Năm Dậu đi thăm “Vương quốc gà nòi”

Chủ Nhật, 29/01/2017, 14:55
Một ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chúng tôi về huyện Chợ Lách (Bến Tre) – nơi được mệnh danh là “Vương quốc gà nòi”.

Từ lâu, nghề nuôi gà nòi mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân nơi đây. Dường như các xã trong huyện đều nuôi gà nòi nhưng nhiều nhất là tại Long Thới, Sơn Định, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung và thị trấn Chợ Lách… Dân nuôi gà giờ cũng nhạy với thị trường. Đón đầu năm Đinh Dậu, bà con chuẩn bị đưa ra thị trường những chú gà nòi chuẩn.

Theo một số lão nông trong nghề nuôi gà nòi Chợ Lách, việc nuôi gà nòi là một cách thoát nghèo dễ và hiệu quả nhất, do không cần nhiều vốn. Chỉ cần sắm cặp “gà chiến” về nhân giống tạo bầy.

Để tạo ra gà giống tốt phải biết tạo bổn gà, tức phải chọn được con gà mái chất lượng đi kèm với con gà trống ưng ý. Thông thường, gà bổn được chọn từ những con gà mái có ngoại hình khác thường, khỏe mạnh, hung dữ vì những đặc tính nổi trội từ mẹ thường di truyền mạnh mẽ sang con.

Còn gà trống phải có thể chất tốt, như: khả năng chịu đòn, gan lỳ, luyện tập và thi đấu bền bỉ, tránh đòn nhanh… để khi đem “đổ” (phối giống) bầy, sẽ cho ra những lứa gà con có gen trội, từ đó xây dựng thương hiệu riêng cho cơ sở của mình.

Anh Văn Phúc (ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) đang sở hữu trại nuôi gà đá từ 300 - 500 con/năm cho biết: “Nuôi gà nòi rất công phu , đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo. Phải chọn được những con gà hùng dũng; màu sắc bắt mắt; chân cao, to, khoẻ; vẩy chân đều; tiếng gáy trong, thanh...”.

Anh Châu Hữu Thuận bên trang trại gà nòi của gia đình.

Nếu muốn gà mau lớn, thịt săn chắc quan trọng nhất ở khâu cho ăn. Gà nòi khác với gà thương phẩm, lúc nhỏ phải ăn tấm, khi lớn lên cho ăn lúa ngâm trong nước một đêm để giúp dễ tiêu hóa, thịt săn chắc, gà mới nhanh nhẹn.

Ngoài ra, nhiều người còn cho gà ăn thêm giun, thằn lằn, dế, lòng đỏ trứng, thịt bò, tép, trứng vịt lộn, chuối xiêm... để bồi dưỡng và tăng cường sức “đá”. Hiện nay, trại nuôi của anh Phúc chủ yếu bán cho thị trường Campuchia để phục vụ đá gà trong các trường gà. Giá bán mỗi con gà đá của anh có khi lên đến 25 triệu đồng.

Nhiều hộ chuyên làm nghề chăm sóc gà “sơ sinh”. Họ nhận “đổ” gà, tức nhận gà giống bố mẹ đem về lai tạo gây đàn gà con để chăm sóc, đến khi gà nòi trưởng thành thì giao lại cho những hộ nuôi kinh doanh.

Anh Châu Hữu Thuận (xã Vĩnh Thành), cho biết: “Không đam mê chọi gà, nhưng sở thích của tôi là chăm gà. Mỗi năm tôi nhận chăm sóc khoảng 200 con gà của một Việt kiều. Đến khi gà đủ tuổi, đẹp, cựa chắc họ xuống bắt lại mỗi con một triệu. Mọi chi phí thức ăn họ lo hết, sau khi trừ hao hụt, tôi còn lợi khoảng 100 triệu/năm".

Chúng tôi vào ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách hỏi tìm “Ba Cồ”, người một thời “mê gà nòi hơn mê vợ”.

Gà nòi Chợ Lách không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn lưu giữ nét truyền thống, nguồn giống quý cho giống gà Việt Nam.

Ông Ba Cồ tên thật là Châu Bô, năm nay 84 tuổi. Kêu cháu nội pha bình trà, ông Ba Cồ nhớ lại: “Vốn có uy tín với dân chơi gà, nên trong tay tôi ngày xưa có hàng tá gà “chiến”. Lúc đó chơi gà đúng phép tắc lắm. Săm soi chân cẳng, lông lá kỹ lưỡng vẫn chưa đủ. Dân chơi gà khi đã có gà hay như con khét, gà ô, gà chân vuông, chân xanh thì khi “đổ” bầy đúng bổn phải là gà khét hoặc ô, chân xanh vuông không có màu lông, kiểu chân khác. Còn bây giờ “đổ” giống tùm lum, gà bị lai tạp, phả hệ mất dần cái độc đáo riêng. Gà đúng bổn là gà dù có bị đối thủ đá gãy chân, xệ cánh, hộc máu cũng gườm gườm nhìn không hoảng. Có con dù gần chết nhưng cái uy dữ quá khiến gà đang trên cơ cũng sợ, nên mới có câu “Gà chết ăn gà sống” là vậy. Mà gà trống dữ, con mái cũng phải hung, ví như lông đều, mặt râu, tư thế đứng hình giọt mưa thì khi đổ bầy mới có nòi hay”.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách chia sẻ, danh tiếng "gà nòi Chợ Lách" ngày càng vang xa. huyện luôn theo dõi sát sao nhằm kiểm soát chặt chẽ và đề phòng những tệ nạn phát sinh từ con gà. Lâu nay dù Chợ Lách là "vương quốc gà nòi", nhưng lạ một điều là giới thanh niên nơi đây hầu như không biết đến chuyện đá gà ăn tiền, sát phạt lẫn nhau.

Từng có ý kiến đề xuất huyện nghiên cứu mở trường gà theo mô hình “Chọi gà nghệ thuật”, nhằm phục vụ nhu cầu giải trí; đồng thời để kiểm chứng gà giống từ đó nâng chất lượng gà nòi Chợ Lách cao hơn nhưng huyện lo ngại tình huống “mở trường gà” để cờ bạc… sẽ khó quản lý.

“Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển giống gà nòi quý của địa phương. Thuận lợi là gà nòi Chợ Lách lâu nay rất ít bị bệnh, không hề bị cúm gia cầm… do sức đề kháng rất tốt. Huyện cũng xác định nghề nuôi gà nòi không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình, mà còn là nét văn hóa riêng biệt của miệt vườn Chợ Lách...”, ông Liêm nhấn mạnh.

Văn Đức- Trần Lĩnh
.
.
.