Nếp sống văn minh đô thị: Tăng mức phạt hay tăng giáo dục ý thức mỗi người?

Thứ Năm, 17/04/2008, 14:52
Khi cuộc sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần đầy đủ người ta mới ngộ ra một điều là: ngoài cuộc sống tiện nghi về vật chất còn nhiều thứ khác quan trọng hơn, đó là môi trường sống trong lành, và thái độ ứng xử thân thiện giữa con người với con người (đó là chất lượng sống).

Thật đáng buồn khi đến bây giờ những người lớn ở ngay thành phố chúng ta mới được nhắc nhở lại những điều tưởng chừng rất nhỏ và đối tượng là người lớn lẽ ra phải thuộc lòng từ nhỏ...

Bởi những tấm banner đại loại như: không khạc nhổ trên đường phố; hãy bỏ rác vào thùng; hãy kiềm chế và lịch sự khi có sự va chạm trên đường... hay lời kêu gọi cụ thể như: hãy giúp đỡ phụ nữ mang thai, người già, người khuyết tật và trẻ em... tuy những thông điệp trên không mới, nhưng chưa trở thành thói quen trong nếp sống của nhiều người thành phố.

Để văn minh đô thị (VMĐT) thực sự đi vào cuộc sống thì ngoài việc tuyên truyền cũng như phạt nặng những người vi phạm, nên chọn một biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa phương để thực hiện.

Chẳng hạn ở khu vực kênh rạch thì không xả rác, nước thải xuống kênh, không cơi nới lấn chiếm dòng chảy; kinh doanh thì không lấn chiếm lòng lề đường... kêu gọi mọi người vì cái chung của cộng đồng, nhất là các cơ quan chức năng, vì hiện nay có nhiều địa phương không dám phạt vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu của phường...

Từ sự ràng buộc, giám sát thậm chí cưỡng chế lâu dần sẽ tạo thành thói quen nếp sống rồi nhân rộng ở môi trường công sở, trường học và gia đình, đó là môi trường có sự tương tác lẫn nhau, không thể tách rời.

Trong trường, ngay từ bậc tiểu học chúng ta hãy giáo dục con em đạo đức làm người, hành vi ứng xử nhiều hơn là tuyên truyền những quy định khô cứng (hiện nay trong chương trình giáo dục của bậc trung học cơ sở một tuần chỉ có một tiết giáo dục công dân).

Để mai này, ta có quyền hy vọng vào lớp trẻ khi lớn lên sẽ có lối sống văn minh hơn, thân thiện hơn trong môi trường trong lành, bởi thói quen đã ăn sâu vào máu thịt nhờ vào việc giáo dục từ lúc còn bé.

Để không còn những hình ảnh đáng xấu hổ với bạn bè quốc tế như cảnh: các bạn trẻ xô đẩy, giành nhau các con heo đất ở đường hoa Nguyễn Huệ - TP HCM dịp Tết Mậu Tý, hay vô tư bẻ đào vác về ở Lễ hội Hoa Anh Đào (SAKURA) Nhật Bản hôm 6/4 được tổ chức tại Hà Nội.

Làm sao để mọi người hiểu rằng bảo vệ môi trường sống tốt, tức là chúng ta đang bảo vệ chính mình. Mọi người không nên chống chế: "Chỉ mình tôi văn minh thì có ích gì?".

Nếu một người ứng xử văn minh thì chí ít cũng có một người làm theo. Cứ thế ta nhân lên lâu dần sẽ có một xã hội văn minh và tốt đẹp, vì VMĐT là vấn đề của toàn xã hội nhưng không tách rời hành vi, ứng xử có văn hóa của từng cá nhân. Xã hội sẽ như thế nào nếu có những cá nhân không tuân thủ những chuẩn mực mà xã hội thừa nhận.

Rồi đây, những khẩu hiệu trên đường sẽ được gỡ bỏ, nhường chỗ cho những chiến dịch, phong trào khác. Mong rằng nó sẽ không bị lãng quên mà trở thành nếp sống được mọi người dân thành phố ứng xử thường ngày

Đình Đình
.
.
.