Một bông hoa trong lửa

Thứ Hai, 24/08/2015, 09:46
Tôi gặp Đại tá Trần Thị Hường (bí danh Trần Thị Ngơi, Anh hùng LLVTND) ở một căn nhà nhỏ nằm sâu trong khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Thời chống Mỹ, bà từng tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng trong vùng gây nỗi khiếp sợ với quân thù. Nay đã ngoài 74 tuổi nhưng bà Hường vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát với thường trực nụ cười hiền hậu…

Tiêu diệt nhiều gián điệp, cơ sở khét tiếng

Sau Hiệp định Geneve, ở miền Nam – Việt Nam, Mỹ - ngụy đã không ngần ngại thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức dã man để đàn áp phong trào cách mạng. Chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, nhiều đồng bào, chiến sĩ bị địch sát hại, cô gái trẻ Trần Thị Hường đã giấu gia đình viết đơn tình nguyện tham gia cách mạng.

Xã Tân Bình là một căn cứ cách mạng thuộc chiến khu D. Địch, đã bố trí nhiều tình báo, gián điệp hoạt động nhằm bóc gỡ cơ sở cách mạng và phát hiện hoạt động của ta. 

Từ năm 1955, chúng đưa các đoàn công dân vụ số 319-322 về xã bí mật lập sổ đen từng người, từng nhà có nghi vấn liên quan đến cộng sản nhằm theo dõi, nếu phát hiện sẽ tiêu diệt ngay. Trước tình hình trên, ban đêm, Hường canh gác cho đồng đội họp bàn chiến sự, đào hầm bí mật để cán bộ bám đất, bám dân xây dựng phong trào cách mạng trong lòng dân.

Ban ngày, chị được đồng chí Phạm Thị Nhàn (tức Năm Nhàn), Bí thư chi bộ xã Tân Bình giao nhiệm vụ đeo bám di biến động của các tên ác ôn, mật thám như Mười Thôi và Be rồi lên phương án cùng đồng đội tiêu diệt. Đối với địch, Thôi và Be chết là một tổn thất lớn. Nhằm đánh đòn tâm lý, địch tổ chức đám tang cho bọn chúng rất hoành tráng. Chúng bắt nhân dân trong vùng phải đưa tang, rồi hù dọa. Chúng tưởng làm như vậy sẽ gây mất tinh thần đồng bào, nhưng kết quả thì ngược lại. Sau cái chết của hai tên ác ôn, những tên khát máu khác dao động vì sợ quân ta bị trừng trị, tiêu diệt.

Một thời gian sau, Mỹ - ngụy tiếp tục điên cuồng càn quét, đánh phá, triệt phá làng mạc, dồn dân, gây tổn thất lực lượng của ta. Nghe tin 3 đồng chí cán bộ đã anh dũng hy sinh tại căn hầm bí mật trong khu vườn nhà cha mình, trong đó có đồng chí Nhàn, Hường hết sức đau buồn và căm phẫn. Khi đưa xác 3 đồng chí dưới hầm lên, địch điên cuồng tức tối vì không thu được “chiến lợi phẩm” gì. Toàn bộ tài liệu, giấy tờ đã được các đồng chí ấy xé nát trước lúc hy sinh. Bọn chúng bèn trả thù hèn hạ, không cho gia đình và nhân dân chôn cất những chiến sĩ cách mạng anh dũng, trung kiên này.

Phải đến 3 ngày sau, người dân mới lén lút chôn cất 3 người tại khu vườn ông Trần Văn Nữa (ba của Hường). Sau đó địch buộc phải cho cha bà về nhà vì chúng không tìm được chứng cứ.

Bà Trần Thị Hương kể lại những tháng năm hào hùng trong lòng địch.

Cũng may, nếu chúng phát hiện được hai căn hầm còn lại, ông Nữa sẽ khó thoát được bàn tay khát máu của quân thù. Nén nỗi đau thương, Trần Thị Hường tiếp tục lao vào hoạt động cách mạng. Cô ngày càng chứng tỏ là một cán bộ an ninh gan dạ, đầy mưu lược. Dù cho kẻ thù truy lùng, đêm đêm khi ánh đèn đã tắt là lúc cô xâm nhập vào ấp chiến lược động viên đồng bào đấu tranh, phá ấp ra ngoài làm ăn sinh sống. Đối với những người có ý đồ phục vụ cho giặc, cô đều tiếp cận, tuyên truyền giải thích họ hồi tâm chuyển ý. Hường ra vào thường xuyên trong ấp chiến lược như con thoi, nhưng kẻ thù không thể nào ngăn cản được.

