Một nhà báo nặng lòng với tiếng Cơ Tu

Thứ Năm, 27/06/2013, 14:59
Một ngày giữa tháng 6, TP Đà Nẵng như chìm trong mênh mang nắng, tôi tìm đến khu tập thể của Báo Đà Nẵng nằm trên đường Yên Bái để gặp anh, một nhà báo đã gắn đời mình cùng với những bước trưởng thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từng là phóng viên của Báo Cờ Giải Phóng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, cho đến trước lúc nghỉ hưu với cương vị Phó tổng biên tập tờ báo Đảng địa phương. Đặc biệt là trong khoảng thời gian gần 10 năm từ sau Tết Mậu Thân cho đến ngày non sông thống nhất, anh đã tận tâm, tận lực để cùng những đồng sự của mình xây dựng và ấn hành tờ báo bằng tiếng dân tộc Cơ Tu, nhằm tuyên truyền những chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng cùng với việc phổ biến kinh nghiệm trong canh tác, trồng trọt đến với đồng bào dân tộc Cơ Tu, T’riêng… Dù ở vị trí công tác nào, anh luôn là một con người tận tuỵ, mực thước và sống chan hoà với đồng chí, anh em...

Anh là nhà báo Đỗ Kỳ, sinh năm 1943 ở thôn Quan Châu, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng. Năm 1963, anh bắt đầu tham gia Cách mạng trong phong trào học sinh - sinh viên đô thị ở Đà Nẵng.

Đến tháng 2/1965, địch bắt đầu mạnh tay hơn đối với phong trào học sinh - sinh viên ở các đô thị miền Nam. Tổ chức hoạt động bí mật của anh bị lộ, một vài người tham gia phong trào bị bắt bớ, giam cầm. Biết mình không thể tiếp tục hoạt động trong lòng đô thị lâu hơn. 1h sáng 16/2/1965, anh quyết định rời chỗ ở thường xuyên của mình để tìm đến ẩn nấp tại nhà một bà chị họ gần bến xe Vĩnh Trung. Rạng sáng hôm đó, anh đi thẳng về quê ở thôn Quan Châu, rồi qua thôn Giáng Đông, xã Hoà Châu.

Ở thôn Giáng Đông được 1 tuần, anh được anh em giao liên đưa lên Trạm đón tiếp ở thôn Ô Rây, xã 5, huyện Đông Giang (Nay là địa bàn xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng). Tại trạm đón tiếp này, anh thuộc diện những người đã học xong tú tài nên được các đồng chí ở Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đến chọn đưa đi học báo chí ở Ban Tuyên huấn khu.

Sau 3 tháng được đào tạo nghiệp vụ, anh được biên chế về làm phóng viên Báo Cờ Giải Phóng. Thời gian này, Báo Cờ Giải Phóng do ông Hồ Dưỡng (tức Hồ Quốc Phương), Phó ban Tuyên giáo Khu phụ trách; ông Lê Nam Bằng là Thư ký tòa soạn. Phóng viên cùng đơn vị lúc đó có Đặng Phò, Nguyễn Đình An, Nguyễn Bình, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong…

Nhà báo Đỗ Kỳ ở chiến trường Khu 5 (năm 1973).

Tháng 10/1967, anh được điều chuyển về công tác ở Ban miền núi Quảng Đà và đến đầu năm 1968 thì bắt đầu chuyển sang làm báo bằng tiếng Cơ Tu. Anh kể: Từ năm 1958, ông Nguyễn Hồng Mao (tên Cơ Tu là Tà Lăng- có nghĩa là Hoa mẫu đơn) cùng với anh em cán bộ đã bắt tay vào việc dịch tiếng Kinh ra tiếng Cơ Tu để dạy cho đồng bào học từ lớp 1 đến lớp 3.

Khi thấy đồng bào học được, tiếp thu tốt thì anh em mới nghĩ đến việc ra tờ tin mang tên là Gung Dưr (tiếng Kinh có nghĩa là Vùng Lên), số đầu tiên ra ngày 20/12/1960, diện tích  bằng 1/2 tờ giấy A4 bây giờ. Bản tin này được in bằng hai thứ tiếng Kinh và Cơ Tu, phục vụ cho cả bạn đọc người Kinh lẫn người dân tộc.

Đến giai đoạn anh Đỗ Kỳ làm tờ báo tiếng Cơ Tu mang tên Gung Dưr thì tờ báo đã thay đổi khổ lớn hơn (bằng tờ giấy manh - NV). Để in được báo theo công nghệ litô, anh em phải nhờ người về Đà Nẵng mua 2 tấm đá Non Nước. Một tấm có kích thước 90cm x 60cm; một tấm có kích thước 60cm x 40cm để mang lên chiến khu. Nội dung của mỗi số báo thường được trình bày trước trên tờ giấy manh, sau đó theo mẫu đã trình bày viết lại trên bản đá (viết chữ ngược trên bản đá).

