Mẹ ơi, mẹ ở đâu?

Thứ Sáu, 12/05/2006, 07:51

Có lần, cô giáo dạy Văn ra đề: "Em hiểu câu "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" như thế nào?", Lập cứ ngồi cắn bút, không làm được bài. Cô giáo hỏi mãi, Lập mới đành thú thật, em có biết cha mẹ là ai đâu mà biết "công cha" với "nghĩa mẹ" là thế nào.

Trường Phổ thông nội trú - dạy nghề số 1 là một ngôi trường nằm trên phố Lộc Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trông bề ngoài, ngôi trường này cũng giống như rất nhiều ngôi trường khác. Các em học sinh ở đây cũng ăn vận đồng phục, cũng được học theo chương trình phổ thông. Chỉ có một điều đặc biệt là, ở ngôi trường này, thầy hiệu trưởng và tất cả các thầy cô giáo chủ nhiệm các lớp đều là sỹ quan Cảnh sát thuộc biên chế của Công an TP Hà Nội. Còn tất cả các em học sinh ở đây đều là những em bé tuổi từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi và đã từng có những hành vi vi phạm pháp luật.

Trong một chuyến công tác tại Trường Phổ thông nội trú - dạy nghề số 1 Hà Nội, tôi tình cờ gặp một cậu bé gầy gò, thấp bé nhưng gương mặt thì chững chạc hơn tuổi 14. Thầy giáo, Trung tá Nguyễn Công Tốt, Trưởng phòng quản lý học sinh, bảo với tôi rằng, đó là một học sinh đặc biệt nhất trong số hàng trăm em học sinh ở ngôi trường đặc biệt này. Cuộc đời em là một câu chuyện buồn, chưa có hồi kết. Tôi gặp em, nghe em kể lại tất cả những gì mà cậu bé còn lưu giữ được trong ký ức. Tôi cũng đã đọc lại toàn bộ hồ sơ lưu trữ của nhà trường về em. Và, tôi viết bài báo này với một niềm hy vọng, dù là mong manh, rằng, biết đâu nó sẽ giúp em tìm lại một gia đình đã mất…

Lập ngồi trước mặt tôi. Gương mặt, ánh mắt hoàn toàn vô cảm, không ngạc nhiên, cũng không rụt rè hay lúng túng. Có vẻ như cậu bé đã quá quen với những cuộc gặp với những người xa lạ, như tôi chẳng hạn. Khi tôi hỏi về mẹ, cậu bé lắc đầu: "Không biết". Hỏi về cha - cũng lắc đầu, không biết nốt. Tịnh không còn một chút vết dấu nào về cha mẹ, quê hương, làng xóm trong ký ức của cậu bé 14 tuổi này, dù tôi đã cố gắng khơi gợi.

Một giờ học văn hoá của các em học sinh Trường Phổ thông nội trú - dạy nghề số 1 Hà Nội.

Lý lịch của Lập lưu trong hồ sơ để trống phần "họ tên cha" và cả phần "họ tên mẹ". Các thầy cô giáo ở đây cho biết, đa số học sinh ở ngôi trường đặc biệt này đều sinh ra trong những hoàn cảnh gia đình không bình thường: cha mẹ hoặc ly thân, ly dị hoặc vi phạm pháp luật, hoặc chết vì ma túy và AIDS. Sự trượt dốc của các em vào con đường phạm pháp nhiều khi cũng bắt đầu từ những đổ vỡ, ly tán của gia đình. Nhưng, dù vậy thì những học sinh này vẫn còn có nhà cửa, có ông bà, cô dì chú bác và những người họ hàng thân thích khác. Riêng Lập chỉ độc có một mình.

