Mưu sinh bằng nghề “nuốt độc chì”

Thứ Năm, 28/07/2011, 17:00
Bao đời nay, người dân xã Quảng Phước, Quảng Lợi (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), vẫn hằng ngày mưu sinh bằng nghề “nuốt độc”.

Thôn Phước Lộc (xã Quảng Phước), là một trong hai vùng chuyên sản xuất các loại lưới đánh cá cho ngư dân trên vùng đầm phá Tam Giang. Toàn thôn có 160 hộ, trong đó có đến hơn 150 hộ làm nghề đan lưới. Và đó cũng là nghề mang lại miếng cơm, manh áo cho hàng nghìn con người nơi đây.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ đan lưới, ông Hà Văn Dần - Trưởng thôn Phước Lộc cho biết: “Đan lưới khâu quan trọng nhất là phần kẹp chì. Chì kẹp có chặt thì mới lâu bị bong, như vậy ngư dân mới đánh bắt có hiệu quả. Làng tui 100% hộ dân đều đan lưới theo phương pháp thủ công nên được các thương lái rất ưa chuộng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đan một tay lưới (dài khoảng 20m đến 30m, tùy loại) người dân phải kẹp hàng nghìn mảnh chì và tất cả đều bằng răng. Đã hơn ba đời nay, người dân nơi đây vẫn chỉ sử dụng biện pháp cắn chì này để làm lưới nhưng ít ai biết được việc nuốt phải chì sẽ tác hại như thế nào tới cơ thể con người.

Ông Hà Văn Thương (58 tuổi), là một trong những người có tay nghề thâm niên nhất, với hơn 40 năm gắn liền với nghề đan lưới. 40 năm đan lưới, kẹp chì bằng răng cũng là 40 năm ông tiếp xúc với chất độc hại. Ông cho biết: “Trước đây, bọn tui cũng có ý định mua lưới trên thành phố về cho đỡ cực, nhưng sau khi mua về chỉ cần vuốt nhẹ lưới là chì đã tuột ra gần hết. Nên bọn tui mua cước về tự đan lưới, tự kẹp chì”. Cũng theo ông Thương thì chỉ có dùng răng kẹp chì mới đảm bảo, chì mới chắc và không bị bong.

Khi được chúng tôi hỏi về tác hại của việc cắn nuốt chì thì ông Thương cho biết: “Tui đan lưới từ năm 18 tuổi đến nay nhưng không biết chì là chất gì, nó có ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Chỉ khi thấy trong người mệt mỏi, đau bụng đến khám thì bác sĩ cho biết tui bị bệnh bao tử. Lúc đầu tui cứ tưởng là do uống rượu nhưng sau khi xét nghiệm, các bác sĩ mới cho biết do tui thường xuyên nuốt phải chì nên mới bị như vậy”.

Ông Thương cũng cho biết thêm, việc dùng răng cắn chì thì  nuốt phải một vài mẩu chì là chuyện bình thường. Khi dùng răng để kẹp chì thì những mảnh vụn rất dễ theo nước bọt vào cơ thể con người. Mới 58 tuổi nhưng trông ông Thương như gần 70, người gầy còm, nước da vàng nhợt. Hơn 30 năm nay cuộc sống của ông Thương luôn phải gắn liền với những đùm thuốc bệnh.

Dù biết trước nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà hàng nghìn người dân nơi đây vẫn bất chấp tất cả. Hầu hết người dân nơi đây ai cũng biết đan lưới, cắn chì, từ người già đến trẻ nhỏ. Ngoài thời gian đi đánh bắt cá tôm trên phá (từ 5h chiều tới 6h sáng), thời gian còn lại không có việc gì kiếm ra tiền chi tiêu nên người trong làng đến với nghề cắn chì như một sự bất đắc dĩ, trẻ con học từ người già, con cháu học từ ông bà và cha mẹ. Ông Thương bộc bạch: “Có ai muốn làm nghề độc hại này đâu các chú. Nhất là sau khi được các bác sĩ khuyến cáo tác hại chì thì đã có rất nhiều người bỏ nghề. Nhưng cũng được một thời gian ngắn thôi, rồi tất cả lại quay lại với nghề vì không làm thì lấy tiền đâu mà sống”.

Một tay lưới người dân phải mất gần 1 tuần để hoàn thành nhưng cũng chỉ bán được 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/tay. Nhưng trong khoảng thời gian đó, những người đan lưới, cắn chì bằng răng đã phải nuốt một lượng lớn chất độc hại từ chì.

Ông Dần cũng thú nhận chỉ có việc dùng răng cắn chì mới đảm bảo được chất lượng, với lại hiện tại cũng không có phương pháp nào có thể thay thế. Không biết rồi số phận của hàng nghìn con người ở xã Quảng Phước, Quảng Lợi sẽ đi về đâu khi mà ngày ngày họ vẫn phải “nuốt độc” để mưu sinh.

 Hơn 40.000 tấn ắc quy chì thải ra môi trường

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khảo sát từ cơ quan chức năng, trong năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải ra môi trường. Phần lớn lượng ắc quy này đã và đang được tái chế gia công tại các làng nghề. Dự báo đến năm 2015, số ắc quy chì thải ra môi trường sẽ là gần 70.000 tấn.

L.Q.

Chì nằm trong danh sách chất độc hại nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người. Rất dễ bị phơi nhiễm chì, nếu thường xuyên tiếp xúc. Chì có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, đường miệng. Khi bị phơi nhiễm chì có thể có các triệu chứng: Ăn không ngon miệng, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị chuột rút, nguy cơ tăng huyết áp, nhức đầu, cáu kỉnh, giảm trí nhớ, mất ngủ, lâu dài gây các bệnh về thận, tổn hại não và thiếu máu. Chì và hơi chì làm cho mắt, cổ họng và mũi đau rát khi tiếp xúc. Tiếp xúc với chì thường xuyên sẽ dẫn đến nhiễm độc chì. Chì ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới. Nhiễm độc chì có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với trẻ em, bởi chúng rất nhạy cảm và sức đề kháng yếu.

N.Trươi – H.Kiệt
.
.
.