Chiến công của Trần Thị Hường trong giai đoạn này đã góp phần rất quan trọng để cách mạng địa phương duy trì phong trào và từng bước phát triển mạnh mẽ hơn. Những năm 1970, bà Hường đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên. Cay cú trước một “nữ việt cộng cực kỳ nguy hiểm”, địch đã nhiều lần treo giá: “Nếu ai phát hiện, bắt được Trần Thu Hường, sẽ thưởng 200.000 đồng…”, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó.

Đất nước trọn niềm vui

Chiến thắng Phước Long, Buôn Ma Thuột và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thống nhất non sông đất nước. Bà Hường trở về quê hương. Ghi nhớ công ơn của những người hy sinh cho Tổ quốc, việc đầu tiên mà bà làm là tự mình bốc mộ, đưa hài cốt của 3 cán bộ hy sinh trong hầm bí mật vào nghĩa trang liệt sĩ. 

Có chiến thắng nào mà không mất mát đau thương. Ngày trở lại quê hương, bà thăm lại gia đình đồng chí Nhàn và hỏi thăm về chàng trai Phạm Văn Liêm - em trai chị Nhàn, nhưng không có tin tức, không biết anh còn sống hay đã hy sinh. Nhớ lại những năm đầu kháng chiến, bà Hường được chị Nhàn đưa vào tổ chức hoạt động bí mật cùng với anh Liêm. Rồi tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái trong môi trường cách mạng. 

Một thời gian sau thì anh thoát ly, gia nhập bộ đội chủ lực ở Tiểu đoàn Phú Lợi. Trận đánh táo bạo Bông Trang - Nhà Đỏ của ta vào mùa khô năm 1966, anh cũng tham gia, đã đi qua vùng đất Tân Bình đầy bom đạn này nhưng hai người lại không gặp được nhau.

Ông Phạm Văn Liêm (bên phải), chồng bà Hường thời còn chiến đấu ở Tiểu đoàn Phú Lợi.

Mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, chị Hường lúc này là Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Phú Giáo được ra Hà Nội học tập. Trời Thủ đô trong xanh bát ngát, ánh nắng ban mai soi bóng lung linh trên hồ Hoàn Kiếm, mùi hoa sứ thơm lan tỏa đâu đây càng làm lòng bà nhớ về người xưa.

Trong một lần tình cờ, bà biết được anh còn sống và đang nằm điều trị ở Hà Nội. Bà vui mừng đến thăm người yêu mà nước mắt chảy dài trên đôi má. Anh còn sống nhưng không lành lặn. Đôi chân anh không thể đi lại được do một vết thương nặng trong những ngày xuống đường Mậu Thân năm 1968. Gặp lại người yêu, anh thương binh Phạm Văn Liêm vừa vui vừa buồn. Anh nghĩ rằng, mình đã tàn phế, không còn khả năng để đến với bà… Họ ôm chầm lấy nhau trong nước mắt giữa mùa xuân Thủ đô Hà Nội.

“Thưa ba má! Cho chúng con cưới nhau”. Nghe bà Hường trình bày, ông Trần Văn Nữa rất buồn. Trên khuôn mặt của ông vẫn còn hằn những vết thương bị địch đánh đập dã man khi chúng phát hiện ra hầm bí mật trong nhà ông hồi năm 1968. “Hai con lấy nhau chỉ làm khổ nhau thôi. Liêm thương binh nặng, đi lại không được, sức con phận gái làm sao lo cho chồng con được, lời ba nói là một thực tế. Nhưng bà Hường vẫn kiên quyết”. “Thưa ba! Chiến tranh đã qua đi, bao đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống, con may mắn được trở về lành lặn như hôm nay, lẽ nào con lại quên người con thương đang đau đớn vì những vết thương hay sao”.

Ông Nữa nghe nói vậy cũng phải xiêu lòng. Một tháng sau, đám cưới hai người diễn ra đầm ấm ở một làng quê vừa thoát khỏi chiến tranh. Cô dâu Trần Thị Hường và chú rể Phạm Văn Liêm tươi cười hạnh phúc giữa vòng tay bạn bè và đồng đội.

Ngày đến thăm, tôi thấy di ảnh đồng chí Bí thư Chi bộ Phạm Thị Nhàn, cũng là chị chồng của bà và di ảnh người chồng thân yêu vừa  qua đời được bà Hường thờ trang trọng. Tôi nghĩ, cuộc đời của Đại tá Trần Thị Hường tuy buồn nhưng  thật đẹp, vì đã được cùng đồng đội cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước! 

Đức Mừng (CAND số đặc biệt)
.
.
.