Em là một đứa trẻ bị bỏ rơi nên không có gia đình, không cha, không mẹ, không người thân thích. Theo quy định của nhà trường, ngày thứ 5 là ngày các em học sinh ở đây được gặp gỡ gia đình đến thăm nuôi. Vào ngày ấy khi các bạn háo hức được gặp cha mẹ hoặc người thân, được tiếp tế rất nhiều quà cáp thì Lập cứ lủi thủi một mình vì Lập không có ai thăm nuôi cả. Các thầy cô ở đây thấy vậy thương nên thi thoảng mua quà tặng em. Lập bây giờ đang học lớp 6. Có lần cô giáo dạy Văn ra đề bài: "Em hiểu câu "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" như thế nào?", Lập cứ ngồi cắn bút, không làm được bài. Cô giáo hỏi mãi, Lập mới đành thú thật, em có biết cha mẹ là ai đâu mà biết "công cha" với "nghĩa mẹ" là thế nào. Cô giáo dạy Văn của Lập kể cho tôi nghe câu chuyện cay đắng này trong nước mắt chứa chan.

Theo báo cáo của UBND xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì đề ngày 11/7/2002 thì vào khoảng tháng 12/2000, anh Trần Khánh Dư, 49 tuổi, trú tại thôn Yên Phú, xã Liên Ninh có nhặt được một bé trai khoảng 7-8 tuổi ở quốc lộ 1A đoạn Km 15. Bé trai này đã bị một ai đó ngồi trên một chiếc ôtô du lịch 14 chỗ thả xuống đường khi chiếc xe chạy qua đây. Thấy thằng bé khôi ngô, ngơ ngác đứng khóc, anh Dư thương tình đã lại gần hỏi cháu nhưng cháu chỉ biết tên là Nguyễn Văn Lập, còn không biết cụ thể năm sinh và quê quán ở đâu cũng như cha mẹ cháu là ai.

Thương Lập, anh Dư đã cố gắng đi tìm cha mẹ cho cháu nhưng không có kết quả. Cuối cùng, anh Dư đã mang cháu về nuôi với mong muốn sẽ tiếp tục đi tìm cha mẹ cho cháu để cháu được đoàn tụ với gia đình. Nhưng nửa năm trôi qua mà vẫn không có người nào đến nhận là cha mẹ của cháu bé và việc tìm kiếm của anh Dư trở nên vô vọng. Vào một buổi sáng đẹp trời, anh Dư đã nhờ một người cùng làng đèo cháu Lập lên Công viên Lê nin và thả Lập ở đó.--PageBreak--

Không cha mẹ, không người thân, không nhà cửa, giữa hàng trăm gương mặt của những người đến vãn cảnh ở công viên hôm ấy, Lập không tìm thấy bóng dáng một người quen. Đến buổi chiều cùng ngày, cậu bé 8 tuổi ấy đã rời khỏi công viên, ra ngoài đường Giải Phóng và cứ thế bước những bước chân vô định men theo đường tàu hỏa đi về phía Thanh Trì. Cháu Phạm Thị Huyên, con gái anh Vượng, người ở xã Liên Ninh trên đường đi học về nhìn thấy Lập đi lang thang nên đã đèo Lập về nhà thì mới biết anh Dư đã bỏ cháu. Từ đó, Lập ở với gia đình anh Vượng.

UBND xã Liên Ninh biết hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Vượng khó khăn, lại đông con nên đã hỗ trợ một phần kinh phí nuôi dưỡng cháu Lập. Anh Vượng cũng đã ra Trường Tiểu học Liên Ninh để xin học cho cháu Lập và nhà trường đã cho cháu được vào học lớp 2 và miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho cháu. Nhưng Lập cũng chỉ ở được với gia đình anh Vượng có 6 tháng. Nhà anh Vượng nghèo, lại đông con nên sau 6 tháng nuôi dưỡng Lập, anh Vượng đã đưa cháu lên Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em xã Liên Ninh để trả lại.

