Một thời oanh liệt trong lòng đất

Thứ Bảy, 30/04/2016, 11:25
Một thời người dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã phải xẻ lòng đất mẹ, xây dựng nên những làng hầm để trú ẩn bom đạn giặc Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên mảnh đất này vẫn còn bao dấu tích bom đạn; những hầm hào, địa đạo nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ oanh liệt của đồng bào tuyến lửa Vĩnh Linh…


Những ngày tháng Tư lịch sử, địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) đông đúc du khách trong, ngoài nước đến tham quan. Đây là địa đạo tiêu biểu nhất của hệ thống địa đạo, làng hầm ở Vĩnh Linh. Từ tháng 6-1966 đến đầu năm 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã huy động hơn 18 nghìn ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất, đá, xây dựng nên địa đạo này gồm 3 tầng, dài trên 1.700m với 13 cửa. Hình ảnh làng quê đã được kiến tạo đầy đủ trong lòng đất, như căn hộ, giếng nước, nhà vệ sinh, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, hội trường, bảng tin… 

Trong chiến tranh đánh phá miền Bắc, quân Mỹ giội xuống mảnh đất này hơn nửa triệu tấn bom đạn nhưng không phát hiện được địa đạo Vịnh Mốc, bởi nó được chọn đào ở một vị trí lý tưởng, bên dưới một quả đồi đất đỏ ba-zan cứng chắc, xung quanh được bao phủ bởi những hàng tre dày đặc và sát với bờ biển. 

Chị Lê Thị Tố Hoài, Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc bộc bạch: “Khi tham quan địa đạo Vịnh Mốc, nhiều du khách nước ngoài đã thốt lên rằng, thật không thể tưởng tượng, trải qua thời gian dài chiến tranh bom đạn, người Việt Nam đã sinh sống, tổ chức sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu để giải phóng dân tộc mình ngay dưới lòng đất âm tới hàng chục mét này”. 

Đáp lại sự ngạc nhiên đó, chị Hoài không khỏi tự hào: “Những năm bị giặc Mỹ đánh phá, lòng người dân chúng tôi luôn cuộn chảy một ý chí “tồn tại hay không tồn tại”; không sống được trên mặt đất thì đào sâu vào lòng đất mẹ, dựa vào lòng đất mẹ để tồn tại, chiến đấu, ươm mầm cho những khát vọng hòa bình, thống nhất và hồi sinh”. 

Những bức tượng tại Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc kể chuyện những đứa trẻ một thời được sinh ra, lớn lên trong lòng đất. 

Ông Trần Tảo (80 tuổi, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh), một trong những kiện tướng đào địa đạo Vịnh Mốc, nhớ lại không khí sục sôi của những ngày tháng đào địa đạo dưới mưa bom bão đạn: “Quân và dân Vĩnh Linh đã sát lại với nhau bằng một quyết tâm sắt đá, “một tấc không đi, một li không rời”; giặc phá nhà thì bà con làm hầm; người người đào hầm, nhà nhà đào hầm, đưa hàng vạn con người tiến sâu vào lòng đất, lập nên thế trận mới, chiến đấu diệt giặc”. 

Thực tế ban đầu quân và dân Vĩnh Linh chỉ đào những giao thông hào và hầm chữ A, nhưng về sau những công trình này đã không chịu nổi cường độ đánh phá dữ dội của bom và pháo địch nên Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự khu vực Vĩnh Linh và Công an vũ trang giới tuyến đã bàn bạc và quyết định đào địa đạo làm nơi trú ẩn, phục vụ sản xuất, chiến đấu. Tuy nhiên, đào thế nào, kiến tạo thế nào để nó đáp ứng được thực tế chiến tranh, là không đơn giản. 

