Một vài kỷ niệm về quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt trong sáng, bền chặt, thủy chung Việt Nam - Lào

Thứ Ba, 29/05/2012, 09:32
Thực hiện chương trình những ngày tháng đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam, có cuộc khởi công xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, ghi dấu ấn thời gian hoạt động của đồng chí Cay Sỏn Phôm-Vi-Hẳn và đội xung phong Lào Bắc tại bản Lao Kho, xã Phiềng Khoái, huyện Yên Châu, Sơn La của Việt Nam và bản Phiềng Sa, huyện Xiềng Kho, tỉnh Hủa Phăn của Lào.

Hàng ngàn cán bộ và nhân dân Việt Nam và Lào đã đến dự lễ khởi công với không khí vô cùng tự hào, phấn chấn, xúc động... nhớ lại khởi nguồn quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Su-Pha-Nu-Vông, Chủ tịch Cay-Sỏn Phôm-Vi-Hẳn và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Biết bao truyền thống đặc biệt sâu nặng nghĩa tình Việt - Lào trong chiều dài lịch sử.

Về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, chúng ta nhớ câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội; mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta; tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”!

Quên sao được, trong bài chào mừng của các đoàn khách quốc tế tại một đại hội Đảng toàn quốc của chúng ta, đồng chí Cay-Sỏn Phôm-Vi-Hẳn có những câu nói đầy tình nghĩa, trong sáng, thủy chung với hình ảnh dung dị mà lắng sâu lòng người, không thể nào quên. Đồng chí nói về quan hệ đoàn kết hữu nghị Lào - Việt: “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng như biển Đông, sáng tựa trăng rằm!...”. Và Việt Nam giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân Lào trong thời cam go gian khó: “Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bỏ nửa!...”. Xúc động quá.

Còn biết bao nhiêu sự kiện, tình người sâu nặng trong chiều dài lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong những ngày này, tuy sự hiểu biết của chúng tôi là hạn hẹp, nhưng trong lòng chúng tôi tự nhiên trào dâng tình cảm cách mạng với đồng chí, bạn bè, bà con Lào thân quen.

Tôi có may mắn là một cán bộ lãnh đạo của TP Hải Phòng và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong nhiều năm. Ở Bộ Nội vụ, tôi được phân công những phần việc có quan hệ giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ Lào (nay là Bộ An ninh Lào). Ngoài những công việc quan hệ, trao đổi thường xuyên, theo thông lệ giữa hai Bộ, hằng năm có hai đoàn đại biểu cấp Bộ làm việc với nhau và ký văn bản hợp tác cụ thể; luân phiên mỗi năm một lần ở Việt Nam và ở Lào.

Những năm ở Hải Phòng, tôi thường được tiếp đón, làm việc cụ thể theo yêu cầu của các đoàn bạn Lào, có đoàn cán bộ đến trao đổi kinh nghiệm, đoàn sinh viên thực tập; đoàn tham quan, nghỉ mát v.v... Tôi nhớ đoàn cán bộ lãnh đạo, do đồng chí Sa-Mẳn Vi-Na-Kẹt làm Trưởng đoàn đến Hải Phòng để nghiên cứu thực tế hoạt động của thành phố Cảng có nền kinh tế tương đối tổng hợp do cán bộ Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tháp tùng.

Đồng chí Nu-Hắc Phôn-Sa-Vẳn, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (bên phải) tiếp đồng chí Trần Đông tại Viêng-Chăn, Thủ đô Lào.

Khi sang công tác tại Lào, đồng chí Sa-Mẳn Vi-Na-Kẹåt và tôi lại có dịp gặp gỡ thăm nhau thân tình. Sau này, đồng chí Si-Sa-Mẳn và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào và nay đồng chí là UVBCT, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng nhân dân Lào. Đại tướng Si-Sa-Vát Kẹo-Bun-Phăn, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân, khi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào (nay là Bộ An ninh Lào) thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ Việt Nam, đồng chí đã thăm gia đình tôi (Trần Đông), tại số 1, đường Trần Bình Trọng, Hà Nội.

Những ngày đồng chí Si-Sa-Vát đi nghỉ theo chương trình, đồng chí đã biên thư gửi cho tôi nói về những việc cần trao đổi tiếp sau những ngày nghỉ. Thời gian Đoàn Việt Nam thăm và làm việc ở Lào, đồng chí Si-Sa-Vát đã nhiệt tình mời chúng tôi đến thăm gia đình đồng chí.

Chuyến thăm và làm việc đầu tiên của tôi ở Lào, đoàn chúng tôi đã đến thăm gia đình, dâng lễ thắp hương cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào Săm-Sừng theo phong tục Việt Nam - Lào.

Đồng chí A-Sang Lao-Ly, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, chương trình có buổi đồng chí cùng phu nhân (chúng tôi quen gọi nhau bằng anh, chị) và đoàn đến thăm gia đình tôi, ở số 90A, đường Hai Bà Trưng, Hà Nội (khi đó tôi đã nghỉ hưu theo chế độ). Buổi thăm của đoàn đồng chí đúng vào ngày 8/3, tôi đã xin phép được tặng hoa chị Chia-Mơi Lao-Ly, sau đó mới thăm hỏi, trò chuyện với anh A-Sang Lao-Ly và các thành viên trong đoàn. Buổi thăm thân tình, vui vẻ, mà gia đình tôi còn nhớ mãi. Nay, đồng chí A-Sang Lao-Ly là UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ Lào.

