Minh Thanh đã có nhiều đổi thay

Thứ Ba, 18/04/2017, 08:13
70 năm trước, tháng 4-1947, Nha Công an (Bộ Công an ngày nay) cùng các cơ quan Trung ương và Bác Hồ trở lại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, mảnh đất nghĩa tình đậm những ký ức hào hùng của các thế hệ cha anh đang mang nhịp chảy của sự đổi thay.


Tháng 4-1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Nơi đây nằm ngay trung tâm khu căn cứ địa Tân Trào, nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đóng trụ sở. 

Đây là địa điểm cơ quan ở đầu tiên và lâu nhất của Nha Công an trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Khi mới chuyển đến, cán bộ, nhân viên của Nha “sống trong dân”, tức là ở nhờ những nhà dân trong thôn. 

Thời gian sau, những lán trại được dựng lên bằng vật liệu: gỗ, tre, nứa, lá cọ… khi ấy mới bắt đầu có khu vực riêng để ở, làm việc. Khu lán, trại được dựng ở hai quả đồi rộng, cây cối rậm rạp gần cánh đồng xóm Lũng Cò, phía bên kia suối Lê.

Người dân xã Minh Thanh góp sức xây dựng đường nội đồng.

Cái tên “Nhà ông cả Nhã” được dùng để gọi Nha Công an Trung ương vì lý do bí mật. Đồng chí Lê Giản làm Giám đốc, Chánh văn phòng là đồng chí Đào Văn Bảo. Tổ chức của Nha Công an bao gồm các bộ phận: Ty Chính trị; Tình báo; Tuyên huấn; Trật tự – Tư pháp, bộ phận điện đài, thông tin, làm ảnh căn cước, khu hậu cần (gồm nhà bếp, nhà ăn, nhà kho, nhà xay lúa…), nhà in nội san Rèn luyện. Từ ấy, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh là địa điểm chứng kiến những bước trưởng thành của lực lượng Công an.

Những năm tháng ở, làm việc tại Đồng Đon, cán bộ và nhân viên Nha Công an Trung ương bằng những chiến công thầm lặng của mình đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng quân dân cả nước vượt mọi khó khăn, gian khổ giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 

Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương đã trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ đối với các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an mà còn với nhân dân trong cả nước trong hành trình về với Tân Trào – “trung tâm Thủ đô kháng chiến”.

Minh Thanh hôm nay có 14 thôn, với 1.490 hộ gia đình và 5.851 nhân khẩu. Đất Minh Thanh rộng nhưng chủ yếu là đồi núi; diện tích ruộng và màu không nhiều nên những năm trước, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. 

Thời gian trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền đã tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đưa các giống lúa lai, ngô lai có năng suất cao vào sản xuất. Là địa phương đặc biệt khó khăn nhưng với quyết tâm vươn lên, xã Minh Thanh có tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hứa, Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết, xã đã hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất cây trồng; thay đổi các giống lúa, ngô cũ bằng giống mới nâng cao chất lượng. Đồng thời tập huấn, chuyển giao cho nhân dân các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Anh Vũ Đức Dương, một hộ gia đình có cuộc sống thay đổi nhờ phát triển cây keo, chia sẻ: “Chuyển đổi từ những cây trồng manh mún, gia đình tập trung phát triển hơn 60ha cây keo vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Vốn ban đầu bỏ ra khoảng hơn 30 triệu đồng, chỉ sau khoảng 3 năm là đã có nguồn cây ổn định và cho thu nhập đều, cộng thêm chăn nuôi dê và lợn, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí”.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Minh Thanh tập trung vào việc bê tông đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, đây cũng được xác định là khâu đột phá của xã. 

Ông Ma Xuân Hạ, trưởng thôn Cầu, xã Minh Thanh, cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ xi măng công trình cùng một phần kinh phí; người dân cũng góp thêm tiền và ngày công để xây dựng những tuyến đường bê tông. Thời điểm gần nhất là vào cuối tháng 10 – 2016, thôn đã có thêm 320m đường nội đồng được xây mới”.

Trong kháng chiến, người dân nơi đây một lòng một dạ che chở, đùm bọc cán bộ và cơ quan của cách mạng góp phần nhỏ bé vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày nay, họ đang nỗ lực vươn lên, chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Năm 1999, khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, di tích được Bộ Công an tu bổ và xây dựng mới trên diện tích hơn 30ha với 10 di tích. 

Trong đó, điểm nhấn là quần thể tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc" bằng đá granite nguyên khối, cao 21,6m, đường kính 4,5m, trọng lượng 420 tấn, diện tích gần 3.000m², mang hình tượng người chiến sĩ nâng cao chim bồ câu thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. 

Ngoài ra, quần thể khu di tích còn có Bảo tàng Công an nhân dân, lưu giữ trên 2.000 hiện vật, là kho tư liệu quý giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.

Trung Hiếu
.
.
.