Một hiện thân của Người mẹ Bàn Cờ

Thứ Sáu, 05/02/2016, 05:09
Đồng chí Lê Thanh Hải xúc động bày tỏ rằng, từng có thời gian sống và hoạt động ở Bàn Cờ, với ông ân nghĩa của người dân Bàn Cờ suốt đời không thể nào quên. Trong những năm tháng cách mạng, nơi đây đã có những đồng chí đồng đội rất thân thương đã anh dũng hi sinh.


Người dân Bàn Cờ với những người mẹ, người chị, người em ân cần chăm sóc, thắp sáng cho ông cháy mãi lửa nhiệt tình cách mạng, luôn sắt son chung thủy với Đảng trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.

Vào một ngày mùa Thu năm 1970, nhạc sỹ Trần Long Ẩn nhận được tin nhắn về ăn giỗ ở nhà một “Bà má phong trào”. Hôm đó, anh chị em sinh viên về ăn giỗ khá đông. Vào nhà, những người đến dự đám giỗ chợt thấy trên bàn thờ hình ảnh quen thuộc là cụ già râu tóc bạc phơ bên một đỉnh hương trầm khói lên nghi ngút và một bình hoa đỏ thắm xen lẫn 5 bông hoa vàng rực rỡ.

Đồng chí Lê Thanh Hải chúc mừng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – những người góp phần làm nên hình ảnh của Người mẹ Bàn Cờ.

Không ai nói ra, nhưng mọi người đều hiểu đó là hình ảnh tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc. Trong không khí đầm ấm trang nghiêm, đám giỗ cũng có đủ hoa quả, bánh trái, rượu, thịt… như bao đám giỗ khác. Sau đó năm nào cũng vậy, dù sống giữa lòng Sài Gòn dưới con mắt rình rập của địch, “Bà má phong trào” vẫn tổ chức được lễ giỗ Bác Hồ như thế.

Má Hai tên thật là Nguyễn Thị Xuân, quê gốc ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, lưu lạc vào Nam từ năm 1938. Má tham gia cách mạng từ năm 1945, được kết nạp vào Đảng năm 1950 tại Chi bộ Khánh Hội ở quận 4. Nhiệm vụ của má Hai là hoạt động bí mật, móc nối, gầy dựng và phát triển cơ sở cách mạng trong nội đô. Má Hai còn tham gia công tác phụ vận hoặc làm giao liên công khai từ nội đô Sài Gòn ra chiến khu. Bốn lần bị địch bắt giam, không biết bao lần bị địch tra tấn đến chết đi sống lại nhưng tra khảo chán chẳng tìm được bằng chứng gì, địch chỉ còn biết nhốt má một thời gian rồi phải thả.

Dấu tích của những trận tra tấn, đánh đập dã man để lại trên thân thể má Hai chi chít, một vết sẹo dài còn hằn sâu trên cánh tay của má. Vừa ra tù, má Hai lại tiếp tục lao vào hoạt động, đùm bọc che chở cho phong trào “những đêm không ngủ” cuả học sinh sinh viên. Má cùng các bà má khác trong phong trào xung phong đi tiếp tế, liên lạc… để ủng hộ phong trào học sinh sinh viên xuống đường phản đối chế độ Mỹ - ngụy.

Một trong những hình ảnh Người mẹ Bàn Cờ tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về Bà mẹ Bàn Cờ, người cựu tù Côn Đảo Phạm Huy Tưởng, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng được biết rằng, mải tham gia phục vụ cách mạng, má Hai cũng hầu như chẳng lo gì cho riêng mình. Chồng mất sớm, má Hai chỉ có một người con gái là Vũ Thị Hiền, một Đoàn viên cơ sở Đoàn ở nội ô Sài Gòn, đã hy sinh lúc 17 tuổi, ngay sau ngày giỗ đầu sinh viên Trần Văn Ơn. Làm ăn buôn bán dành dụm được đồng nào, má Hai lại đi mua đồ tiếp tế thăm nuôi những anh chị em sinh viên bị địch bắt. Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, nguyện vọng duy nhất của má Hai trong những năm cuối cuộc đời là được ra thăm miền Bắc và được vào lăng viếng Bác Hồ. Nhưng nguyện vọng chưa thành hiện thực, má Hai đã đi xa.

