Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Ngô Thị Huệ:

Một người con ưu tú của lực lượng Công an

Thứ Tư, 01/05/2013, 10:04
Tôi may mắn được gặp bà - nữ Anh hùng LLVTND, Trung tá Ngô Thị Huệ (tức Minh Hiệp, Bảy, Minh Mười, Mười Huệ, Ngọc Đào v.v…), chiến sĩ điệp báo nổi danh của Quảng Đà những năm chống Mỹ, nhân dịp bà ra Hà Nội tham gia chương trình “Ký ức lịch sử CAND” do Bộ Công an tổ chức.

Trong sự kiện đặc biệt này, bà như một hiện thân sống động của quá khứ hào sảng và Anh hùng của lực lượng Công an trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bởi, trong những năm tháng chiến tranh, người phụ nữ nhỏ bé này đã tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân, xây dựng được gần 30 cơ sở cách mạng. Những thành tích của bà đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua v.v… Ngày 29/8/1985, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Bà đưa tôi ngược dòng ký ức, trong những giọt nước mắt nghẹn ngào, trong nỗi xúc động dâng trào khi nhắc về những đồng đội xưa, nhất là những người đã hy sinh. Tôi hiểu rằng, chỉ có người từng trải qua bao đau thương, mất mát, mới nặng lòng đến thế khi đối diện với những năm tháng bi hùng trong quá khứ…

Nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở làng Hương Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Trong 8 anh chị em, có 5 người đã tập kết ra Bắc. Theo gương các anh chị, từ năm 13 tuổi, bà đã hoạt động cách mạng, rải truyền đơn, mua hàng hóa tiếp tế cho cách mạng, canh gác cho cán bộ. 14 tuổi, đã tham gia diệt ác phá kềm. 16 tuổi, bà đã có mặt trong Đội công tác cánh Bắc Hòa Vang, Đà Nẵng và là một trong những thành viên tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ.

Bà nhỏ người, nên sinh năm 1939, nhưng giấy tờ đều ghi 1942, lùi tuổi lại, để dễ bề hoạt động. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà phải vào rất nhiều “vai”, thậm chí, từng có thời gian dài phải đi ở, đóng vai gái điếm, để lấy tin tức. Đã 4 lần bà bị địch bắt, bị tra tấn dã man, nhưng lần nào bà cũng “từ cõi chết trở về chói lọi”.

Bà kể, hồi còn nhỏ, có lần đang canh gác cho các đồng chí cán bộ họp ngay trong nhà bà, địch bất ngờ ập đến. Nhanh trí, bà lao ra chuồng trâu, tháo hết các gióng chuồng, lùa trâu chạy tán loạn ra đường, rồi la toáng lên là trâu bị xổng chuồng. Bà con vội vàng ùa ra để giữ trâu, đã tạo nên cảnh rất hỗn loạn. Thừa cơ, một số cán bộ của ta chạy thoát, một số kịp trốn xuống hầm bí mật. Sau vụ đó, bà và cha bà cùng bị địch bắt. Nhưng 2 cha con đều kiên cường chịu đựng mọi đòn tra tấn của địch, kiên quyết không khai, nên bọn giặc không tìm được chứng cứ gì, đành phải thả.

Anh hùng, Trung tá Ngô Thị Huệ và chồng tại Hà Nội.

