Một binh chủng đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống tội phạm

Thứ Năm, 18/08/2005, 13:55

Trong sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, một binh chủng nghiệp vụ đã có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh chống tội phạm, đó là binh chủng huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Những chiến sĩ được giao nhiệm vụ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần khám phá nhiều vụ án quan trọng, giữ bình yên cho đất nước.

Từ những chiến công ban đầu

Phòng truyền thống của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ vẫn còn đang lưu giữ những bức ảnh đánh dấu những bước đi và những chiến công của binh chủng cảnh sát huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Người ta còn nhớ, ngày ấy ở Trung đoàn 204 xảy ra vụ mất trộm một hòm súng K51. Sau ít ngày truy xét, các cán bộ điều tra chỉ tìm được những bao da do thủ phạm vứt lại còn những khẩu súng đựng trong đó đã bị chúng chiếm đoạt.

Theo yêu cầu của Ban chỉ huy Trung đoàn và ban chỉ đạo chuyên án, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định đưa chó nghiệp vụ vào trận. Người được giao nhiệm vụ này là huấn luyện viên Trần Thảo và Lương Văn Trường. Khi ấy, chó nghiệp vụ của ta đều do Cơ quan an ninh Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Cộng hoà dân chủ Đức giúp đỡ từ việc cung cấp giống đến hướng dẫn cách huấn luyện. Mặc dù mới sang Việt Nam nhưng chú chó Rút-xơ-lan đã sớm thích nghi với môi trường và cùng 2 huấn luyện viên Việt Nam vào trận rất hào hứng.

Hiện trường vụ án là một doanh trại quân đội đã bị xáo trộn bởi có nhiều người đi lại nên các chú chó gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy lùng theo dấu vết nóng. Kết hợp với những dữ liệu điều tra trinh sát, các chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ sử dụng chó nghiệp vụ đã đi đến nhận định: “Đây là một vụ trộm rất có nhiều khả năng do nội bộ gây ra”. Và thế là một phương án tác chiến được ban chuyên án đặt ra là sử dụng chó nghiệp vụ để giám biệt nguồn hơi hiện còn đang lưu giữ ở các bao súng. Ngay sau đó, đồ vật của 30 đối tượng nằm trong diện nghi vấn được chú chó Rút-xơ-lan bí mật thực hiện.

Và đúng như dự đoán, cả 3 lần giám định nguồn hơi, chú chó nghiệp vụ đều phát hiện nguồn hơi để lại trên đôi dép của một đối tượng nghi vấn tên là Nguyễn Văn Trường trùng với nguồn hơi của hắn để lại trên các bao súng. Với kết quả này, ban chỉ huy Trung đoàn 204 bằng những tác động khôn khéo đã buộc tên Trường phải ra tự thú và dẫn các trinh sát đi thu hồi tang vật mà y chưa kịp mang đi tiêu thụ.

Sau thành tích này, tại xã Anh Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây lại xảy ra vụ cháy lớn. Do thời tiết khô hanh nên chỉ trong chốc lát, hàng chục mái nhà bị thiêu trụi, tài sản gia đình các nạn nhân dường như không còn gì. Một câu hỏi loé lên trong đầu các trinh sát: Vụ cháy trên do bất cẩn hay có kẻ đốt? Trong khi đó, qua kết quả khám nghiệm hiện trường, các cán bộ khoa học hình sự chỉ thu được vật chứng duy nhất liên quan trực tiếp đến vụ cháy là một bùi nhùi giẻ có tẩm dầu vẫn chưa cháy hết.

Để có kết luận khách quan, theo yêu cầu của Bộ Công an, một chú chó nghiệp vụ khác mang tên Lan-kha do huấn luyện viên Phùng Văn Trinh phụ trách được tung vào trận. Lúc này, đồng chí Trinh sắp đồ vật của số đối tượng nghi vấn cho chú chó Lan-kha ngửi và so sánh với mùi hôi còn lưu giữ tại vật chứng thu được ở hiện trường. Kết quả, chú chó đã giúp các trinh sát bắt giữ tên Nguyễn Viết Toại – thủ phạm gây ra vụ án nói trên.

Đến vụ phát hiện 33kg thuốc phiện

Một trong những chiến công của lực lượng cảnh sát nhân dân nói chung và binh chủng huấn luyện cho nghiệp vụ nói riêng là khám phá vụ án buôn lậu thuốc phiện, sau đó là bóc gỡ một đường dây buôn vàng, kim cương lớn ở 30 phố Hàng Cân (Hà Nội). Hồi đó, sau khi vụ án được khám phá, báo Công an Nhân dân đã đăng bài “Bí mật trong đôi dép sapô”. Bài báo đã tường thuật chiến công của các chiến sĩ cảnh sát trong việc khám phá một đường dây buôn lậu xuyên quốc gia do vợ chồng thị Thìn ở 30 phố Hàng Cân cầm đầu. Khám nhà thị Thìn, các trinh sát đã cất được mẻ vó, thu gần như trọn vẹn hàng trăm hạt kim cương mà vợ chồng thị Thìn cất giấu trong ruột một đôi dép sapô được bọn chúng để lẫn trong đống guốc dép cũ ở đuôi gầm giường.

