Về trường hợp chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú ở Sông Công, Thái Nguyên:

Ngành Y tế cần sớm có kết luận chính thức

Thứ Sáu, 16/07/2010, 08:28
LTS: Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông như một số báo và Đài Truyền hình Việt Nam liên tiếp đưa tin về trường hợp bà Phạm Thị Phú, ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên dùng chân "giẫm đạp" lên người bệnh. Hầu hết báo chí đều cho rằng, việc chữa bệnh của bà Phú là thiếu cơ sở khoa học và đề nghị ngành Y tế sớm đưa ra kết luận.

>>Xung quanh việc chữa bách bệnh bằng nước lã và giẫm, đạp của bà Phạm Thị Phú

Mới đây, Báo CAND nhận được ý kiến của một số người cho rằng bà Phú có khả năng chữa được bệnh, trong đó có nhà văn Lê Lựu. Để tôn trọng thông tin hai chiều, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của nhà văn Lê Lựu cùng bạn đọc.

Mấy năm nay sức khỏe của tôi suy sụp như báo chí đã đưa tin, tôi đã đi nhiều nơi để chữa bệnh nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Có rất nhiều người giới thiệu tôi đến chỗ cô Phạm Thị Phú chữa bệnh như: Thiếu tướng Chu Phác, lương y Nguyễn Đình Trứ… nhưng phần vì bận việc, phần vì tôi cũng không thực sự tin lắm nên không đi. Mãi gần đây (tháng 4/2010), tôi gặp lại nghệ sỹ Duy Hậu (người đóng vai ông Đại trong phim "Sóng ở đáy sông" của tôi).

Anh Duy Hậu bảo: "Anh lên ngay chỗ cô Phú ở Sông Công chữa bệnh, em đã chữa ở đó 8 tháng, bệnh sắp khỏi hoàn toàn và tăng được 10kg". Nhìn nước da hồng hào và cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn của Hậu, khác hẳn so với 8 tháng trước tôi gặp ở trước cửa Nhà xuất bản Văn học, anh gầy gò, da xám xịt, một bên thận bị hỏng hoàn toàn, một bên thận còn lại cũng có nguy cơ hỏng. Thấy người thực tế ngay trước mặt mình, tôi liền theo anh lên cô Phú với hy vọng chữa được bệnh.

Buổi đầu tiên tôi hơi thất vọng, bởi thấy cô toàn dùng chân giẫm và đạp, đứng lên người bệnh như chuyện đùa. Nhưng cũng thật lạ lùng là nhiều người tôi đã chứng kiến đã khỏi bệnh, đó là những người bị cấm khẩu, điếc, vô sinh, chất độc da cam, đặc biệt là những bệnh nhân bị điên, ung thư đã bị bệnh viện trả về… chính bản thân tôi đã tìm hiểu và ngồi nói chuyện với những bệnh nhân ấy nên mới yên tâm chữa tiếp.

Như nhiều người biết, tôi bị chảy máu não 3 lần, liệt nửa người, nói ngọng, bên cạnh đó là vô khối bệnh như: Tiểu đường (đã hơn chục năm), bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tiền liệt tuyến, gút, dạ dày, phổi, thận… (đó mới chỉ là những bệnh có trong bệnh án của Bệnh viện 108).

Hôm đầu tiên lên chỗ cô Phạm Thị Phú, tôi ở trong tình trạng phải có hai người dìu, mất ngủ triền miên, các ngón chân bị lở loét do tiểu đường biến chứng. Sau mấy lần tác động bằng tay và chân của cô Phú, tôi thấy nhẹ hẳn người, điều vui mừng nhất là tôi đã ngủ được, chân hết lở loét và tự đi lại một mình không cần ai dìu được một đoạn khá dài.

Trong thời gian chữa bệnh ở đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp đến chữa bệnh và đã khỏi, hoặc bệnh thuyên giảm rõ rệt như: Bệnh nhân Nguyễn Thị Nguyệt, ở Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, bị câm, sau một thời gian được cô Phú chữa bệnh đã khỏi hoàn toàn và nói như chưa hề bị bệnh. Hay trường hợp của cô Lương Thị Nga, ở P1306, CT2B, Mỹ Đình 2 - Từ Liêm - Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi - Ba Đình.

Cô Nga bị ung thư vú đã bị các bệnh viện trả về và kết luận chỉ sống được vài tháng nữa. Trong lúc tuyệt vọng, cô Nga đã tìm lên cô Phạm Thị Phú, đến nay đã 4 năm (cô Nga bị bệnh từ năm 2006), cô ngày càng khỏe mạnh và kết quả siêu âm khiến các bệnh viện phải hết sức ngạc nhiên.

Rồi đến bệnh nhân bị điên là anh Hoàng Mạnh Khôi, ở 36 Hàng Cân, đang là sinh viên năm thứ 2, Đại học Bách khoa Hà Nội, bị bệnh tâm thần hay đi lang thang ngoài đường, vệ sinh bừa bãi ra đường hoặc công viên, vườn hoa, đặc biệt là rất hay đánh bố, sau 100 ngày được cô Phạm Thị Phú "giẫm đạp" lên người đã có những chuyển biến tích cực, không còn đánh bố đẻ và đi vệ sinh bừa bãi.

Còn nhiều trường hợp khác đã khỏi bệnh tôi đã chứng kiến, mà với tôi là một nhân chứng cụ thể. Sức khỏe của tôi khá hơn rất nhiều kể từ khi được cô Phạm Thị Phú chữa bệnh, ai gặp tôi cũng phải ngạc nhiên. Theo nhận xét của tôi, khả năng chữa bệnh đặc biệt của cô Phạm Thị Phú, cũng giống như khả năng đặc biệt của một số nhà ngoại cảm mà khoa học chưa thể giải thích được.

Với những nhân chứng cụ thể và có thật như thế, tôi hy vọng rằng, Bộ Y tế và cơ quan chức năng nên thành lập một hội đồng khoa học để nghiên cứu và tìm ra câu trả lời thích đáng. Chừng nào chưa nghiên cứu kết luận được thì cần phải tổ chức sao để đừng làm mất đi cơ hội chữa bệnh của nhiều người, đặc biệt là những người nghèo bệnh nặng. Mặt khác, ngành Y tế, chính quyền địa phương cần có biện pháp cụ thể để theo dõi quản lý, không để phát sinh những vấn đề phức tạp về nhiều mặt

Nhà văn Lê Lựu
.
.
.