Ít lâu sau, gia đình bà cũng phải vào ấp chiến lược theo âm mưu dễ bề kiểm soát của địch. Không chịu thua kẻ thù, bà tiếp tục nghiên cứu quy luật hoạt động của những tên ác ôn có nợ máu, rồi bố trí để trinh sát của Đội công tác tiêu diệt chúng. Bà cũng móc nối với những người trong hàng ngũ địch có cảm tình với cách mạng, để phát hiện ra vị trí địch cài mìn, lựu đạn, giúp Đội công tác vào ra ấp chiến lược thuận lợi, để vận động quần chúng được an toàn tuyệt đối.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, cuối năm 1967, bà được lệnh tìm cách đưa một đồng chí lãnh đạo Ban An ninh khu 5 đột nhập vào trụ sở Quốc dân Đảng. Đây là công việc hết sức khó khăn, vì quãng đường từ căn cứ ra Đà Nẵng chỉ mấy chục cây số, mà dày đặc trạm gác của địch. Chúng kiểm soát gắt gao, chỉ cần phát hiện có dấu hiệu khả nghi là bắn bỏ. Bà phải nghiên cứu kỹ lưỡng từng quãng đường, từng trạm gác, để có phương án đối phó, rồi lo chuẩn bị giấy tờ, tiền nong để hối lộ cho bọn địch ở các trạm. Bà kể, bà còn phải chú ý cả cách ăn mặc, hóa trang cho đồng chí cán bộ như một ông già đi ăn giỗ về, để che mắt địch. Với sự chuẩn bị kỳ công, mưu trí, sáng tạo và cả lòng dũng cảm, cuối cùng, bà đã đưa được đồng chí lãnh đạo đến nơi an toàn, rồi lại tất tả trở về căn cứ. 

Có dạo, mấy tên xã trưởng, cảnh sát trưởng và ấp trưởng phối hợp với nhau ráo riết tổ chức bắt bớ các cơ sở cách mạng, khiến phong trào gặp không ít khó khăn. Lực lượng cách mạng hiểu rằng, chỉ có tiêu diệt những tên đầu sỏ này, mới ngăn chặn được thiệt hại, đồng thời, động viên phong trào diệt ác phá kềm. Nhờ sự giúp đỡ của các cơ sở trong hàng ngũ địch mà bà đã dày công xây dựng, bà đã nắm được quy luật hoạt động, đi lại của những tên ác ôn này. Khi thời cơ chín, Út Huệ lên kế hoạch và cùng đồng đội tiêu diệt nhóm ác ôn ngay tại địa bàn, dù bà hiểu, khả năng hy sinh không thể không có.

Quá trình hoạt động cách mạng, bà đã nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man. Bà phải nếm đủ mọi đòn tra man rợ nhất của kẻ thù. Hết quay điện, đánh đập, lại đến dìm trong những thùng phuy chứa nước xà phòng, nước vôi, rồi dùng kìm kẹp ngực, kẹp tay, thậm chí, chúng còn giở cả những trò đê tiện với cô gái đang ở tuổi hai mươi hòng khuất phục bà. Rồi chúng lại giở trò mua chuộc, nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất kiên trung.

Năm 1969, trong một lần đưa cơ sở về căn cứ huấn luyện, bà bị máy bay ném bom và bị thương rất nặng, bà được đưa ra miền Bắc, rồi được đưa đi nhiều nước để chữa trị vết thương. Sau đó, từ năm 1971, bà về công tác ở Bộ Công an cho đến khi miền Nam giải phóng, mới trở lại Đà Nẵng công tác.

Ít lâu sau, bà gặp ông, vốn là chồng của một bạn tù cùng bà đã hy sinh. Từ thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia, họ nên duyên chồng vợ. Bà bảo, thấy hoàn cảnh ông và 2 đứa con còn nhỏ, thương lắm, nên tự nguyện thay bạn gánh vác. Vì cuộc đời bà, ăn cơm góp quen rồi, không có gì phải tính toán. Bà chỉ nghĩ đơn giản, bà thương các con chồng thật lòng, thì rồi, các con cũng sẽ thương bà như ruột thịt. Bị tù đày, tra tấn, bà đã không còn khả năng sinh nở, nên tình cảm càng dồn cho các con. Suốt mấy chục năm qua, bà đã thực sự là người mẹ, làm chỗ dựa cho các con, là điểm tựa tinh thần cho chồng.

Bà rất vui khi chia sẻ: 2 người con trai nay đều đã thành đạt và rất chăm chút hiếu đễ với cả 2 ông bà. Mỗi lần ông bà đi xa, các cô con dâu đều tự tay lo toan, chuẩn bị từng viên thuốc, từng chiếc khăn. Thật vui về cái kết có hậu của người nữ Anh hùng

Thanh Hằng
.
.
.