Phu nhân của đồng chí E.Honecker (CHDC Đức):

Một người mẹ, một nữ đồng chí thân yêu

Chủ Nhật, 27/11/2011, 16:06
Đã từ lâu, tôi vẫn thành kính gọi bà như vậy. Bởi vì, dù là một chính khách lớn, là "Đệ nhất phu nhân" của vị lãnh tụ tối cao của một Đảng, một Nhà nước, bà vẫn luôn luôn giữ tác phong bình dị, gần gũi, một tấm lòng yêu thương, nhân hậu.

Bà là Margot Honecker. Theo tiếng Ba Tư "Margot" có nghĩa là "viên ngọc". Hoàn toàn không quá đáng khi người dân Cộng hòa dân chủ Đức trước đây gọi bà là "viên ngọc sáng" của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trên đất nước này. Đó cũng là một trong những "viên ngọc sáng" của thế hệ những người thanh niên cách mạng đầu tiên đã sống, hoạt động để xây dựng nhà nước công - nông trên quê hương của Karl Marx.

Là con gái một thợ giày - đảng viên Cộng sản, từng bị giam cầm, tra tấn dã man trong các nhà tù phát xít, Margot Honecker theo gương cha, đã tham gia cách mạng từ khi còn là một thiếu nữ. Năm 1945, ở tuổi 18, bà trở thành đảng viên của Đảng, hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên ở bang Sachsen - Anhalt, phụ trách công tác Đội thiếu niên, tuyên truyền, giáo dục. Năm 1949, năm Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức ra đời, ở tuổi 22, bà tín nhiệm được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên tự do Đức, Chủ tịch Đội thiếu niên Ernst Thaelmann. Cũng năm đó, bà là đại biểu Quốc hội trẻ nhất của đất nước, đã dâng hoa lên vị Chủ tịch nước đầu tiên là Wilhelm Pieck - nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cũng từng là thành viên Đoàn đại biểu của thế hệ trẻ Cộng hòa dân chủ Đức đi thăm nhiều nước cộng hòa Xô-viết, được gặp Đại nguyên soái Stalin và chứng kiến sự sôi động của thanh niên Liên Xô trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Năm 1953, bà kết hôn với Erich Honecker - lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Đoàn thanh niên tự do Đức, một người bạn thân thiết, một người anh lớn đã giúp đỡ, dìu dắt bà trên những chặng đường công tác. Năm đó, cô con gái đầu lòng của ông bà đã ra đời, tên là Sonja, hiện nay là nhà báo tự do ở Chile, đã có hai con (một trai, một gái).

Cuộc đời hoạt động của Margot Honecker khá phong phú, nhưng nét nổi bật nhất là những cống hiến của bà trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Ngay từ năm 1963, ở tuổi 36, bà được Quốc hội nhất trí bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và bà đã giữ trọng trách này trong 26 năm liền với tài năng quản lý và năng lực lãnh đạo tài giỏi hiếm có.

Tôi từng viết: "Erich Honecker (người chồng của bà) là linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam ở Cộng hòa dân chủ Đức trong hàng chục năm nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược. Cũng hoàn toàn đúng, khi nói bà là linh hồn, là chủ xướng của phong trào ủng hộ Việt Nam trong ngành Giáo dục ở nước này. Bà đã chủ trương và phát động rất sâu rộng phong trào "Trường học cho Việt Nam", thu hút hàng triệu thanh, thiếu niên trong các trường học ở CHDC Đức vào việc quyên góp vật chất và ủng hộ tinh thần cho các bạn trẻ Việt Nam. Đó là cả một phong trào rộng lớn và hết sức phong phú, làm cho mọi người, kể từ những em bé trong các trường mẫu giáo sớm trở thành những chiến sĩ quốc tế.

Là một phóng viên của thông tấn xã Việt Nam thường trú tại CHDC Đức trong suốt thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi đã chứng kiến những "trung tâm Việt Nam" ở các trường học của nước này - nơi các bạn trẻ tổ chức những hoạt động hữu ích như thu lượm giấy cũ, chai lọ để bán lấy tiền góp vào quỹ ủng hộ Việt Nam; giới thiệu các bức vẽ, bài thơ của các em nói lên tình đoàn kết gắn bó với các bạn trẻ và nhân dân Việt Nam. Những phong trào như "Púppê cho Việt Nam"... gợi nhớ những tấm lòng đẹp đẽ của thiếu nhi, của thanh niên Đức gắn bó với Việt Nam.

