Nam Ô yên bình sau hơn 20 năm không tiếng pháo

Thứ Bảy, 06/02/2016, 19:48
Đã có một thời, hầu như mọi nhà ở Nam Ô đều làm pháo. Làng pháo Nam Ô vang danh cả nước cùng với Đồng Kỵ, Bình Đà. Pháo gắn liền với cuộc mưu sinh của hàng ngàn người dân tại Nam Ô, nhưng mỗi năm cũng khiến hàng chục người tàn phế, thiệt mạng.

Nhớ lại việc giữ hàng trăm kg thuốc nổ trong nhà, rồi phơi sấy, nhồi thuốc, ăn ngủ bên những “quả bom”, nhiều người dân nơi đây vẫn còn ớn lạnh bởi sự nguy hiểm của nghề “làm bạn với tử thần”…

Làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từng là làng nghề thủ công sản xuất ra các loại pháo nổ, pháo hoa đặc sắc cung ứng rộng rãi khắp từ Bắc vào Nam. Những người cao tuổi nhất hiện ở trong làng cũng không nhớ nổi công việc làm pháo này xuất phát từ khi nào. Chỉ biết rằng trước khi bị cấm, họ đã có vài thế hệ gắn bó với cái nghề đầy nguy hiểm này.

Những cụ già ở làng Nam Ô vẫn còn thảng thốt khi kể lại những vụ tai nạn do nổ thuốc pháo.

Được truyền nghề từ đời này qua đời khác, nhà nhà làm pháo, người người làm pháo, tất cả người dân Nam Ô những năm trước 1995 đã quá quen với cái cảnh sống chung với giấy màu, thuốc nổ đầy nhà. Công việc này còn thu hút thêm hàng trăm lao động từ các địa phương khác đến Nam Ô, đông nhất là vài tháng trước tết.

Nói nghề làm pháo là nghề giỡn mặt tử thần cũng không ngoa. Chỉ cần một chút sai sót hay bất cẩn, những thùng thuốc bồi, những kho pháo thành phẩm có thể nổ ngay tức khắc, trong chớp mắt cướp đi mạng sống nhiều người. Nhiều vụ tai nạn kinh khiếp, mà sau hơn 20 năm nhắc lại, những người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Có những người mới ăn sáng, cà phê, cười nói với nhau, chỉ một lát sau đã nát thịt, tan xương do thuốc bồi để làm pháo phát nổ. Có những thanh niên là con một, do nghèo khó nên cũng đến Nam Ô mưu sinh, để rồi được đưa về quê không toàn thây, trong nỗi đau uất nghẹn của người mẹ. Có những gia đình giàu lên từ nghề pháo. Rồi trong thoáng chốt, nhà đổ, người chết do nổ thuốc pháo. Đó là chưa kể không biết bao nhiêu nạn nhân chết vì pháo nổ trên xe khách trong quá trình vận chuyển, bao nhiêu trẻ em thương tật do ham giành giật pháo chưa nổ khi các gia đình đốt pháo để mừng cưới hỏi, để cúng tất niên, cúng giao thừa…Nhiều nạn nhân do thuốc pháo nổ vẫn còn sống ở Nam Ô, nhưng không ai muốn nêu tên và gợi lại nỗi đau quá lớn vẫn đeo bám thân thể tật nguyền của họ.

