Cắt giảm và chấn chỉnh lại ngân hàng thương mại:

Nắn ngọn hay chỉnh gốc?

Thứ Năm, 27/10/2011, 10:39
Sự nở rộ của ngân hàng thương mại trong thời gian qua nảy sinh hàng loạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh như "đi đêm" lãi suất, huy động vốn, vấn nạn nợ xấu, thậm chí một số nhân viên ngân hàng làm ăn bất hợp pháp, sa bẫy tín dụng "đen". Tìm giải pháp chấn chỉnh, sắp xếp lại ngân hàng thương mại là nhiệm vụ không thể chậm trễ nhưng đây lại là lĩnh vực nhạy cảm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có 52 ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động và 50 chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, đưa tổng con số lên hơn 100 ngân hàng. Cùng với đó là việc thành lập và hoạt động của hàng loạt công ty tài chính, quỹ tín dụng từ Trung ương tới địa phương.

Về tài sản, tổng giá trị tài sản của các ngân hàng lên tới 175 tỷ USD, dư nợ cho vay 125 tỷ USD, tương đương 120% GDP của nền kinh tế. Đây được xem là dư nợ cho vay quá cao, trong khi các nước đều dưới 100% (Thái Lan 100%, Hàn Quốc 80%). Theo các chuyên gia tài chính, với tốc độ tăng trưởng tín dụng rất nhanh trong mấy năm qua, các ngân hàng đã tạo ra lượng cung tiền rất lớn, chạy đua lãi suất không lành mạnh và đây là nguyên nhân quan trọng đẩy lạm phát ở Việt Nam tăng cao.

Các năm trước, nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại lãi suất vừa phải để đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào bất động sản. Nay kênh đầu tư chiếm dụng nguồn vốn lớn này giảm mạnh, trong khi lãi suất tăng cao, đẩy tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng thương mại ngày càng nghiêm trọng. Nợ xấu ngất ngưởng và sự đổ bể các quỹ tín dụng "đen" là vấn đề thời sự, bất ổn về tài chính cùng những hệ lụy khác trong hoạt động ngân hàng thương mại đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh, tái cơ cấu cấp bách.

Trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch, nhiệm vụ 2011-2015 chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách này: "Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng.

Việc nở rộ ngân hàng thương mại làm tăng cùng tiền, chạy đua lãi suất là một nguyên nhân gây lạm phát cao.

Có cơ chế chính sách để những ngân hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Kiên quyết khắc phục tình trạng đôla hóa; thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ; nâng giá trị đồng Việt Nam.

Quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng và thị trường ngoại hối. Từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp".

Vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng. Về vấn đề này, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng thừa nhận, đã đến lúc phải có biện pháp đủ mạnh chấn chỉnh hoạt động các ngân hàng thương mại. Viện KSND Tối cao kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đánh giá lại hoạt động ngân hàng thương mại, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động lĩnh vực nhạy cảm này.

Tuy nhiên, sắp xếp, cơ cấu ngân hàng thương mại thế nào là chuyện không dễ bởi đụng chạm nguồn tiền gửi của người dân. Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chúng ta cần chuẩn bị rất công phu trước khi tiến hành tái cơ cấu. Trước hết phải đánh giá thực trạng để phân loại xem ngân hàng nào khỏe mạnh, ngân hàng nào yếu kém. Với các ngân hàng yếu kém, cần làm rõ yếu kém về cái gì, về công nghệ, trình độ quản lý, nhân lực hay thanh khoản, chất lượng tín dụng?

Khi đã phân tích một cách toàn diện, thấu đáo, từ đó mới xây dựng hệ thống giải pháp để xử lý. Trong trường hợp đã hỗ trợ mà ngân hàng đó vẫn không vực lên được, chúng ta mới tính tới chuyện sắp xếp lại. Ngay cả khi sắp xếp lại, cũng không cào bằng, tiến hành đại trà mà cần căn cứ thực trạng của từng ngân hàng để xem xét gọi vốn bên ngoài, Nhà nước mua lại hay cho sáp nhập, giải thể. "Tất cả các giải pháp đó phải triển khai trong một lộ trình hợp lý, đảm bảo tính hệ thống cao, vì nếu sắp xếp mà để đổ vỡ hệ thống là không được vì mục đích là làm cho hệ thống ngân hàng mạnh lên" - ông Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân thì cho rằng, tái cấu trúc là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn hệ thống. Tổng tài sản của ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay rất lớn, trong khi dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng chiếm trên 125% GDP. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề là thực chất bên trong chất lượng của chúng ra sao? Nợ xấu do các ngân hàng báo cáo là trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất 10%. Do vậy, cần những phân tích, đánh giá độc lập về chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng thương mại.

Như vậy, nếu bỏ đi một vài ngân hàng, đó là cách cắt ngọn. Còn hệ thống, bản chất các ngân hàng còn lại, cần những việc làm có tính hệ thống. Do việc hoạt động của ngân hàng liên quan trực tiếp nguồn tiền của người dân đang gửi tại đây nên sắp xếp, giải thể ngân hàng là việc nhạy cảm, bởi trong mọi tình huống, tiền gửi của người dân phải được đảm bảo an toàn.

Đã có những cảnh báo sớm

 

Trong một bài viết đăng tải năm 2008 (thời điểm nở rộ hàng loạt ngân hàng thương mại), Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, Vụ phó Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) đã nhìn nhận tình hình này như sau: "Có nên cho mở thêm ngân hàng vào lúc này (2007, 2008) hay không? Nhiều người cùng hỏi tôi như vậy và câu trả lời, giống như tôi đã thể hiện quan điểm này vào thời điểm cuối năm 2007 là: Không nên. Đặc biệt là cần ngăn cản việc các tập đoàn kinh tế công nghiệp có động thái đua nhau tìm cách xin mở ngân hàng thương mại. Thậm chí phải ghi vào luật việc nghiêm cấm các tập đoàn kinh tế công nghiệp hay thương mại thành lập và (hoặc) có sở hữu chi phối ngân hàng thương mại giống như nhiều nước trên thế giới đã làm. Nền kinh tế Việt Nam hiện không thiếu số lượng ngân hàng, mà chỉ đang thiếu những sản phẩm ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Lúc này và mãi mãi về sau, cần phải xem xét kỹ các điều kiện cần và đủ để được cấp phép thành lập ngân hàng thương mại mới sao cho thật sự minh bạch, thật sự chặt chẽ hơn vì cả xã hội luôn rất quan tâm đến vấn đề này".

 

Rõ ràng, các cảnh báo đã được đưa ra từ sớm. Đáng tiếc, chúng ta đã không kịp chấn chỉnh, để khi "chuyện đã rồi" mới tìm cách xử lý, rõ ràng vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Việc nở rộ ngân hàng thương mại làm tăng cung tiền, chạy đua lãi suất là một nguyên nhân gây lạm phát cao.

Đ.Trường
.
.
.