Những năm tháng ấy, trên màn ảnh nhỏ, dường như ngày nào cũng giới thiệu sự xuất hiện của bà Margot Honecker trong phong trào đoàn kết ấy. Bà đặc biệt yêu mến các bạn nhỏ Việt Nam có dịp sang CHDC Đức nghỉ mát, tham gia các trại hè quốc tế. Những khoảnh khắc ấy, bà như một người mẹ đầy tình thương mến. Bởi vì, bà thấu hiểu những nỗi khổ, những hy sinh, mất mát của con người trong chiến tranh. Chính bà, không ai khác, ở tuổi niên thiếu, đã chứng kiến những trận bom khủng khiếp, những cảnh hoang tàn, đổ nát ở thành phố Halle quê hương bà. Chính bà, không ai khác, đã trải qua một tuổi thơ đầy vất vả: Mẹ mất sớm, cha bị giam cầm, có lúc không nhà không cửa đã cùng em trai là Manfred (sau này là Trưởng ban Tuyên truyền đối ngoại của Trung ương Đảng) phải lang thang nay đây mai đó cho đến ngày giải phóng.

Lần đầu tiên tôi được gặp bà, nói chuyện với bà là mùa xuân năm 1973, khi chúng tôi - một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam - đi theo Đại sứ ta đến trụ sở Bộ Giáo dục ở phố Unter den Linden (dưới hàng cây bồ đề) để trao bà lời kêu gọi của Liên hiệp các trường học Việt Nam chống Mỹ tàn phá các cơ sở giáo dục - đào tạo. Bà Honecker, gương mặt hiền hậu, sáng ngời, với mái tóc vàng óng ả đã điểm những sợi bạc trắng, bày tỏ với các bạn Việt Nam sự ủng hộ triệt để của cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục, của các thầy, cô giáo và các em học sinh CHDC Đức trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Sự ủng hộ ấy đã được thể hiện bằng một phong trào quần chúng rộng khắp và náo nhiệt. Những đồng Mark, những lít máu, những dụng cụ học tập, những bản kiến nghị với hàng ngàn chữ ký được gửi sang Việt Nam. Và các tác phẩm thơ ca, nhạc, họa liên tiếp ra đời.

Tôi nhớ mãi chương trình "Để cho tiếng hát vang trên sông Hồng" do Đài Tiếng nói CHDC Đức đề xướng, thường xuyên phát đi những bài ca, bản nhạc do thính giả yêu cầu để góp tiền ủng hộ Việt Nam. Và thơ, đâu cũng có thơ, thơ của em nhỏ, của các cụ già, có thể dịch và xuất bản thành những tác phẩm dày dặn để lưu giữ mãi tấm lòng của bạn bè ta ở đất nước Trung Âu này. Đặc biệt, các nhà thơ lớn đều có thơ ủng hộ Việt Nam. Max Zimmermann, một chiến sĩ chống phát xít kiên cường, nhà thơ cách mạng ưu tú, viết cho các bạn nhỏ Việt Nam:

"Giờ đây
Các anh nghe tiếng bom rơi
Nghe rất gần
Rơi trên đất nước các em
Và, cũng như các em
Các anh học ghét
Ghét những tên giết người, từ USA.
Vì vậy, không một ngày - dù chỉ một ngày trôi qua
Các anh không nghĩ tới các em
Các anh không làm một việc tốt
Để ủng hộ các em, trong chiến đấu".

Bà Margot Honecker đã đọc và chỉ thị xuất bản rộng rãi các bài thơ như vậy.

Từ sau lần gặp bà ở trụ sở Bộ Giáo dục, do nhớ mặt, cứ thấy tôi ở đâu, bà lại đến gần thăm hỏi. Dần dần, tôi cũng cảm nhận ngày một sâu sắc tình cảm, tấm lòng của bà đối với một nhà báo Việt Nam bình thường. Ở bà, tôi kính trọng như một người mẹ, một người chị, một nhà lãnh đạo cao cấp có trái tim nhân hậu. Có lần bà nói với tôi: "Chúng ta không nên bị ràng buộc bởi các nguyên tắc lễ tân. Đồng chí ít tuổi hơn, tôi xin coi như em trai trong nhà. Nếu cần gì, em cứ gọi điện cho chị…".

Tất nhiên, về phía mình, tôi không bao giờ dám lạm dụng lòng tốt đó. Song, vì công việc, đã có những lần tôi đến văn phòng của bà - nơi có căn buồng làm việc nhỏ, trang nhã, được trang trí giản dị, không có gì ngoài một chậu hoa và trên tường treo bức chân dung của bà Krupxcaia. Có lẽ lần gặp và làm việc lâu nhất với bà là khi tôi xin giới thiệu quá trình phát triển ngành giáo dục ở CHDC Đức. Bà dành chừng 30 phút nói những nét cơ bản, sau đó cử một vài chuyên gia giới thiệu những khía cạnh cụ thể. Từ các hiểu biết đó, tôi hoàn thành bài viết "Quá trình tiến tới một hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa thống nhất" (đã đăng Báo Nhân dân, số ra ngày 26/9/1979).

Ông bà E.Honecker -M.Honecker tại một cuộc gặp mặt với các nhà giáo CHDC Đức (năm 1978).

