"Mua thuốc nổ đánh cá" ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Thứ Ba, 09/01/2007, 14:22
Dù phải mua thuốc nổ với giá 200.000 - 300.000 đồng/1kg nhưng ngư dân vẫn lời chán. Mỗi chuyến tàu ra khơi chừng 10-15 ngày với 1-3 tạ thuốc nổ mang theo, sau khi trừ mọi phí tổn, ngư dân thu về 70 - 100 triệu đồng.

Ở Quảng Ngãi, địa bàn được xem là trọng điểm về tệ nạn mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép chính là các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Từ đây, thuốc nổ sẽ “tìm đường” tập trung về "cái rốn" chứa “tử thần” - huyện đảo Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn - cái “rốn” thuốc nổ   

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi thì hiện nay toàn tỉnh có gần 100 chiếc tàu thuyền chuyên sử dụng thuốc nổ để đánh bắt, khai thác hải sản, trong đó riêng huyện đảo Lý Sơn đã có gần 90 chiếc. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn con số thực tế thì không thể thống kê được, nhưng chắc chắn là sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, lực lượng bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã phát hiện 40 vụ, bắt giữ 109 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ trái phép, thu giữ trên 4 tấn thuốc nổ, 373 kíp nổ, gần 200m dây cháy chậm, 39 quả bom; Cơ quan An ninh điều tra Công an Quảng Ngãi đã thụ lý điều tra 35 vụ, 79 bị can.

Điển hình là vụ Võ Minh Hạnh, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bị bắt quả tang tàng trữ 160kg thuốc nổ tại nhà. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2006, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 6 vụ, 21 đối tượng, thu giữ 853kg thuốc nổ, 896m dây cháy chậm, 213 kíp nổ các loại.

Đáng lo ngại là những vụ án bị phát hiện càng về sau đối tượng thường vận chuyển lượng thuốc nổ rất lớn. Điển hình như vụ  Ngô Đình Trung (28 tuổi), Phù Văn Thanh, 21 tuổi, Nguyễn Bá Anh, 22 tuổi, đều trú ở thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn bị bắt quả tang trong đêm 4/3/2006 khi đang vận chuyển 200kg thuốc nổ.

Đêm 23/5/2006, lợi dụng lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão Chanchu, hai cha con Nguyễn Thi, Nguyễn Cho, thường trú ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã sử dụng thuyền máy vận chuyển 644kg thuốc nổ, 288m dây cháy chậm đến bãi tập kết để đưa ra đảo Lý Sơn.

Mở rộng điều tra vụ án này, Cơ quan Công an đã bắt giữ Nguyễn Thị An, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) và Nguyễn Thị Lập, ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa). Cũng trong tháng 5/2006, trên chiếc tàu QNg-6224 Ts của ông Nguyễn Hồng Anh, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), 2 ngư dân Trần Minh Tâm, Trần Minh Nhanh đã chết không toàn thây, ngư dân Nguyễn Công Thiện (đều ở Lý Sơn) phải chịu cảnh tàn phế suốt đời khi sử dụng thuốc nổ để khai thác hải sản.

Còn ở thôn Tú Sơn II, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, 2 anh Lê Bé và Nguyễn Gát cũng không còn được sống khi đang hì hục cưa bom để lấy thuốc nổ. Tại hiện trường vụ tai nạn, lực lượng chức năng còn phát hiện trên 20 quả đạn đã được lấy thuốc và 3 quả đạn pháo còn nguyên...

Những cung đường “thần chết”

Trước hết phải nói rằng, dù lực lượng chức năng đã tấn công quyết liệt, bắt giữ nhiều đối tượng và hình phạt cho các bị cáo liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển trái phép vật liệu nổ rất cao, nhưng loại tội phạm này vẫn không giảm (thậm chí không có dấu hiệu giảm) vì lợi nhuận kếch xù do “thần chết” mang lại. Với kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn”, 1kg thuốc nổ mua vào chỉ có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, nhưng khi mang đến được đảo Lý Sơn (hoặc đến tay ngư dân) thì lên đến 200.000 - 300.000 đồng. Đó là giá ở thời điểm bình thường, còn khi “khan hàng” thì còn cao hơn nữa.

Riêng đối với ngư dân, khi khai thác hải sản bằng thuốc nổ, thường mang lại hiệu quả rất cao. Mỗi chuyến tàu ra khơi chừng 10-15 ngày với 1-3 tạ thuốc nổ mang theo, sau khi trừ mọi phí tổn sẽ thu về từ 70 đến 100 triệu đồng.

Để có thuốc nổ cung ứng cho nhu cầu ngày càng nhiều của ngư dân, các đầu nậu gieo rắc “thần chết” đã bí mật tung quân đi thu mua thuốc nổ của một số kẻ chuyên rà tìm phế liệu không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn ở cả địa bàn miền Trung, Tây Nguyên, tập trung nhất là từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An - những địa phương được ví như chiếc chảo đựng bom đạn của giặc Mỹ trong chiến tranh. Có lúc, chúng còn câu móc với số đối tượng đang làm việc tại các mỏ khai thác đá, sa khoáng trong vùng; thậm chí lặn lội sang tận Lào để khai thác, thu mua...