Sau vụ án đó, có một chú chó được Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích đột phá khẩn trong khi khám nhà đối tượng. Chiến công ấy cứ âm thầm và lặng lẽ theo sát trong cuộc đời của những người huấn luyện, nuôi dạy chó nghiệp vụ. Mãi về sau này, công luận mới biết về thành tích này. Chú chó nghiệp vụ đó được người ta đặt cho một bí số Asô còn người huấn luyện và sử dụng nó là Thượng uý Trần Thảo.

Chả là vào thời điểm ấy những chuyện làm ăn bất chính của vợ chồng thị Thìn ở 30 Hàng Cân (Hà Nội) dường như nhiều người đều biết. Để có được một khối lượng lớn vàng bạc, kim cương mà cơ quan điều tra thu được trong đôi dép sapo, vợ chồng thị Thìn đã có nhiều năm sống bằng nghề buôn lậu thuốc phiện. Ngay giới buôn lậu chuyên nghiệp có máu mặt ở Hà Nội và những địa phương mỗi lần nhắc đến vợ chồng thị Thìn đều phải kính nể về các thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Còn các trinh sát được giao nhiệm vụ điều tra chuyên án này đã vài lần bắt hụt thị. Có lần bắt rồi lại phải thả vì thiếu chứng cứ xác đáng. Nhưng trước một đối thủ buôn lậu chuyên nghiệp tầm cỡ, họ biết được vợ chồng thị Thìn đang cất giấu trong nhà một khối lượng lớn thuốc phiện.

Để việc khám xét và bắt giữ thu được hiệu quả, lần này, theo đề xuất của trinh sát, ban chuyên án quyết định tung chú chó mang biệt danh ASô vào trận. Đọc xong lệnh bắt giữ, khám nhà, như mọi lần, bộ mặt của vợ chồng thị Thìn vẫn tỉnh queo như không có việc gì xảy ra. Nhìn vào bộ mặt ấy, một vài trinh sát tỏ ra lúng túng nhưng với anh Trần Thảo, anh vẫn vững tin vào khả năng của chú chó ASô. Quả nhiên khi cho chú ASô tiến lên gác 2, sục vào gian nhà kho của tòa nhà này, chú chó ASô đã phát hiện những hiện tượng khác thường trong một bao tải loại sợi trắng để lẫn trong đống đồ vật trong gian nhà kho. Một tín hiệu mà chú chó phát ra khiến cho huấn luyện viên Trần Thảo mừng rỡ là có mùi thuốc phiện. Sau đó, chú chó ASô tiếp tục sủa to rồi nhảy lên ôm vào một cột gỗ được chôn sát bức tường nhìn ra ngoài đường. Lúc này, các cán bộ công an được giao nhiệm vụ khám xét nhà ở của vợ chồng thị Thìn đều đổ dồn về phía chú chó ASô. Và chỉ trong ít phút, họ đã phát hiện trong hốc tường phía trong cây cột gỗ là những gói thuốc phiện. Huấn luyện viên Trần Thảo bóc từng gói ra và đưa lên cân được cả thảy 33kg. Biết bại lộ và không thể chối cãi, vợ chồng thị Thìn mặt tái dại và tự nguyện ký vào biên bản bắt giữ. Nhưng các trinh sát không dừng lại ở đây, theo chỉ đạo của ban chuyên án, họ tiếp tục mở rộng phạm vi khám xét và thu thêm được một khối lượng kim cương mà vợ chồng thị Thìn giấu trong một đôi dép sapô.--PageBreak--

Và giám biệt nguồn hơi trong vụ án Thanh Nga

Một trong những vụ trọng án gây chấn động dư luận trong và ngoài nước trong những năm cuối thập kỷ 80, theo đó là chiến công đã được ghi lại trong cuốn lịch sử ngành công an là vụ ám hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Tôi còn nhớ, dịp đó khi vụ án Thanh Nga xảy ra, ở Cộng hoà dân chủ Đức, tôi cầm tờ báo đọc đã thấy “Báo nước Đức mới” đăng tin về vụ án này. Và buổi tối hôm đó truyền hình đưa tin. ít lâu sau, khi trở về nước, tôi được biết: Đại tá Trần Lung, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự vừa được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao cho là đặc phái viên giúp Bộ trưởng tham gia chỉ đạo điều tra vụ trọng án này. Công việc điều tra vụ án diễn ra trong bối cảnh phức tạp. Số đối tượng nghi vấn không phải là hàng chục mà là cả trăm đầu mối nhưng rồi dần dần được thu lại.