Trong thời gian này, bà Phạm Thị Chiêu, người cũng ở xã Liên Ninh đã nhận nuôi dưỡng cháu. Bà Chiêu là người hiếm muộn, lấy chồng đã lâu nhưng không sinh nở được. Các cấp chính quyền ở huyện Thanh Trì đã tạo điều kiện cho bà Chiêu làm thủ tục nhận con nuôi hợp pháp và làm giấy tờ khai sinh, nhập hộ khẩu cho cháu Lập về với bà Chiêu. Nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng bà Chiêu cũng không thể nuôi dưỡng được cháu Lập.

Cuối cùng, chính quyền xã Liên Ninh đã đề nghị các cơ quan chức năng đưa Lập vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi để Lập có một cuộc sống ổn định, được học hành. Cuối năm 2002, Nguyễn Văn Lập đã được nhận vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 nằm trên địa bàn xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, Lập kể với tôi rằng, cháu được ăn uống đầy đủ, được ra ngoài Trường Tiểu học Dịch Vọng để học cùng với các bạn là con em của các cư dân ở đây. Nhưng rồi, do đua đòi với các bạn bè xấu, Lập đã bỏ học, bỏ trung tâm ra ngoài sống vất vưởng ở nơi góc phố, vỉa hè.

Tôi đã hỏi Lập rằng, vì lý do gì mà Lập được ăn uống no đủ, được học hành tử tế ở Trung tâm Bảo trợ xã hội mà Lập vẫn bỏ Trung tâm ra ngoài lang thang. Lập cúi đầu, im lặng một hồi lâu, mãi rồi mới ngẩng lên, nhìn tôi mắt ngân ngấn nuớc: "Bọn bạn ở ngoài bảo cháu đi lang thang để mà tìm mẹ chứ cứ ở trong Trung tâm thì biết đến bao giờ mới tìm thấy mẹ!". Tin lời rủ rê của đám bạn xấu, Lập đã rời bỏ Trung tâm ra đi. Trước khi đi, Lập còn vờ mượn một bạn ở cùng Trung tâm một chiếc xe đạp đem đi bán được 120 nghìn đồng để lấy tiền ăn tiêu.

Sau khi rời khỏi Trung tâm, sống vất vưởng ngoài vỉa hè cùng với đám bạn xấu, dần dà Lập đã trở thành một đứa trẻ hư hỏng. Em không đi tìm mẹ như ý định ban đầu nữa mà gia nhập vào thế giới của những giang hồ nhí. Đêm đêm, em cùng đám bạn này đi trộm cắp từ đồ đạc, quần áo đến xe đạp. Thậm chí, cả cánh cửa sắt của các gia đình em cũng  tháo trộm đi bán. Có tiền, ngoài việc nuôi sống bản thân em còn theo chúng bạn đi ra ngõ Tự Do chơi game, có khi chơi thâu đêm suốt sáng. Em đã trộm cắp tất thảy 8 chiếc xe đạp và đã 4 lần bị Công an bắt. Cuộc sống vỉa hè với trăm ngàn những phức tạp, đắng cay đã khiến cậu bé 15 tuổi này mỗi ngày một dấn thêm vào tội lỗi.

Cho đến ngày 28/3/2005 thì Lập bị đưa vào Trường Phổ thông nội trú - dạy nghề số 1 và ở đây từ đó cho đến nay. Theo quy định của pháp luật, các em học sinh chỉ ở trường này trong thời hạn tối đa là 2 năm. Theo đó thì chỉ còn một năm nữa, Lập sẽ ra trường. Em rất cần một mái ấm để đoàn tụ, để em có cơ hội rũ bỏ quá khứ. Cha mẹ Lập đang ở đâu và họ có biết rằng khát khao tìm cha, tìm mẹ vẫn không lúc nào nguôi ngoai trong trái tim bé bỏng của cậu bé này. Nếu muốn tìm em, xin hãy liên hệ với Trường Phổ thông nội trú - dạy nghề số 1, Lộc Hà, Đông Anh, Hà Nội

Nguyễn Quý Duy Anh
.
.
.