Một phạm nhân đầu thú sau 24 năm trốn trại, được đặc xá

Thứ Tư, 11/08/2010, 09:30
Nguyễn Văn Xốp có lẽ là một trong những phạm nhân khá điển hình trong đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Gần 1/3 đời người chui lủi, sống trong sợ hãi, Xốp đã dũng cảm ra đầu thú và được hưởng khoan hồng của Nhà nước.

Nguyễn Văn Xốp tại Trại giam số 3 ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An kể: "24 năm sống khổ sở, dằn vặt, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, sống mà như đã chết, cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng lắm cán bộ ạ. Giờ, tôi sắp trả được món nợ của mình, có thể sống thanh thản bên vợ con và đàng hoàng về thăm quê rồi", Xốp phạm tội chỉ vì quá đói.

Ấy là vào năm 1985, ở Nghệ Tĩnh (cũ) có phong trào vào rừng tìm trầm hương. Lúc đó, Xốp mới ngoài 20 tuổi, theo anh em bạn bè lên rừng kiếm cơm. Sau nhiều ngày luồn rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm trầm, cả đoàn hết sạch lương thực mang theo. Bỏ về thì tiếc công vì chưa thu được chiến lợi phẩm nào, nên mọi người thống nhất cử hai người quay về lấy thực phẩm, còn cả đoàn tiếp tục đi sâu vào rừng tìm kiếm.

Sức thanh niên ăn không biết no, lại trèo đèo lội suối vất vả, khiến cái bụng rỗng trở thành nỗi ám ảnh và thôi thúc Xốp tìm cái ăn. Đói quá làm liều, thay vì đi tìm trầm, Xốp đã chặn đường những người "đồng nghiệp" tìm trầm khác để cướp gạo và cá khô là lương thực đi đường, cướp luôn trầm hương của họ. Xốp bị bắt và bị TAND tỉnh Nghệ Tĩnh kết án 6 năm tù giam.

Ngày Xốp đi tù, người vợ ở quê đã không thể nhẫn nại nên bỏ vào miền Nam kiếm sống, để lại đứa con mới sinh được 3 tháng tuổi cho ông bà nội. Nhận được tin vợ bỏ con, lòng Xốp như xát muối. Vừa uất hận, vừa đau đớn, Xốp tìm cách trốn trại. Khi đó, Xốp đang thụ án tại Trại tạm giam Nghi Kim (Vinh- Nghệ An).

Không dám về nhà vì sợ bị bắt, Xốp tìm cách lẻn vào miền Nam kiếm vợ. Không có tiền bạc, Xốp phải vừa làm thuê, vừa xin ăn và lưu lạc tới Đắk Lắk. Ở đây, Xốp xin được một chân cuốc rẫy cà phê và bắt đầu cuộc đời mới dưới tên Sơn - tên của cậu con trai 3 tháng tuổi ở nhà.

Xốp cũng tìm được cho mình một tổ ấm với cô giáo dạy tiểu học. Không biết thân phận tù tội của chồng, nên cô giáo vùng Tây Nguyên đó đã hết mực yêu thương, thậm chí, cô còn về quê Xốp ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đón cậu con trai riêng của chồng vào nuôi dưỡng.

Có vợ con, có một cuộc sống khá hạnh phúc, nhưng thân phận là một phạm nhân, ròng rã 24 năm trời, chưa một lúc nào, lòng Xốp được thanh thản. Hễ cứ thấy bóng sắc phục Cảnh sát, bóng người lạ hay ai đó chỉ cần nhắc tới những từ như cướp, tù, phạm nhân… là Xốp lại như lên cơn sốt rét.

Xốp lảng tránh hầu hết mọi người, lụi cụi sống và chăm lo cho vợ con trong cái vỏ bọc lương thiện mà mình tự tạo ra.

Sợ bị bắt, đồng thời phải cố tạo vỏ bọc để che giấu vợ, con và gia đình bên ngoại tuy là nỗi ám ảnh khủng khiếp, nhưng điều dằn vặt lớn nhất một phạm nhân trốn trại phải chịu đựng, đó là có nhà mà không dám về, có quê mà không dám nhận. Một lần Xốp liều lĩnh mò về quê và suýt bị bắt giữ. Năm 2007, nhận được tin bố già ở quê mất, Xốp cũng không dám về thắp hương. Trước đó, Xốp cũng không thể dự đám tang người anh trai cả.

Nghĩ tới cảnh mẹ già 76 tuổi lọ mọ sống ở quê mà có thể sẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt, sau nhiều đêm thức trắng, Xốp quyết định tâm sự hết với vợ và gia đình bên ngoại và ra đầu thú. Tuy nhiên, sau những đau đớn, xót xa, họ đã hiểu và động viên Xốp ra đầu thú. Ngày 8/2/2008, Xốp được cho về thăm nhà 2 ngày trước khi vào trại trả án...

Nhận xét về phạm nhân từng bị truy nã suốt 24 năm, nhiều cán bộ quản giáo ở Trại giam Tân Kỳ đều biểu dương những nỗ lực cố gắng cải tạo của Nguyễn Văn Xốp. Đó chính là cơ hội để Xốp và những bạn tù khác được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước: được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2010.

Khi được hỏi về người vợ cũ, Xốp cười ngượng nghịu: "Khi cậu đón cậu con trai lớn vào miền Nam, tôi đã biết chỗ ở của người vợ cũ và chồng mới, nhưng tôi không muốn khuấy động cuộc sống của họ nữa. Giờ, tôi cũng chẳng thấy hận cô ấy, dù sao, họ cũng là phụ nữ chân yếu tay mềm, lúc trẻ suy nghĩ nông cạn, có lẽ cô ấy cũng bị dằn vặt nhiều lắm... Giờ tôi thấy lòng mình thanh thản lắm. Ra tù, tôi sẽ cố gắng sống thật tốt, thật đàng hoàng…"

Lưu Thuý
.
.
.