Khi đối tượng gây án đã rõ, theo đề nghị của ban chuyên án, đội chó nghiệp vụ lại một lần nữa được tung vào trận. Người chiến sĩ cảnh sát kiêm huấn luyện viên chó nghiệp vụ lần này vẫn là Thượng uý Trần Thảo, trong vai trò là một đội trưởng, cùng 2 huấn luyện viên khác là Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Hoan và 2 chú chó nghiệp vụ. Khác với các trường hợp khác, lần này ra trận trong bối cảnh thật gấp gáp và bất ngờ, họ không có thời gian chuẩn bị và chỉ sau 3h, chiếc máy bay TU 134 đã đưa họ đến thành phố Hồ Chí Minh để thực thi nhiệm vụ.

Công việc của 3 huấn luyện viên và 2 chú chó nghiệp vụ lúc này chỉ với mục đích duy nhất là giám biệt nguồn hơi để lại ở hiện trường còn lưu giữ ở chiếc mũ lưỡi trai bằng vải mềm. Điều cần nói thêm là trước đó, ban chuyên án đã huy động 2 chú chó nghiệp vụ của công an thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận công việc này. Kết quả là một chú chó đã phản ứng đồ vật của một đối tượng nghi vấn tên là Bình. Nhưng trước sinh mạng của một con người, ban chuyên án dường như vẫn chưa thấy yên tâm. Thế là một quyết định được triển khai là việc điều 2 chú chó đã qua thử thách từ Hà Nội vào cuộc.

Kết quả giám định cho hay, khi chú chó Chi-na ngửi khăn vải bông, sang nguồn hơi lưu giữ trong chiếc mũ lưỡi trai thu được ở hiện trường thì không có phản ứng mẫu vật nào. Như vậy, trên thực tế chú chó Chi-na đã phủ định kết quả giám biệt của chú chó nghiệp vụ của thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trước đó. Để thận trọng và khách quan trong quá trình giám định của các chú chó, sau khi kiểm tra sức khoẻ, các huấn luyện viên khẳng định: sức khoẻ và thể trạng của 2 chú chó nghiệp vụ vừa điều động từ Hà Nội vào vẫn bình thường. Ban chuyên án quyết định cho chúng thực hiện giám định lại lần thứ 2. Và lần này, cả hai chú chó đều phát ra kết quả như vậy. Thực tế này phù hợp với kết quả điều tra vụ án là chính xác bởi thủ phạm ám hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga không phải là Bình mà là tên Tân.

Một binh chủng nghiệp vụ trong cuộc đấu tranhtội phạm

Với thế giới, việc nuôi dưỡng, huấn luyện và đưa chó nghiệp vụ vào các công việc giữ gìn an ninh – trật tự đã trải qua hàng thế kỷ. Còn đối với nước ta, mặc dù mới 40 năm đưa chó vào các hoạt động nghiệp vụ song điều đó đủ cho thấy đây thực sự là một binh chủng không thể thiếu trong sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Thấy rõ vị trí và vai trò của binh chủng này nên từ ngày thành lập đến nay, cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ huấn luyện chó nghiệp vụ ở Trung ương cũng như địa phương thường xuyên được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Trong phòng truyền thống của trung tâm còn lưu giữ những hình ảnh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường V21 (tiền thân của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ ngày nay). Tiếp đến là các chuyến thăm và làm việc của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng và nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ khác.

Thực hiện lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ huấn luyện chó nghiệp vụ đang hướng mọi nỗ lực để phát triển đàn chó nghiệp vụ với chất lượng cao, đưa các hoạt động của chó nghiệp vụ vào những mặt trận nóng bỏng như giám biệt và phát hiện ma tuý, vật liệu nổ ở các cửa khẩu, sân bay, chó bảo vệ mục tiêu, phục kích lùng bắt các đối tượng trốn tù, trốn trại, giải tán các cuộc bạo động, truy tìm theo dấu vết nóng, chó cứu hộ, chó tìm xác chết ở hiện trường, cứu người bị tai nạn trong vụ động đất, sập hầm lò…

Điều cần nói là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông  Âu tan rã, nguồn cung cấp giống hầu như bị khép lại. Do vậy, hơn một thập niên trở lại đây, được sự chỉ đạo của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát Nhân dân, Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ không những bị teo lại mà ngày càng có xu thế phát triển. Đó là kết quả của sự phát huy nội lực. Từ những giống chó nghiệp vụ được nhập khẩu, ngày nay, trung tâm đã nuôi tạo và thuần dưỡng được hàng chục loại giống khác nhau, tiết kiệm cho nhà nước hàng triệu USD.

Ước nguyện của các cán bộ chiến sĩ ở trung tâm nuôi dạy chó nghiệp vụ không dừng lại ở đây mà làm sao trong những năm tới, ở nước ta có được một “ngân hàng hơi” để cho các chú chó nghiệp vụ có thêm điều kiện nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của công tác đấu tranh chống tội phạm

Hòa Bình
.
.
.