Khi tôi còn làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong nhiều chuyến công tác ở Lào, có chuyến chúng tôi được bạn mời thăm Cố đô Lu-Ăng Pha-Băng, vào dịp tháng 4 - Tết Bun-Ti-May, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã tổ chức một buổi lễ chào mừng đoàn chúng tôi, có ca hát, “té nước” và buộc chỉ cổ tay. Đặc biệt nữ ca sĩ Lào tài năng vừa hát vừa sáng tác tại chỗ chào mừng đoàn đồng chí Trần Đông, rất hay và tự nhiên, buổi lễ thân tình, vui vẻ và trọng thị theo nghi thức của bạn Lào.

Đại tướng Si-Sa-Vát Kẹo-Bun-Phăn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ An ninh Lào, thứ hai từ trái sang) thăm gia đình đồng chí Trần Đông tại số 1, đường Trần Bình Trọng, Hà Nội.

Với các đồng chí lãnh tụ của Lào tôi nhớ có lần đồng chí Lê Duẩn giao cho chúng tôi tổ chức bữa cơm thân mật để đồng chí Lê Duẩn tiếp đồng chí Cay-Sỏn Phôm-Vi-Hẳn. Trong bữa cơm thân mật, các đồng chí trò chuyện thân tình với nhau những chuyện lớn về tình hình quốc tế, tình hình hai nước Việt Nam và Lào... chỉ khi có đồng chí hỏi đến TP Hải Phòng, chúng tôi mới báo cáo với các đồng chí. Trong lúc nghỉ ngơi, đồng chí Cay-Sỏn rất gần gũi và chuyện trò với anh em chúng tôi như người nhà, anh em chúng tôi có người nói đến việc sử dụng mật gấu chữa chấn thương, đồng chí Cay-Sỏn vui vẻ trao đổi về dùng mật con vịt trắng hay hơn, vì không có phản ứng phụ như mật gấu. Đồng chí Cay-Sỏn khi bị chấn thương do bom địch gây ra ở khu căn cứ Lào, bà con dân tộc thiểu số đã bàn nhau chữa cho đồng chí khỏi chấn thương bằng mật vịt trắng!... Theo kinh nghiệm của đồng chí Cay-Sỏn nói, anh em ta đã tìm mua vịt trắng về cải thiện, lấy mật vịt trắng chữa bệnh. Một vài đồng chí nói với tôi, đã dùng mật vịt trắng chữa bệnh thay mật gấu có kết quả.

Về lãnh tụ Su-Pha-Nu-Vông và phu nhân, lấy tên Việt Nam là anh, chị Chính (các đồng chí Lào đi tháp tùng và chúng tôi cũng thường gọi là anh chị Chính). Theo chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn nên tổ chức để mời vợ chồng đồng chí Su-Pha-Nu-Vông thăm biển đảo Hải Phòng. Chúng tôi đã tổ chức chu đáo chuyến thăm biển đảo Cát Hải. Đoàn nghỉ ăn trưa tại doanh trại Đồn CANTVT (nay là Bộ đội Biên phòng) ở bến Gót, xã Cao Minh, Cát Hải. Trên đường đi, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Su-Pha-Nu-Vông đã trao đổi với nhau nhiều chuyện, còn chị Chính thì vui vẻ nói với chúng tôi nhiều chuyện đời thường. Có đồng chí xin phép hút thuốc lào, chị Chính nói ở Lào bà con gọi là “thuốc Việt” đấy.

Đồng chí Nu-Hắc Phôn-Sa-Vẳn, UVBCT, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Lào đã tiếp đoàn chúng tôi tại nhà riêng ở Viêng-Chăn, không cần phiên dịch; có đồng chí Nguyễn Xuân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào nhiều năm cùng dự.

Các đồng chí và bà con Lào đối với anh em Việt Nam thật là chân thành tình nghĩa. Bao giờ bạn Lào cũng dành cho ta sự ưu ái đặc biệt khi chúng tôi thăm Lào. Văn hóa ứng xử của nhân dân Lào có nhiều nét đẹp. Ngạn ngữ, châm ngôn Lào cũng có nhiều câu hay. Ở Việt Nam có câu “rộng bụng hơn rộng nhà”; ở Lào có câu “hẹp nhà còn ở được, hẹp bụng không ở được”.

Các đồng chí Lào và chúng tôi thường có tặng phẩm lưu niệm gửi tặng nhau, bạn Lào tặng gia đình chúng tôi “gạo nếp cẩm”, cái “típ” dân bằng nan tre, màu sắc, hình dáng đẹp, dùng “típ” đựng xôi cho mỗi người khi cùng dự tiệc. Hiện nay, gia đình chúng tôi còn lưu giữ chiếc đĩa bạc có khắc “Thạp luổng” và hộp gỗ làm bằng những mảnh ghép vỏ dừa rất đẹp do các đồng chí Lào tặng, chúng tôi đặt ở nơi trang trọng kỷ vật của bạn Lào tặng để mãi mãi không bao giờ quên tình cảm anh em chúng tôi trong quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt – Lào.

Ngày nay, Việt Nam và Lào cùng đổi mới đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận dụng thực hiện sáng tạo phù hợp đặc điểm của mỗi nước, đã và đang giành được thắng lợi trên các lĩnh vực hoạt động của mỗi nước. Đó là thắng lợi bước đầu, nhưng có tính lịch sử và thời đại. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã và đang học tập, giúp đỡ nhau, phấn đấu nhằm cơ bản trở thành những nước công nghiệp, theo hướng hiện đại thời kỳ công nghệ cao của thế giới

T.Đ.
.
.
.