Một linh mục có tấm lòng nhân hậu

Thứ Năm, 26/05/2005, 07:13

"Hầu hết chúng là những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi, từng chịu nhiều thiệt thòi khi mới chào đời. Về đây, các cháu được nuôi dưỡng lớn khôn, nhiều cháu đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Nếu có viết báo, chị đừng nêu tên thật kẻo bọn trẻ tủi thân". Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc cô nhi viện Thánh An Bùi Chu dặn tôi cặn kẽ.

Hôm nay cũng giống như mọi ngày, linh mục Phạm Ngọc Oanh trở về cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định). Thoáng thấy ông, đám trẻ ùa ra cửa ríu rít: "A, bố đến rồi, bố đến rồi...". Liệng vội chiếc xe vào lùm cây, ông ào đến bên chúng. Đứa ôm cổ, đứa cầm tay, đứa ngồi lên đầu gối thơm lên đầu, lên tóc ông rối rít như thể sợ đứa khác tranh mất phần. Sự hồn nhiên của con trẻ như làm tan biến mọi âu lo cơ cực, chỉ còn lại tình yêu thương tràn ngập trong lòng.

Sau một hồi vui đùa, linh mục Oanh bảo các con ngồi xuống để ông chia kẹo bánh giống như người mẹ chia quà cho con sau buổi chợ về. Những đôi mắt tròn ngơ ngác, những bàn tay nhỏ xíu xinh xinh chới với, khiến tôi thấy cay xè nơi sống mũi...

Hàng trăm mảnh đời thơ trẻ ở đây là bấy nhiêu cảnh ngộ khác nhau. Tất cả đã được linh mục Phạm Ngọc Oanh dang rộng vòng tay đón về nuôi nấng. Mỗi một cuộc đời là từng ấy mối âu lo chồng chất, nhưng cuộc sống, tình yêu của những đứa trẻ ngây thơ tội nghiệp đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao của đời ông. Niềm khao khát giản dị của trẻ thơ là một mái ấm gia đình, có cha có mẹ. Linh mục Phạm Ngọc Oanh đã là người cha, là chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời của biết bao số phận éo le.

Cũng từ mái ấm này, nhiều em đã khôn lớn và trở thành sinh viên đại học. Linh mục Phạm Ngọc Oanh phấn khởi kể rằng: "Công an tỉnh Nam Định cũng rất tạo điều kiện cho chúng tôi nuôi dưỡng các cháu lớn khôn. Từ nhiều năm nay, Thượng tá Đới Văn Giáp, Trưởng phòng đã "treo giải", em nào vào được THPT thì sẽ được tặng một bộ sách giáo khoa. Phần thưởng ấy đã khuyến khích các em rất nhiều". Nhiều em đã có nghề nghiệp ổn định, có tổ ấm gia đình riêng nhưng vẫn không quên được nơi này. Mỗi lần trở về đây, chúng như trở về với tuổi thơ đầy kỷ niệm, về với mái ấm và tình yêu thương. Cũng đã nhiều lần ông nhìn thấy chúng ôm nhau khóc "vì sợ khi khôn lớn bố Oanh không cho ở lại đây nữa". Cảm động trước những tình cảm thiêng liêng của con trẻ, linh mục Phạm Ngọc Oanh an ủi chúng: "Bố sẽ nuôi các con ăn học, không phải đi đâu nữa". Vậy là tất cả lại òa lên khóc vì sung sướng khi được "bố" cho ở lại nơi này. 

Những người cùng chung vai gánh vác nỗi gian truân vất vả với linh mục Phạm Ngọc Oanh là những "cô nuôi" mang tấm lòng và trái tim của người mẹ. Chị Nguyễn Thị Lanh tình nguyện vào đây khi còn là một thiếu nữ xinh đẹp, nay đã bước vào tuổi 35. Tuy vất vả nhưng chị Nguyễn Thị Thơm vẫn nở nụ cười tươi rói: "Dạo mới vào đây em cũng có phần e ngại vì ở nhà làm gì có những em bé khổ hạnh thế này. Nhưng vào đây rồi, em cảm thấy thương chúng vô cùng, không thể xa được nữa. Em tình nguyện ở đây suốt đời giúp cha Oanh nuôi các em"

Kim Thanh
.
.
.