Một cử nhân nghèo gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD - ĐT

Thứ Bảy, 10/02/2007, 13:45
“Kính thưa Bộ trưởng! Tôi nghe Bộ trưởng có lần nói rằng, thực trạng nước ta còn thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và miền núi. Vậy tôi kính mong Bộ trưởng đề cử tôi vào dạy ở một trường nào đó, dù miền núi hay hải đảo...", cậu cử nhân nghèo Phan Văn Hiệp viết.

Phan Văn Hiệp sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ngày Hiệp ra Huế làm thủ tục nhập học đại học cũng là ngày ba Hiệp mất. Nước mắt của cậu trò nghèo đất Quảng đã chảy dài suốt cuộc hành trình mấy năm gian lao học đại học.

Gian nan đường đến giảng đường...

Giống như bao bạn bè cùng làng, tuổi thơ của Phan Văn Hiệp gắn với cánh đồng quê Điện Bàn. Quê nghèo nhưng hiếu học để sau này trở thành thầy giáo, đó là động lực chính thôi thúc cậu say mê học tập. Ngày nhận tin ba mất, chỗ dựa về tình cảm, kinh tế không còn, Hiệp đã hụt hẫng, chán nản muốn thôi học về nhà giúp đỡ mẹ. Đêm. Bên ngọn lửa bập bùng, mẹ Hiệp đã rỏ những giọt nước mắt buồn tủi khi biết ý định bỏ học của Hiệp. Hai mẹ con khóc và sáng hôm sau Hiệp quay lại trường.

Bốn năm học đại học, khi bạn bè ở xa luôn thuê phòng trọ gần trường để thuận tiện đi lại thì Phan Văn Hiệp phải thuê phòng trọ tận đường An Dương Vương, TP Huế. Cố đô Huế với đủ cảnh sắc thiên nhiên cuốn theo những tháng ngày của sinh viên Huế. Nhưng với Phan Văn Hiệp thì không, đứa con của làng nghèo đất Quảng đã lăn lộn với đủ nghề từ làm gia sư, bồi bàn đến phụ hồ... để ăn, để học.

Mỗi lần về nhà, mẹ Hiệp thường lấy gạo, mì chính, mắm muối để con mang theo ra Huế. Nhưng mẹ Hiệp tự hào: "Cả nhà 5 đứa con, vì nghèo nên  chẳng có đứa mô được học đến nơi đến chốn. Tâm nguyện của ba hắn là phải cho thằng Hiệp học hết đại học để trở thành thầy giáo. Hắn là niềm tự hào của nhà tui đó chú...".

... Đến khát khao trở thành thầy giáo

Tốt nghiệp đại học, Hiệp làm hàng chục bộ hồ sơ, nhưng khi tìm hiểu một số nơi thấy họ không có nhu cầu, một số nơi gửi hồ sơ không có tin lại nên chồng hồ sơ của Phan Văn Hiệp vẫn gói gọn trong góc tủ. Hiệp lại choáng khi một số bạn bè cùng khóa kháo nhau để vào dạy trường Y, trường X đứa này phải mất 20 triệu đồng, đứa kia 30 triệu đồng...

Hiệp nhờ mẹ vay mượn để mua chiếc xe máy Trung Quốc đi làm thêm, khi làm gia sư, khi phụ hồ, phiên dịch cho Tây balô, vệ sĩ... gần năm trời nhưng khoản nợ chiếc xe máy vẫn còn đó.

Mơ ước cháy bỏng trở thành thầy giáo của Hiệp càng được nhen nhúm khi chiều chiều đi làm về qua các cổng trường thấy học trò tan lớp ríu rít gọi nhau. Có lần xem tivi, thấy Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói về tình trạng thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nên Hiệp nghĩ lung lắm. Mơ ước của Hiệp là làm thầy giáo đi bất cứ nơi đâu sao không thực hiện được. Hiệp quyết định liều viết thư gửi Bộ trưởng

"... Tôi là một sinh viên nghèo của tỉnh Quảng Nam, thời đi học và những ngày đầu ra trường, tôi làm mọi việc để kiếm sống, nhưng tôi không thích hợp với nghề kinh doanh mà chỉ luôn mong mỏi được trở thành một thầy giáo và tôi thầm suy nghĩ: Ở vị trí thầy giáo, tôi sẽ có cơ hội gắn bó với trẻ em, học sinh mà tôi tâm huyết...

Kính thưa Bộ trưởng! Tôi biết việc tuyển chọn giáo viên không phải là việc Bộ trưởng làm, nhưng hiện tại, tôi rất mong muốn được đi dạy, mà thông tin tuyển dụng của các tỉnh trên toàn quốc tôi không thể cập nhật được.

Thật sự, tôi đang tìm kiếm công việc của nghề giáo như "con nhện muốn giăng tơ mà chưa tìm ra điểm tựa để giăng tơ"... Tôi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân có lần nói rằng, thực trạng nước ta còn thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và miền núi. Vậy tôi kính mong Bộ trưởng đề cử tôi vào dạy ở một trường nào đó, dù miền núi hay hải đảo...".

Lá thư của Phan Văn Hiệp gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chỉ là để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của một sinh viên nghèo khi ra trường. Qua lá thư này chúng tôi nhận thấy những tâm huyết và mong ước được cống hiến của Hiệp thật đáng ghi nhận

Dương Sông Lam
.
.
.