Một ngày đi khám mắt

Thứ Năm, 03/05/2007, 15:45
Sau một hồi đo đạc, cho con tôi thử các loại mắt kính, người đàn ông thông báo một kết quả làm tôi điếng người: "Mắt trái loạn thị: 0,5, mắt phải: cận 1,75". Không tin lắm, tôi tới Viện Mắt và kết quả là: Mắt bình thường, không cận cũng chẳng viễn, chỉ hơi bị mỏi mắt.

Kính thuốc - ngay từ cái tên gọi đã quy định nó dùng để chữa bệnh. Đã là chữa bệnh thì phải do những người có chuyên môn thực hiện nhưng thực tế tại thành phố, thị trường này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Mạnh ai nấy làm. Thậm chí bệnh viện khác nhau cũng cho kết quả khác nhau. Chưa có một tổng kết nào về tác hại của việc sai sót khi chỉ định đeo kính thuốc nhưng bài viết sau đây của chúng tôi cũng như một lời cảnh báo cho những ai đang có ý định đo độ mắt và cắt kính mới.

Chưa có độ thì đo cho... có độ

Thấy cậu con trai dạo này chăm chỉ lên máy tính, tôi lo cho cặp mắt bị tổn thương do cứ phải dán mắt vào màn hình liên tục cả tiếng đồng hồ. Sự mệt mỏi của đôi mắt như muốn kéo sụp đôi mi thằng nhỏ xuống, tôi quyết định cho con đi kiểm tra mắt.

Tại một cửa hàng kính thuốc đầu tiên trên đường Quang Trung, Gò Vấp, anh chàng bán kính - có thể gọi vậy bởi anh ta xác nhận chưa qua trường lớp nào, lôi ra một hộp "đồ nghề" bao gồm rất nhiều mẫu kính có ghi số độ trên đó. Anh ta cứ thay hết cái này đến cái khác vào mắt bên phải rồi mắt bên trái thằng bé. Đồng thời yêu cầu cháu đọc những chữ cái trên tấm bảng ở cách đó vài mét.

Tuy đo khám rất "thủ công" như vậy nhưng tư vấn thì hết sức chuyên nghiệp: "Con chị mắt trái cận 0,5 độ. Mắt phải bình thường. Đeo kính cũng được mà không đeo cũng được". Và khuyên tôi nên cho cháu đeo cặp kính chống tia cực tím để… ngồi máy tính với giá khoảng trên 200.000 đồng (tuỳ gọng).

Không tin tưởng lắm vào cơ sở vật chất nhỏ bé của anh ta, tôi quyết định đưa con tới tiệm lớn hơn cũng ngay trên đường Quang Trung. Hơn 1 phút áp mặt vào chiếc máy có xuất xứ nước ngoài và sau 4 lần cậu kỹ thuật viên trẻ măng bấm chụp, hông máy nhả ra một mảnh giấy nhỏ cho các thông số.

Sau một hồi vẻ như tính toán, anh ta thông báo với tôi: "Mắt trái cận 0,75 độ. Mắt phải bình thường" và khẳng định con tôi cần đeo kính. Sau đó lại tiếp tục y chang những thao tác mà tiệm trước đã làm. Thằng bé lại được đeo những mẫu kính khác nhau và đọc những hàng chữ nhỏ. Dù cô bán hàng đã ăn nói rất khéo nhưng một thoáng do dự đã giúp tôi quyết định tới một cơ sở của bệnh viện hẳn hoi cho chắc ăn.

Kính thuốc 175 - một cửa hàng mà mới nhìn quy mô của nó đã đủ thấy ấn tượng. Sau một hồi cũng đo, cho con tôi đeo kính thử đi lại, người đàn ông thông báo một kết quả làm tôi điếng người: "Mắt trái loạn thị: 0,5, mắt phải: cận 1,75." Ra phòng ngoài, cô nhân viên bán hàng thông báo cho tôi một cặp mắt kính thường 80.000 đồng, gọng tính riêng giá tuỳ chọn. Sự chênh lệch lớn về độ mắt khiến tôi hết dám mua. Tôi quyết định tới Viện Mắt.

Có lẽ quyết định không mua kính ngay là quyết định chính xác nhất của tôi ngày hôm đó. Khi đến Viện Mắt, một kết luận trên sổ khám bệnh đàng hoàng: Mắt con tôi bình thường, không cận cũng chẳng viễn, chỉ hơi bị mỏi mắt. Thở phào nhẹ nhõm sau nhiều giờ lo nghĩ, tôi chợt nhận ra điều khác biệt lớn nhất giữa tiệm kính thuốc của viện mắt là ở đây khám có thu phí với mức 25 nghìn đồng, còn ở các nơi khác hầu hết là miễn phí.

Lời khuyên thầy thuốc

Theo chuyên viên khúc xạ Trần Hoài Long - Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, máy đo khúc xạ tự động dễ sử dụng. Nhưng độ chính xác thì không phải máy nào cũng đúng, tùy thuộc vào nhà sản xuất. Và muốn đo khám mắt thì người đo, khám phải học rất nhiều, ít nhất là phải học 6 tháng về tật khúc xạ và có 6 tháng thực hành đo, khám mắt…

Bác sỹ chuyên khoa mắt thì không phải ai cũng có thể đo, khám các tật khúc xạ chính xác. Hơn nữa chỉ đo, khám mắt chính xác chưa đủ mà còn phải đo ra công thức kính đúng, kê toa kính chính xác (đúng về độ cầu, độ loạn và công suất) và phải lắp kính chuẩn.

Ngược lại, nếu đeo kính không đúng tật khúc xạ (cận, viễn hoặc loạn) sẽ bị tác hại như trước mắt sẽ có các triệu chứng biểu hiện rõ như nhức mắt, nhức đầu, nhìn không rõ. Tác hại lâu dài là bị nhược thị và dẫn đến lé".

Theo bác sỹ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, kính thuốc là một trong những dịch vụ liên quan đến sức khỏe của người dân. Theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, người được phép hành nghề kinh doanh kính thuốc phải có bằng trung học y tế và có trên 2 năm làm việc tại các cơ sở chuyên khoa mắt.

Cơ sở mắt kính cũng cần có điều kiện như bất cứ một cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Hạn định cuối cùng các cơ sở phải bổ sung các thủ tục theo Thông tư 09 của Bộ Y tế là ngày 31/12/2007, song phần lớn các cơ sở kính thuốc đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được Sở Y tế cấp phép.

Trước đây, đã có một khảo sát 413 cơ sở kính thuốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ có 19 cơ sở đủ điều kiện. Sự bùng nổ các cửa hàng kính thuốc hiện nay có thể còn ở mức độ nghiêm trọng hơn (con số chưa đầy đủ là trên 500 cơ sở), chính vì vậy bác sĩ Nghiệm cũng khuyến cáo, để tránh những tác hại do đo, khám và đeo kính không đúng, người bị tật về mắt nên đến những bệnh viện chuyên khoa có uy tín về đo, khám mắt và cung ứng kính thuốc để kiểm tra mắt chính xác và đeo kính đúng, chuẩn.

Nếu phải đến cửa hàng kính cần thận trọng trong sự lựa chọn để tránh mua lầm kính, hại mắt

Huyền Nga
.
.
.