Theo Thượng tá Võ Xuân Quân, Trưởng phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Quảng Ngãi thì càng về sau phương thức, thủ đoạn mua bán, vận chuyển vật liệu nổ của đối tượng càng tinh vi. Thông thường thuốc nổ được phân nhỏ thành nhiều phần từ 10 đến 20kg, cho vào bao ximăng, bao gai, ngụy trang như hàng nông sản rồi sử dụng xe ôm, xe khách để vận chuyển (nếu là trên đường bộ - PV). Với phương thức này khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẽ vất bỏ hàng, trở thành người vô can, còn “hàng” cũng chẳng mất bao nhiêu. Khi vật liệu nổ tập trung  đủ số lượng sẽ được chuyển về “cái rốn” Lý Sơn.

Trên biển, phương thức thủ đoạn giao hàng còn tinh vi hơn. Những kiểu mang “thần chết” ra biển ngày xưa như thiết kế hộp ngầm trên tàu, kéo rê dưới nước, tạo lỗ hổng bên mạn tàu... bây giờ đã không còn hiệu quả. Vì lượng thuốc nổ đến tay ngư dân thường rất lớn nên bọn “trùm” thuốc nổ đã tinh vi nghĩ ra nhiều thủ đoạn.

Sau khi đã thống nhất giá cả, lấy khoảng 40% số tiền hàng, chúng sẽ gói kín “hàng” trong các bao nilon, lợi dụng đêm tối và các bãi ngang để mang thả dọc bờ biển. Khi đã trót lọt công đoạn thứ nhất, chúng tiếp tục dùng thiết bị định vị toàn cầu ZPS để đánh dấu tọa độ dưới đáy biển rồi mang hàng tập trung tại điểm đã đánh dấu. Công đoạn tiếp theo là lấy đủ tiền và thông báo tọa độ cho các tàu (đã thoát qua khỏi trạm kiểm soát biên phòng, chuẩn bị ra khơi) đến vớt... mang đi phá biển.

Cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành

Có một luật bất thành văn, đó là luật "im lặng". Luật này xuất phát từ mối quan hệ huyết thống trong các đường dây buôn bán thuốc nổ. Đã có khá nhiều vụ án mà các đối tượng đều là anh chị em ruột, bà con họ hàng trong gia đình. Cặp vợ chồng Nguyễn Tấn Bình - Hồ Thị Thủy khi bị bắt đã kiên quyết không khai ra Hồ Thị Thơm, Hồ Văn Ngân là em ruột của Thủy cũng trong cùng đường dây.

Mặt khác, buôn bán thuốc nổ mang lại siêu lợi nhuận nên tất cả các đối tượng đều thiết lập đường dây khép kín. Khi một “mắt xích” bị bắt, chúng sẽ áp dụng “luật im lặng” để bảo toàn đường dây. “Uy tín” trong việc này là “tấm chứng chỉ” để khi được ra tù, đối tượng sẽ đường dây tiếp nhận lại. Và cứ thế, những tên tội phạm liên quan đến thuốc nổ thường nhiều tiền án, tiền sự, vào tù ra tội.

Trao đổi với Thượng tá Võ Xuân Quân, Trưởng phòng ANĐT Công an Quảng Ngãi, chúng tôi được biết công tác phát hiện, đấu tranh với loại án này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Lâu nay, phần lớn các vụ án loại này đều do lực lượng biên phòng, công an phát hiện, ngăn chặn, còn các ngành liên quan thì hầu như đứng ngoài cuộc.

Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, nhất là ở các địa phương “nóng” về tệ nạn mua bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ vẫn còn rất yếu. Bà con ngư dân, nhất là ở Lý Sơn, đã quá quen với việc sử dụng thuốc nổ để khai thác hải sản nên việc tuyên truyền, vận động ngư dân quay trở lại với cách đánh bắt hải sản truyền thống, sản lượng bấp bênh là rất khó.

Trong khi đó, các cấp chính quyền ở địa phương hầu như quan tâm đến công tác này; trong các buổi họp dân, phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, lĩnh vực tuyên truyền cho bà con cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm liên quan đến thuốc nổ bị bỏ ngỏ.

Nếu chỉ 100 chiếc tàu sử dụng thuốc nổ, mỗi chuyến ra khơi sử dụng 3 tạ thuốc nổ thì mỗi năm có trên 30 tấn thuốc nổ được “nện” xuống biển. Và phải chăng, một lao động trên tàu nuôi sống ít nhất 5 người ở nhà và mỗi chiếc tàu có trên dưới 20 lao động cùng hàng trăm lao động sống bằng các dịch vụ hậu cần nghề cá khác... nên các ngành chức năng chưa (hoặc không) xử lý tàu thuyền đánh bắt cá bằng thuốc nổ một cách nghiêm túc? Và quan trọng hơn, một lượng thuốc nổ rất lớn vẫn đang tồn tại, chảy âm ỉ, không thể kiểm soát được? Giải quyết vấn đề không phải chỉ có lực lượng Công an...

Võ Thanh Việt
.
.
.