 Ông Nguyễn Biết (68 tuổi, từng là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã làm pháo Nam Ô) nhớ lại: “Công việc làm pháo thu nhập cũng khá lắm, nhưng cái nghề nguy hiểm cực kỳ, chết lúc nào không hay. Hồi đó mấy vụ cháy nổ do sản xuất pháo ở đây xảy ra liên miên, cứ vài ba ngày là có một vụ. Mỗi lần đang làm mà nghe tiếng pháo nổ ai cũng hoảng sợ dữ lắm, nhất định là trong làng không chết người thì cũng có cháy nhà”. Vì vậy, khi nhà nước có chủ trương cấm pháo, người dân đồng tình ủng hộ, dù trong lòng nặng trĩu. Bởi gghề làm pháo tàn khốc và cay đắng là vậy, nhưng nó cũng chính là cái nghề đem lại cuộc sống đủ đầy cho nhiều hộ gia đình, nhất là vào dịp sát Tết. Vì thế, cuối năm 2004, khi nhà nước ban hành Chỉ thị số 406 – TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, người dân Nam Ô rơi vào cảnh khốn khó, hoang mang. “Lúc đó, ngoài nghề pháo ra cả làng đâu có biết làm gì khác nữa. Chưa kể là bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào làm pháo để bán trong dịp Tết bị đổ sông đổ biển, chúng tôi dường như trắng tay. Còn nhớ Tết năm 1995, nhà tôi không còn đồng bạc nào để mua sắm Tết. Mâm cơm ngày tết chỉ có chén nước mắm, dĩa củ kiệu, không thịt mỡ, không bánh chưng”- ông Nguyễn Biết bùi ngùi kể lại.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều người đã bỏ làng tha hương cầu thực. Những người bám trụ lại thì buôn gánh bán bưng, làm đủ nghề kiếm sống qua ngày. Rồi nhà nước cho vay mỗi hộ vài chục triệu đồng với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi nghề nghiệp, một số hộ dân ở Nam Ô bắt đầu quay lại với một nghề truyền thống khác, vốn bị nghề làm pháo trước đây lấn át. Đó là nghề làm mắm cũng từng nổi tiếng trước đây.

Nhiều gia đình ở Nam Ô quay lại với nghề làm nước mắm thủ công.

 Đến nay, thương hiệu nước mắm Nam Ô đã lấy lại được danh tiếng, được thị trường chấp nhận. Việc sản xuất nước mắm ngày càng mở rộng, từ quy mô gia đình đến quy mô công nghiệp… Hàng chục hộ đã đầu tư sắm mới tàu thuyền ra khơi khai thác hải sản, đào ao nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1998, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh được mở ra, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trẻ trong làng. Người già làm mắm, thanh niên được nhận vào làm ở KCN. Làng Nam Ô từng bước ổn định lại cuộc sống. Con em Nam Ô được quan tâm cho việc học hành, thay vì bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ làm pháo như trước…Tình trạng thanh niên thất nghiệp, suốt ngày rượu chè, quậy phá cũng đã chấm dứt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đây khá ổn định. Làng Nam Ô bây giờ đã thành phố thị đông vui, sầm uất, nhà cửa mọc san sát nhau. Ở đây có không ít những ngôi nhà cao tầng khang trang đầy đủ tiện nghi. Nhiều lái buôn, nhiều đoàn khách du lịch thường xuyên tìm đến làng để mua đặc sản nước mắm truyền thống. “So với cái cảnh sống trong sợ hãi hồi còn làm pháo, cuộc sống bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Gia đình tôi từ khi chuyển sang làm mắm thu nhập cũng ổn định, nghề làm mắm hơi cực nhưng bình yên. Chúng tôi được sống an vui, không còn phải nơm nớp lo sợ như trước”- bà Huỳnh Thị Kim Hoa (trú tổ 102, phường Hòa Hiệp Nam) chia sẻ.

Ông Lê Huy Du- Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Bằng sự nỗ lực của hệ thống chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực của chính người dân, làng Nam Ô đã có những bước tiến dài vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Đến nay, những hộ nghèo trong làng đã giảm đáng kể, điều kiện cơ sở hạ tầng ở địa phương được nâng cấp, góp phần đưa phường Hòa Hiệp Nam phát triển đi lên không thua kém các phường khác trên địa bàn.

Đến Nam Ô vào những ngày sát Tết Bính Thân, dễ dàng nhận ra không khí Tết đã ngập tràn các ngõ, len lỏi vào nhiều gia đình. Đường xá được trang trí đẹp hơn, cảnh mua bán ở chợ Nam Ô nhộn nhịp, nô nức. Những ngày này, nước mắm Nam Ô cũng trở thành thứ quà Tết mặn mà được chuyển đi khắp nơi. Người dân Nam Ô đã không còn luyến tiếc nghề làm pháo cũ. Với họ bây giờ, cuộc sống đã được vẽ trên một trang mới, rôm rả những tiếng cười và ngập tràn sắc màu no ấm, yên vui.

Lý Na
.
.
.