Mệt mỏi lễ rằm tháng Giêng...

Thứ Ba, 10/02/2009, 08:41
Với tâm lý "Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng", ngay từ sáng ngày 14 âm lịch, người dân cả nước đã nô nức kéo nhau đến các chùa lớn để lễ Phật, cầu an, cầu tài lộc. Quá tải, chen lấn, "hét" giá là điều thường thấy tại các đền, chùa trong ngày lễ Thượng Nguyên này.

Chen đến ngất xỉu

Tại Hà Nội, cảnh chen chúc, quá tải cũng diễn ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt là các chùa lớn. Tại tổ đình Phúc Khánh, vài nghìn người đã kéo đến để dự lễ cầu an vào buổi tối ngày 14 âm lịch, làm tắc cả một đoạn đường hàng cây số kéo dài từ đầu cầu vượt hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi.

Mặc dù một đoạn đường trước cửa Tổ đình Phúc Khánh đã được chia làn để dòng người ngồi tràn cả ra ngoài đường, nhưng đến khoảng 19h, ngay cả chỗ ngồi trên lòng đường cũng không còn. Một số người đã phải trèo lên cả dải phân cách phía trên cầu vượt để vái vọng vào.

Quang cảnh tại khu vực Chùa Hà, Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh... cũng diễn ra tương tự. Hàng đoàn người tràn cả ra đường, vỉa hè để đợi đến lượt vào lễ.

Tại Phủ Tây Hồ, suốt mấy ngày trước rằm đã có vô khối người lũ lượt kéo đến để lễ. Cho đến trưa ngày 15 âm lịch, đoàn người kéo đến vẫn chưa có dấu hiệu ít đi. Bãi gửi xe đông đặc, người người chen lấn nhau để vào phủ. Khói nhang nghi ngút. Ban quản lý Phủ đã phải rút ra hàng mấy rổ nhang, đổ nước vào cho bớt khói, nhưng không khí trong Phủ vẫn rất ngột ngạt. Thậm chí, có người đã ngất xỉu vì không khí ngột ngạt, chen lấn ở Phủ.

Dịch vụ ăn theo giá "trên trời"

Tại Hà Nội dịch vụ đổi tiền lẻ từ trước Tết đã nhộn nhịp, đến rằm tháng Giêng vẫn tiếp tục đông khách. Nhu cầu đổi tiền nhiều nhất là mệnh giá 200 đồng và 500 đồng. Dù mức đổi chênh lệch khá cao, mức phổ biến là 10 ăn 6 hoặc 10 ăn 7 nhưng khách vẫn nhộn nhịp chen lấn để đổi. Gần chục tủ tiền lẻ tấp nập khách ra vào.

Từ Tết đến rằm tháng Giêng, Phủ Tây Hồ luôn trong tình trạng quá tải.

Dịch vụ cho thuê mâm, đĩa cũng đắt khách không kém. Một chiếc khay nhựa cho thuê có giá 5.000 đồng. Ước tính, trong ngày rằm tháng Giêng đã có vài vạn người đổ về Phủ Tây Hồ làm lễ.

Mọi bãi đất trống đều được huy động làm chỗ gửi xe. Tuy nhiên, giá vé trông giữ xe vẫn bị đội lên cao hơn giá quy định. Nếu gửi xe trong bãi của Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ, giá sẽ là 3.000 đồng/xe nhưng chỉ cần gửi xe vào các quán ăn kiêm trông xe, giá đã lên tới 10.000 đồng/xe máy.

Tại Chùa Hà, lượng xe dồn về chùa luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người đã tự ý chăng dây trên cả vỉa hè phố Trần Đăng Ninh để tranh thủ mở dịch vụ trông xe. Giá cả cũng hoàn toàn theo mức giá mà người trông xe tự thống nhất với nhau, xe máy giá 10.000 đồng và ôtô có giá 20.000 - 30.000 đồng/chiếc.

Dù phải trả tiền với giá "cắt cổ" nhưng khách đến Chùa Hà vẫn còn may mắn vì có chỗ gửi xe. Nhiều người đã phải lòng vòng vài ba tuyến phố mới tìm được chỗ gửi xe để vào Chùa Quán Sứ. Gửi được xe, khách đến lễ chùa lại vừa lo bê, đội khay lễ trên đầu chen lấn vào cúng, vừa lo trông giữ tài sản. Chỉ cần một chút sơ hở, điện thoại, ví tiền, ngay cả túi xách cũng "không cánh mà bay".

Thậm chí, kẻ gian còn lấy cả tiền nhang đèn do khách để trên các ban thờ. Để nhắc nhở khách, Chùa Quán Sứ đã dùng loa thông báo yêu cầu khách đến lễ đeo túi xách trước ngực, đút điện thoại vào túi áo trước.

"Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng", gia đình nào cũng muốn được cầu an, cầu phúc trong dịp Tết Thượng Nguyên này nên việc các chùa quá tải là điều dễ hiểu. Năm nào cũng vậy, hàng nghìn người đứng chật kín đường Ngã Tư Sở để vái vọng vào Chùa Phúc Khánh do quá đông.

Tối 14 tháng Giêng năm nay, Chùa Phúc Khánh tổ chức làm lễ giải hạn, cầu an. Ước tính có cả vạn người đổ về chùa trong dịp này. Được biết, tối rằm tháng Giêng, Chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức cúng sao Thái Bạch, dự kiến lượng người đổ về cũng sẽ đông như tối 14

Ngọc Yến - Vũ Hân
.
.
.