Một người lính trở về sau 30 năm được công nhận liệt sĩ

Thứ Hai, 07/09/2009, 14:45

Gần một tháng nay, người dân xã Lạc Đạo (Văn Lâm - Hưng Yên) xôn xao về việc liệt sĩ Lê Đức Luận bỗng trở về nhà sau 30 năm hi sinh!

Ông Luận sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1974 tại Trung đoàn 774, Sư đoàn 317 với số hiệu quân nhân: 145.957.74. Nhiều năm qua, trên bàn thờ của gia đình vẫn có bức chân dung ông Luận, cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công "Liệt sĩ Lê Đức Luận, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; thời gian hy sinh được ghi là năm 1980 (không có ngày, tháng)...

Năm 1973, Lê Đức Luận và cô thôn nữ Phạm Thị Nhài thành gia thất. Lúc này, sự nghiệp giải phóng miền Nam tiến triển nhanh chóng từng ngày, đang rất cần sức người, sức của cho ngày toàn thắng. Làm trai thời chiến, như bao người thanh niên khác ông Luận hăng hái nhập ngũ trong đợt tuyển quân đầu năm 1974; khi vợ ông vừa mang thai được vài tháng.

"Bố tôi nhập ngũ được 4 tháng thì mẹ tôi sinh tôi - anh Lê Đức Luân, người con trai duy nhất của ông Luận, tâm sự. Tôi không biết mặt bố cho đến lúc đi học lớp 1, khi đó bố tôi mới về thăm nhà được vài ngày rồi trở lại đơn vị, sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Từ đó, đằng đẵng 30 năm sau tôi mới gặp lại bố tôi".

Đầu tháng 8/2009, gia đình cụ Lãi có một người khách lạ tìm đến. Đó là một người đàn ông chững chạc, tự giới thiệu tên là Hoàn, đang làm việc cho một tổ chức từ thiện. Anh Hoàn đem đến thông tin khiến cả nhà cụ Lãi sửng sốt: Liệt sĩ Lê Đức Luận vẫn còn sống và hiện đang ở Campuchia. Anh Hoàn đã cung cấp cho gia đình những thông tin rất quý, trong đó có số điện thoại của Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, Campuchia.

Anh Lê Văn Nhận (em thứ ba của ông Luận) liên lạc với ông Trần Công Thịnh, cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, thì được biết, việc tìm thấy ông Luận là rất tình cờ. Đầu tháng 6 vừa rồi, khi ông Thịnh tới phòng khám của bác sĩ Trần Thanh Tùng (Hội trưởng Việt kiều tại Siêm Riệp) thì ngẫu nhiên gặp ông Luận. Nói chuyện đến hồi thân mật, ông Luận cho biết mình là bộ đội tình nguyện Việt Nam, do bị thương nặng trong một trận đánh, nên đã thất lạc đơn vị và gia đình vài chục năm nay...

Tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lê Đức Luận mới được gia đình gỡ xuống.

Theo lời ông Luận, trong một lần truy kích tàn quân Pônpốt mùa khô năm 1981, chiếc xe ôtô chở tiểu đội của ông Luận bị vướng mìn, nổ tung rồi lật nhào. Khi ông Luận tỉnh dậy thì các đồng đội của mình đã hi sinh; bản thân ông bị sức ép, máu me đầy người... Ông Luận được những người dân địa phương tốt bụng chữa trị, che chở; song từ đó, ông không thể nhớ được đơn vị, tên tuổi, quê quán và những người thân của mình. Sau vài năm sinh sống cùng dân làng, ông đã nên duyên vợ chồng với một phụ nữ người Khơmer và sinh được hai cô con gái, cô út sinh năm 1991, cô lớn 24 tuổi vừa lập gia đình.

Ngày tháng thoi đưa, thỉnh thoảng, ông Luận cũng nhớ ra một điều gì đó về chính mình, nhưng cũng chỉ là những mảnh vụn ký ức chớp nhoáng. Tới tháng 6 vừa qua, ông đưa vợ đến khám tại phòng khám của bác sỹ Tùng thì được gặp ông Trần Công Thịnh. Với sự nhạy cảm của một cán bộ làm công tác ngoại giao trên đất nước bạn, ông Thịnh đã lắng nghe, chắp nối các thông tin và xác định quê hương, bản quán của "liệt sĩ" Lê Đức Luận; rồi tìm cách nhắn về Việt Nam...