Cũng do kính trọng và quý mến bà, tôi tìm đọc khá nhiều về tiểu sử của bà. Đương nhiên, bà không phải là người thích giới truyền thông viết về mình, cũng như rất hiếm khi bà xuất hiện bên cạnh chồng mình với tư cách "Đệ nhất phu nhân". Nhưng rồi, với những tư liệu ngày càng nhiều về bà, tôi đã có thể hình dung đầy đủ về quê hương, hoàn cảnh gia đình của bà từ thời thơ ấu, về những hoạt động xã hội đầu tiên của bà, và cả về mối tình đầu trong trắng, nên thơ của người nữ chiến sĩ cộng sản ưu tú này. Con đường đời của bà một phần nào đó phản chiếu bước đường phát triển 40 năm của Nhà nước CHDC Đức xã hội chủ nghĩa. Riêng chặng đường 26 năm làm Bộ trưởng Giáo dục trong lịch sử 40 năm của một đất nước (ngót 70% chiều dài) cũng đã nói lên rất nhiều. Và trong 26 năm ấy, có những năm bà sống và cống hiến cho Việt Nam. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in các cuộc tiếp xúc của bà với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và nhất là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Một buổi chiều, trong trụ sở "Hội nghị các nhà giáo" trên quảng trường Alexander, trước hàng ngàn đại biểu nhà giáo cả nước, hai bà Bộ trưởng - cùng lứa tuổi, cùng gương mặt thông minh, sáng đẹp, đã nắm tay nhau giơ cao trong tiếng hát rộn ràng:

"Ngược ban mai lạnh giá
Ngược gió cuốn bên sông
Tương lai chờ ta đó
Tiếng hát rộn muôn làng
Tiến lên! Giữa sớm mai hồng
Quê hương rực sáng muôn trùng tin yêu!!!

Và tôi lại nhớ, vào năm cuối đời, lãnh tụ Erich Honecker và bà Bộ trưởng Giáo dục Margot có một lần cùng nhạc sĩ A.Andert hát bài do nhạc sĩ sáng tác:

"Chúng ta khắp mọi nơi trên trái đất này
Có một vì sao sáng soi trái đất chúng ta!"

Nhạc sĩ hát xong, nói:

- "Thưa ngài Honecker, nhưng vì sao ấy dường như đang bị mờ đi…".

lãnh tụ Honecker nhìn nhạc sĩ, nhìn người vợ thân yêu, dõng dạc nói:

- "Đã là vì sao, nhất định nó sẽ ngời sáng!".

Nói đến "vì sao", chính là nói đến chủ nghĩa xã hội, nói đến niềm tin không bao giờ lay chuyển nổi ở Erich Honecker cho đến giây phút trút hơi thở cuối cùng. Hiện nay, sống ở phố La Reina, thủ đô Santiago (Chile), trong một biệt thự cao cấp, vợ của ông, bà Margot, vẫn giữ trọn niềm tin ấy. Từ nước Đức quê hương bà, những người bạn, những người đồng chí vẫn thường xuyên gửi sách báo, tin tức, tài liệu cho bà đọc để theo dõi sự phát triển của đất nước. Niềm tin của bà cũng được giữ vững và củng cố trong tình bạn với những người cộng sản Chile và Nam Mỹ - những người cùng bà viết sách, cùng bà ngày ngày đàm đạo về các vấn đề trọng đại của thời cuộc, cùng bà thực hiện những chuyến viếng thăm nặng tình đồng chí. Trong trái tim bà, Erich Honecker vẫn sống - Bà vẫn tự hào nói rằng, đó là "một người chồng tuyệt vời, người cha mẫu mực, người đồng chí chung thủy".

Lại nhớ, một trưa hè năm 2007, năm bà tròn 80 tuổi, tôi đã đến thăm khu Wandlitz - nơi ông bà và tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng sống từ năm 1960. Đó là một cánh rừng cách xa Berlin chừng 30 cây số, gồm các loại cây: sồi, thông, tiêu huyền… Nhà ông bà Honecker ở số 11, trên đường Habicht (Chim Ó). Ngôi nhà 2 tầng, khá giản dị. Tôi đứng chụp ảnh trước cửa, cảm thấy nao nao một nỗi buồn vì ngôi nhà giờ đây vắng chủ.

Tôi nhẹ nhàng rút từ trong cặp ra tấm hình trước kia bà Margot đã tặng tôi: Bức ảnh bà chụp Noel 1943 - năm bà lên 16 tuổi và tôi mới ra đời. Chúng tôi đã từng nói chuyện về cái năm 1943 ấy. Ở Đức cũng như Việt Nam, đó là một năm đen tối. Song, nhìn gương mặt dịu dàng, xinh đẹp của bà thời thiếu nữ, không thể không tin rằng, cuộc đời vẫn đi lên, nhất định ngày một tốt đẹp

Trần Đương
.
.
.