Lúc đầu, anh em người kinh tham gia viết trên bản đá, nhưng về sau này thì đào tạo được 2 đồng chí người dân tộc là anh A Nhét (dân tộc Cơ Tu) và anh A Lăng Nhoa (người dân tộc T’riêng) chuyên trình bày báo trên bản đá. Thời điểm này mỗi số chỉ in chừng vài trăm bản cũng với nội dung vận động bà con dân tộc làm cách mạng, hướng dẫn cho bà con làm rẫy, làm nương, giới thiệu những tấm gương điển hình tiên tiến… Mỗi khi in báo xong, anh em phải gửi theo những cán bộ về cơ sở công tác để chuyển đến với đồng bào.

Ngày ấy, mỗi thôn thường có một cái chòi, mỗi số báo Gung Dưr sau khi phát hành đều được dán tại cái chòi này cho dân trong thôn đọc, bên cạnh đó, nội dung báo Gung Dưr cũng được cán bộ thông tin của thôn đọc cho đồng bào nghe…

Những ngày đầu tiên làm báo Gung Dưr chỉ do một tay đồng chí Nguyễn Hồng Mao gây dựng và phụ trách, đến khi đồng chí Nguyễn Hồng Mao không trực tiếp làm tờ báo Gung Dưr nữa thì tờ báo do các đồng chí Chánh văn phòng Ban miền núi Quảng Đà (trực thuộc Tỉnh ủy) mà sau này là Ban cán sự Lam Sơn (trực thuộc Khu ủy 5) phụ trách.

Trong những năm chiến tranh rất ác liệt, việc đi về giữa chiến khu với vùng bị địch chiếm hết sức căng thẳng. Để in được tờ báo này, anh em phải dùng nước chua (một thứ nước được nấu từ lá cây bứa - NV) để chùi bản đá; phải vào rừng sâu để tìm cây chai mang về đốt lên lấy muội khói, rồi lấy dầu rái trong rừng về trộn lẫn vào nhau để làm mực in… Quá trình in báo thì gian nan không thể nào nói hết và cũng không thể viết lại trong khuôn khổ của bài báo này…

Từ một người khi bắt đầu làm ở báo Gung Dưr chưa biết một tiếng Cơ Tu nào, nhưng do yêu cầu của công tác, nhà báo Đỗ Kỳ đã quyết tâm học tiếng Cơ Tu theo phương pháp vừa học, vừa ăn, vừa ở, vừa sinh hoạt với đồng bào Cơ Tu, để đến năm 1969 là anh đã có thể dịch những bài viết của anh em từ tiếng Kinh sang tiếng Cơ Tu để in báo.

Từ thời điểm năm 1970 cho đến sau này thì nhà báo Đỗ Kỳ đã nhuần nhuyễn tiếng Cơ Tu đến mức có như một người Cơ Tu chính gốc. Cũng từ đó, tờ Gung Dưr chỉ do nhà báo Đỗ Kỳ cùng hai anh A Nhét và A lăng Nhoa thực hiện. Từ khi ra 1 tháng 1 số báo, sau này đã ra 2 số 1 tháng, cùng với bản tin rônêô song ngữ Kinh – Cơ Tu 2 số mỗi tháng…

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 2 năm 1975, nhà báo Đỗ Kỳ đã có mặt ở TP Đà Nẵng trong đoàn quân của những người chiến thắng. Báo Gung Dưr từ đó cũng kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

Sau khi tiếp quản TP Đà Nẵng, nhà báo Đỗ Kỳ có một thời gian ngắn được phân công phụ trách quản lý ở ngành công nghiệp để tiếp quản nhà máy bia, nước ngọt và phụ trách những nhà máy vắng chủ như nước đá Thọ Quang, nhôm Sơn Trà, bánh kẹo thế giới…

Năm 1976, nhà báo Đỗ Kỳ xin chuyển về công tác tại báo Quảng Nam – Đà Nẵng và công tác ở đó cho đến ngày về hưu năm 2005 với cương vị là Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng.

Tâm sự với tôi, nhà báo Đỗ Kỳ cho biết: Anh gắn bó với đồng bào Cơ Tu như một sự tình cờ của số phận, để rồi từ đó đến nay lòng anh cứ mãi bùi ngùi mỗi khi nhắc đến những tháng năm tuổi trẻ của đời mình. Những ngày cùng sát cánh với đồng bào trên những cánh rừng ở phía Tây Tổ quốc. Ngôn ngữ của đồng bào Cơ Tu và những công việc hằng ngày trong đời sống của đồng bào Cơ Tu đã trở thành một phần trong đời sống của anh…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.
.