Cuộc đàm thoại đầu tiên giữa anh Nhận với anh trai diễn ra trong mối ngờ vực, bởi lẽ, đã ngần ấy năm gia đình tổ chức cúng giỗ cho liệt sỹ Lê Đức Luận. Ông Luận không còn nhớ được nhiều về quá khứ, tất cả đều là những hình ảnh mờ mịt trong tâm trí. Anh Nhận hỏi, nếu đúng là anh Luận tôi, thì hồi bé hai anh em thường chơi với nhau ở đâu? Chững lại một lát, ông Luận thốt lên hai tiếng "Vườn trong!"; và vùng ký ức mờ sương của  ông Luận chợt bừng lên.

Nhà có hai mảnh vườn, mảnh vườn trong rất rộng, um tùm cây cối, là nơi thời ấu thơ anh em thường chơi trốn tìm, hái quả, lượm củi. Rồi cây sấu đầu ngõ, khi chia tay lên đường tòng quân, ông Luận đã vỗ về, vuốt ve từng vết sần sùi thân cây, hẹn ngày gặp lại... Từng đó thông tin và sau vài lần liên lạc, đủ để anh Nhận khẳng định người đang nói chuyện chính là anh trai của mình.

Hai người đàn ông xa cách nhau hàng nghìn kilômét, giàn giụa nước mắt rồi khóc tu tu như hai đứa trẻ. Mỗi người một trạng thái cảm xúc, bởi người thì tưởng đã cách biệt âm dương, người thì bỗng nhận ra chính mình.

Gia đình cụ Lãi gấp gáp làm các thủ tục cử người đi đón "liệt sĩ" Luận về nhà. Anh Lê Văn Đạt (em út ông Luận) và người con trai Lê Đức Luân bay vào TP HCM, rồi đi bằng đường bộ sang Siêm Riệp. Với sự giúp đỡ của bác sĩ Trần Thanh Tùng, hai chú cháu anh Đạt được đưa tới một căn nhà nhỏ trong thị trấn, có quán nước mía bên đường.

Cuộc trùng phùng mừng mừng tủi tủi, anh Luân nghẹn ngào ôm lấy người đàn ông - cha mình với khuôn mặt đã trở nên rất xa lạ sau 30 năm bặt tin. Anh Đạt cũng trào nước mắt ôm chặt lấy hai cha con ông Luận... Người vợ và hai con gái của ông Luận không nói được tiếng Việt, cứ luống cuống không biết chuyện gì đang xảy ra.

Qua lời ông Luận phiên dịch, họ hiểu ra tất cả và lặng lẽ đứng khóc. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, ba người đàn ông lại bắt chuyến xe tốc hành trở về TP HCM và bay ra Hà Nội.

Đêm 17/8, tại ngôi nhà cổ của gia đình cụ Lãi có mặt đông đủ đại gia đình và nhiều bà con trong xóm. Chong đèn tới 1 giờ đêm, thì anh Đạt, anh Luân cùng ông Luận đi taxi về tới nhà. Trong lúc cụ Lãi, bà Nhài ôm chầm lấy con, chồng mà khóc thì ông Luận vẫn ngơ ngác như một người xa lạ... Có lẽ mừng nhưng cũng tủi phận nhất là bà Nhài, đã 30 năm bà ở vậy nuôi con, chờ - và thờ chồng. Biệt li từ lúc tóc còn xanh, đến khi đoàn tụ thì mái đầu của hai người đã bạc quá nửa, đã lên chức ông, chức bà! 

Ông Luận tỏ ra khá kiệm lời khi nói chuyện với chúng tôi. Có lẽ, vùng kí ức của ông mới chỉ phục hồi được phần nào... Chiều 4/9, con trai ông Luận, anh Lê Đức Luân cho chúng tôi biết, hiện tại, chính quyền xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Lâm đã biết việc ông Luận trở về. Ông Luận cũng đã nộp một số giấy tờ liên quan cho xã. Cả nhà đều mong muốn được chăm sóc ông Luận, để ông được sống những ngày vui vẻ, yên bình trên chính mảnh đất quê hương, nơi ông đã sinh ra.

Phần ông Luận, khi chúng tôi hỏi về người vợ và hai cô con gái bên Campuchia, ông Luận nhìn ra xa xăm rồi chậm rãi nói: "Ba mẹ con bà ấy vẫn mong tôi sẽ trở về!". Chúng tôi không dám hỏi thêm ông Luận điều gì, vì mọi câu hỏi đều có thể làm tổn thương đến người khác.

Những người lính như ông Luận là số phận đặc biệt của chiến tranh. Ông đã chiến đấu vì đại nghĩa của người dân Campuchia và được những người dân, trong đó có người vợ cưu mang, che chở. Những người lính từng chiến đấu, hy sinh, chịu nhiều rủi ro, tật bệnh như ông xứng đáng được sống bên cạnh những người thân yêu nhất

Duy Hiển - Ngọc Yến
.
.
.