Xúc cảm trước hình ảnh của má Hai, nhịp điệu bài hát “Người mẹ Bàn Cờ” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn đã tuôn trào qua bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Kim Ngân, được giới sinh viên tham gia tranh đấu thời điểm đó truyền tay nhau, đọc cho nhau nghe. Sau này, khi má Hai vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, nhiều lớp học sinh sinh viên xưa vẫn tới lui thắp cho má hai nén hương trên bàn thờ má ở địa chỉ số 19, lô 7, chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 – địa điểm gắn với vùng lõm chính trị nổi tiếng với địa danh chợ Bàn Cờ, đường Bàn Cờ.

Bài hát “Người mẹ Bàn Cờ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn gắn liền với phong trào sinh viên tranh đấu ở các đô thị miền Nam một thời, còn vang vọng đến hôm nay. Nhưng tác giả lời thơ của bài hát này vẫn ít được người đời biết tới. Nguyễn Kim Ngân, tác giả bài thơ Người mẹ Bàn Cờ đã sống một cuộc đời bình lặng tại Phú Yên. Cuối những năm 1960, tác giả Nguyễn Kim Ngân vào Sài Gòn học ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Cũng như bao nhiêu người trí thức trẻ khác, anh cũng tham gia tranh đấu đòi hòa bình cho dân tộc trước sự kìm kẹp của ngoại bang. Đặc biệt cha của anh lại là liệt sĩ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân nên phong trào những “ngày xuống đường”, những “đêm không ngủ” lúc nào cũng có anh tham gia.

Trong một lần xuống đường biểu tình ở gần khu vực Bàn Cờ, bị cảnh sát đàn áp, để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Kim Ngân cùng nhiều bè bạn đã phải lánh vào nhà dân. Nguyễn Kim Ngân và bè bạn được các má nhận làm con, các chị nhận làm chồng để không bị cảnh sát truy bắt. Sự đùm bọc ân tình ấy của những người phụ nữ không họ hàng thân thích đã khiến trái tim nhà thơ rung lên thành vần điệu. Bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ” ra đời ngay trong lúc nguy nan ấy.

Đến dự lễ tại vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ nhân dịp nhân dân và các lực lượng vũ trang phường 3, quận 3 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải cũng đã dự chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật "Ký ức người mẹ Bàn Cờ".

Trong ngày đó, đồng chí Lê Thanh Hải xúc động bày tỏ rằng, từng có thời gian sống và hoạt động ở Bàn Cờ, với ông ân nghĩa của người dân Bàn Cờ suốt đời không thể nào quên. Trong những năm tháng cách mạng, nơi đây đã có những đồng chí đồng đội rất thân thương đã anh dũng hi sinh. Người dân Bàn Cờ với những người mẹ, người chị, người em ân cần chăm sóc, thắp sáng cho ông cháy mãi lửa nhiệt tình cách mạng, luôn sắt son chung thủy với Đảng trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.

Đồng chí Lê Thanh Hải cũng khẳng định, vùng lõm chính trị Bàn Cờ và nhiều vùng lõm chính trị khác ở thành phố mang tên Bác là hiển hiện sinh động khí phách, phẩm chất anh hùng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Đó là: Bám trụ kiên cường, kiên trung, bất khuất, một lòng một dạ hướng về cách mạng, về Bác Hồ, sắt son theo Đảng.

Dịp này, đồng chí Lê Thanh Hải cũng đã cùng đông đảo đại biểu giao lưu với các nhân chứng lịch sử, hiện thân của những Người mẹ Bàn Cờ “tay gầy tóc bạc phơ, chuyền cơm qua vách cấm, khi ngoài trời đã thưa”; những người chị “nhận sinh viên là chồng”; những người em “tần tảo trao tin thơ”… những người từng tham gia chiến đấu, hoạt động tại vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bàn Cờ, như cô Tư Liêm, từng là quyền Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định - người đã chỉ huy công tác chuẩn bị khởi nghĩa trong nội thành tại khu vực Bàn Cờ đầu năm 1975; cô Mười Thu, nguyên đội viên tổ võ trang tuyên truyền Thành đoàn trong chiến dịch Mậu Thân 1968; cô Đặng Thị Thiệp, một cơ sở cách mạng trung kiên...

Đức Thắng
.
.
.