Một già làng mẫu mực làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ

Thứ Sáu, 21/06/2013, 02:36
Vượt qua những “quy định cấm” của bản làng, già Hồ Văn Lô ở thôn Cleng, xã Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã tự mình làm giàu và vận động bà con rời bỏ hủ tục để phát triển kinh tế. Không những tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng trường học, già Lô mà còn nhận những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi và cho ăn học tử tế...

Người tiên phong xóa bỏ hủ tục

Vượt chặng đường rừng đầy đèo dốc, tôi tìm tới ngôi nhà của già Lô ở thôn Cleng. Khi gặp già Lô, thoạt nhìn thân hình chắc khỏe như thân cây pơmu giữa đại ngàn của ông, tôi không nghĩ ông đã 70 tuổi. Nghe tôi hỏi về những việc làm thiết thực, ý nghĩa để giúp bà con dân bản thoát nghèo, già Lô cười vang. Ông mời tôi thưởng thức món rượu đoác đặc sản của người Tà Ôi.

Và, trong hương rượu nồng ngây ngất, ông kể về cuộc đời mình: “Sau khi đi bộ đội về, già cưới vợ rồi dựng lều ở vùng rừng núi hoang vu này để bắt tay khai hoang vạt đồi sau nhà lấy đất trồng bắp, trồng sắn… Có bắp, có sắn rồi, già lại chuyển sang đào ao thả cá, trồng rừng tràm. Giờ rừng của già đã lên đến 10ha rồi đó”.

Già Lô còn nhớ, lúc đầu mới về sống trên mảnh đất này, nghe bà con người Tà Ôi kể lại những câu chuyện ma quỷ trong rừng, chuyện những con ma bắt người phải đau ốm, bệnh tật đã khiến không một ai dám vào rừng để khai hoang trồng trọt. Cũng vì các hủ tục như thế mà bà con phải chịu cảnh đói nghèo quanh năm.

“Để vận động bà con phá bỏ hủ tục, già đã chứng minh cho bà con thấy được việc mình khai hoang, phát đồi làm kinh tế với thu nhập gần 250 triệu đồng/năm không phải là việc làm sai trái mà còn có của ăn của để và làm giàu. Thuyết phục mãi, bà con mới chịu tin cái bụng của mình. Từ đó già đã dạy bà con cách trồng rừng cho năng suất cao, nuôi ong lấy mật, đặc biệt là trồng cây cà phê với năng suất gần 15 tấn/ha”, ông tâm sự.

“Đoàn kết là sức mạnh”, già Lô luôn lấy lời dạy của Bác Hồ để phân tích rõ cho bà con trong thôn bản hiểu và sống đúng theo chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Nhờ thế mà dân làng đã biết đoàn kết làm ăn, không còn tụ tập với những kẻ xấu và các đối tượng bất hảo... Già Lô còn hỗ trợ vốn, cho bà con vay thóc giống, bắp giống và chung tay xây nhà cho những gia đình neo đơn trong xã.

Thấy hoàn cảnh đáng thương của ông A Viết Dần ở thôn Tà Kêu (xã Nhâm), già Lô đã tài trợ 12 triệu đồng và đứng ra động viên bà con ủng hộ để xây cho ông Dần một căn nhà cấp 4.

“Vì vợ chồng tui quá mê tín vào các hủ tục nên làm ăn mấy cũng không thoát nổi cảnh nghèo đói. Thương vợ chồng tui, già Lô đã chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng, chăn nuôi và góp tiền xây tặng nhà, giúp gia đình tui rời bỏ những hủ tục mê tín lâu nay”, sau này gặp tôi, ông Dần không giấu được niềm vui, bày tỏ.

Già làng Hồ Văn Lô luôn khắc ghi lời Bác dạy để sống và làm nhiều việc có ích cho bản làng.

Người cha của những mảnh đời bất hạnh

Năm 2001, trong một lần băng đồi lên thăm rừng, già Lô tình cờ thấy một đứa bé chừng hơn 1 tuổi bị bỏ rơi bên vệ đường. Sợ đứa trẻ bị thú dữ ăn thịt, ông đã đem nó về nuôi. Đến nay, già Lô đã nhận nuôi 8 đứa trẻ, trong đó có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ và cả những em có hoàn cảnh khó khăn.

Trường hợp của em Pà Lang Quỳnh ở xã A Roàng (huyện A Lưới) là một ví dụ điển hình. Gia đình khó khăn, bố lại bệnh nặng nên một mình mẹ Quỳnh bươn chải nuôi 5 anh em Quỳnh ăn học. Mỗi ngày Quỳnh vượt trên 30km đường đồi núi để đến trường, biết hoàn cảnh khó khăn và nghị lực của cậu bé Quỳnh, già Lô đã nhận Quỳnh về nuôi.

Nước mắt rưng rưng, Quỳnh tâm sự: “Em thật may mắn khi gặp được cha Hồ Văn Lô. Nhờ có cha mà em và các em nhỏ mồ côi bị bỏ rơi có nơi nương tựa và được đi học. Giờ em đã tốt nghiệp cấp 3 và đang theo học nghề để sau này đi làm kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em học chữ”.

Đặc biệt hơn, khi nghe chủ trương của huyện A Lưới vận động người dân hiến đất mở đường, già Lô đã tự nguyện hiến 500m2 đất và vận động nhiều gia đình khác hiến đất để xây dựng Trường Tiểu học xã Nhâm.

Già Lô đã được vinh dự đón nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Bằng uy tín, trách nhiệm và tấm lòng của một người cán bộ lão thành, ông luôn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới tin yêu. Già Lô cũng là người duy nhất đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới vinh dự được Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng Bằng khen trong cuộc vận động học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tháng 5/2013 này.

Chia tay tôi, già Lô nói như nhắc nhở: “Chỉ có đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thì bản làng mới được giàu có, con cháu mới được học hành tử tế. Làm được như vậy là già vui cái bụng lắm rồi!...”

Lê Anh
.
.
.