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chỉ huy Phó Công an vũ trang giới tuyến Vĩnh Linh lúc bấy giờ, kể lại: “Anh em Công an, bộ đội và người dân đã chọn thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang đào thí điểm. Địa đạo này dài chỉ hơn 80m, sâu cách mặt đất chỉ 7-8m. Ban đầu nó đáp ứng được, nhưng đến đầu 1966, bom và pháo địch ném, bắn dữ dội, nó trở nên lạc hậu. Chúng tôi vì thế đào và kiến tạo cách khác. Lực lượng lao động, cường độ làm việc cũng tăng gấp hàng nghìn lần”. 

Thực tế, quân và dân Vĩnh Linh đào được hàng trăm mét địa đạo mỗi ngày, không chỉ nhờ sức khỏe mà còn nhờ vào tinh thần, ý chí quật khởi. Bà con cũng thường động viên nhau, ráng cuốc thêm một nhát là cứu thêm được một người! Nhờ vào tinh thần và tình cảm ấy mà từ những tiểu đạo, trung đạo đã nhanh chóng phát triển lên thành hàng loạt địa đạo qui mô lớn nối thông với nhau bằng đường hầm, hào giao thông”, ông Hà kể tiếp.

Chỉ trong 4 năm, 1965-1968, quân và dân Vĩnh Linh đã huy động hơn 7,5 triệu ngày công, đào, đắp gần 3,8 triệu khối đất, đá; kiến tạo nên trong lòng đất ở độ sâu từ 15 đến 28m một hệ thống làng hầm đồ sộ bao gồm 114 địa đạo lớn, nhỏ, với tổng chiều dài hơn 40km. Bên cạnh còn có trên 2 nghìn km đường hào và khoảng 100 nghìn căn hầm các loại. Dưới một vùng đất trơ trụi, tơi bời vì bom, đạn là cả một công trường khổng lồ âm thầm chuyển động. Một thời hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã sống và chiến đấu như vậy!

Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, song số lượng đạn, bom khổng lồ mà giặc Mỹ một thời ném xuống mảnh đất bé nhỏ Vĩnh Linh, hẳn khi nhắc lại vẫn khiến cả thế giới giật mình. Đó là tính trung bình mỗi người dân ở đây lúc bấy giờ đã phải hứng chịu 7 tấn bom và 800 quả đạn đại bác. Đến đầu năm 1966, toàn khu vực Vĩnh Linh gần như trở thành vùng đất chết, không nhà cửa, không cây cối, chằng chịt hố bom, hố pháo. 

Xẻ lòng đất để trường tồn và chính từ những làng hầm độc đáo này, trong suốt gần 2 nghìn ngày đêm ròng rã, quân và dân Vĩnh Linh đã tổ chức thắng lợi công cuộc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở lại Vịnh Mốc, chúng tôi hỏi chị Hoài: “Công tác ở một di tích lịch sử nổi tiếng cả trong và ngoài nước, chị tâm đắc điều gì nhất?”. Chị cười hiền, trả lời: “Có rất nhiều, nhưng cứ mỗi lần gặp khách nước ngoài hỏi về địa đạo Vịnh Mốc, tôi thường nói thế này: Đã có những năm tháng, dân tộc chúng tôi đã phải xẻ lòng đất để sinh sống, để đánh trả kẻ thù mạnh vào bậc nhất thế giới. Không một nỗi khổ nào có thể sánh với nỗi khổ này, nhưng chúng tôi đã không chịu khuất phục”. 

Sinh ra lúc chiến tranh sắp kết thúc và không nằm trong số 64 trẻ em được chào đời, nuôi dưỡng và lớn lên trong các địa đạo, làng hầm ở Vĩnh Linh, song từ ký ức của người cha nguyên là cán bộ Công an vũ trang giới tuyến Vĩnh Linh, chị Hoài rất thấu hiểu nỗi khổ của chiến tranh. Trân trọng và tri ân một cách thiêng liêng những chiến đấu, hy sinh to lớn của hàng vạn đồng bào, chiến sỹ, chị đã thi vào ngành Lịch sử và học xong về công tác tại Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc để thực hiện bao mong muốn cháy bỏng của mình, đó là giới thiệu với du khách tinh thần bất khuất, khát vọng sống và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Phan Thanh Bình
.
.
.