hỏi chuyện anh Lò Văn Pao, một người dân ở Sa Pa rằng, nếu có tiền thì các em tiêu vào việc gì? Anh Pao cho biết: "Chúng nó rủ nhau ra ngoài chợ ăn và uống rượu thôi, chả làm gì. Con trai thì bù khú. Con gái thì mua váy mới, đồ trang sức, mua những đồ đẹp người Kinh mang lên bán thôi"

Nếu du khách đến với chợ Tình Sa Pa, thì chợ Tình giờ là chốn tụ tập ăn uống và mua sắm, bị phai nhạt hết cái vẻ của chợ Tình ngày xưa. Người ta quen với hình ảnh những đứa trẻ ngồi uống rượu và hút thuốc lá. Những em gái nhỏ người Dao, Mông mặc quần bò, mặc váy bò đi chợ rồi rổn rảng nói cười. Và những em gái đó sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình cần phải học thêm cái chữ để làm gì, chỉ cần biết ít tiếng Anh bồi là có thể kiếm được tiền. Có tiền rồi thì thỏa thích mua sắm, và đợi chờ ngày cưới chồng. Được biết, chuyện giữ tiền để dành cho ngày cưới cũng thường thấy ở những em gái. Bởi ở đây các em xây dựng gia đình khá sớm. Có vốn liếng, về nhà chồng, cuộc sống cũng đỡ vất vả.

Tôi phải khẳng định rằng, luồng văn hóa người Kinh đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các dân tộc vùng Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung. Họ đến đây làm ăn, buôn bán, thương mại hóa tất cả, làm ảnh hưởng đến lối sống của người dân bản địa, nhất là những đứa trẻ, thành ra trong đầu bọn trẻ lúc nào cũng mang tư tưởng là kiếm tiền. Cái gì kiếm được tiền là thu hút chúng.

Trẻ em ở Sa Pa giờ đứa nào cũng khôn khéo. Chúng kiếm tiền bằng nhiều cách và mỗi đứa đều có mánh khóe riêng. Nếu muốn được nghe chúng múa, thổi khèn hay đứng để chụp ảnh thì phải mất tiền. Có những cô gái xinh xắn, chỉ dựa vào vóc dáng của mình mà kiếm được tiền, vì du khách muốn chụp phải chi. Một số em khác có vốn tiếng anh khá, có thể đi làm "gai" (hướng dẫn viên) để kiếm tiền, hoặc có những em cả ngày chẳng bán được một loại hàng nào thì thường chán nản, đi mang vác hành lý thuê cho du khách nước ngoài. Cuộc sống mưu sinh của các em cũng ba bảy đường, và chẳng bao giờ thiếu vắng sự vất vả, may rủi.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Từng có thời gian làm hướng dẫn viên ở Sa Pa, tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh những em bé dân tộc 13-14 tuổi dẫn đầu đoàn du khách nước ngoài đi thăm quan. Nhiều nhóm trẻ em cả trai cả gái đứng chào hàng với du khách nước ngoài như những người hiểu biết về ngôn ngữ của họ. Các em nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, nhưng chẳng qua đó là thứ tiếng bồi do sớm tiếp xúc liên tục với khách nước ngoài mà học mót được. Một số các em được học miễn phí do người nước ngoài về mở ở bản. Một số em lấy được lòng tin của du khách về sự nhanh nhẹn, thông minh của mình nên được họ nhờ làm hướng dẫn luôn. Hầu hết các em đều bỏ học giữa chừng và số em khác chưa một lần đến trường.

Lăn lộn kiếm sống quá sớm, tôi không hiểu tương lai của một thế hệ sẽ ra sao với vốn ngoại ngữ bồi và cái đầu trống rỗng. Các em sẽ lại lao đi kiếm tiền, rồi đi uống rượu, đi mua sắm, rồi đủ điều kiện tuổi tác thì xây dựng gia đình và lại quay về với cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, lại sinh ra những đứa trẻ đi bán hàng rong, nhếch nhác. Khi nói chuyện với một số người bạn, họ bảo rằng: "Ừ thì cứ cho là những đứa trẻ ở Sa Pa sẽ cố gắng học đến hết phổ thông trung học đi, thì chúng cũng khó mà có điều kiện đi thi đại học, hoặc để đi học. Các thầy cô giáo cứ vận động chúng đi học đầy đủ đi, cho đến một cái tuổi nào đó chẳng thể vận động được chúng nữa. Thì thời gian học hành vất vả trước đây cũng chẳng có ý nghĩa gì". Tôi nghĩ cũng phải, vấn đề còn nan giải, cần các cấp các ngành ở tỉnh Lào Cai nghĩ đến chuyện này.

Khi đang miên man nghĩ về những đứa trẻ ở trước cửa nhà thờ Sa Pa thì có hai đứa trẻ, cõng theo sau hai đứa nhỏ chừng 1 tuổi đang ngủ gà ngủ gật. Chúng đon đả: "Chú ơi, cháu tặng chú cái vòng đi". Nói thế rồi một đứa vít tay tôi xuống, đứa còn lại đeo vào tay tôi một cái vòng mạ bạc của Trung Quốc. Tôi nói cảm ơn và định quay bước thì chúng hỏi đến tiền. Lúc này, trả lại vòng chúng cũng không lấy và chỉ đồng ý nhận 5 nghìn đồng. Hóa ra, đây là cách bán hàng của bọn trẻ. Hỏi chuyện, hai đứa trẻ cõng theo em nói rằng, chúng ở cùng một bản, rủ nhau đi bán hàng kiếm tiền, vì các bạn trong bản cũng đi hết. Hỏi chuyện học, chúng lắc đầu, cứ như chúng chưa từng nghe đến cái chữ "học". Lát sau một đứa nói: "Đi học mất tiền, đi bán hàng không mất mà còn được". Nói xong chúng biến mất.

Tôi ngậm ngùi bước và đưa chiếc vòng lên xem. Một chiếc vòng còn thô mộc và kém thẩm mỹ. Chứng tỏ nó được làm bởi đôi bàn tay kém khéo léo. Hầu hết hàng hóa đơn giản của người dân vùng này khá thô mộc, như vậy rất khó bán và chỉ có thể bán được với hình thức "ép" như vậy.

Lúc trời về đêm, cũng là lúc những đứa trẻ ở xa không kịp về nhà nhốn nháo tìm chỗ ngủ. Đó là những lề đường, dưới bậc thang hoặc bất cứ chỗ nào ngoài chợ có thể ngủ được, để ngày hôm sau lại tiếp tục công việc mưu sinh và kiếm tiền.

Viết ra những dòng này, tôi tự hỏi bài báo sẽ giúp được gì những đứa trẻ. Tôi không biết và cũng chẳng có ai trả lời một cách xác thực, nhưng tôi nghĩ rằng, tất cả những ai từng đến với Sa Pa, biết được những cuộc mưu sinh của trẻ em mùa hè đều không thể làm ngơ. Chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Chúng có thể là một phần của "thế giới ngày mai" được không?

Đinh Vân
.
.
.