“Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy

Thứ Sáu, 25/05/2018, 08:32
Đánh giá của Công an tỉnh Điện Biên cho thấy, từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng của huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo (Điện Biên) đã tiến hành xử lý hình sự 21 vụ với 17 bị can; xử lý hành chính 297 vụ (271 đối tượng) thu nộp ngân sách trên 3,4 tỷ đồng. 


Bài cuối: Giữ rừng bằng cách nào?

Việc xử lý của cơ quan chức năng là vậy, thế nhưng với những gì PV Báo CAND ghi nhận và thu thập được có thể thấy rằng, tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến nơi thượng nguồn sông Đà vẫn đang diễn ra nhức nhối. Có hay không chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim”? Đâu là giải pháp có tính căn cơ để ngăn chặn “máu” rừng nghiến không chảy? PV Báo CAND đã tìm hiểu về vấn đề này.

Cần quy rõ trách nhiệm

Sau nhiều ngày mục sở thị tại một số cánh rừng nghiến ở huyện Tủa Chùa và vùng giáp ranh, chúng tôi nhận thấy, “máu” rừng nghiến vẫn đang chảy. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, các Tổ công tác của Công an huyện Tủa Chùa và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ với 12 đối tượng có hành vi vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép. 

Rừng phải thật sự có chủ và cần chuyển đổi sinh kế để người dân không đốt rừng làm rẫy.

Tang vật thu giữ gồm 2.053 lóng (dạng thớt) gỗ nghiến nhóm IIA; 72 lóng, khúc gỗ nghiến nhóm IIA, 1 tấm gỗ nghiến xẻ (dạng mặt bàn), 69 hộp gỗ đinh hương... Có mặt tại kho tang vật của Công an và Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, chúng tôi không khỏi “choáng” trước hàng trăm lóng gỗ nghiến đang bị tạm giữ ở đây. 

Thượng tá Phạm Thành Đồng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, có ngày, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển và tàng trữ trái phép gỗ nghiến. 

Điển hình như ngày 9-5-2018 vừa qua, Tổ công tác của Công an huyện Tủa Chùa và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 3 đối tượng gồm Giàng A Vàng (28 tuổi), Sùng A Cháng (35 tuổi) và Thào A Mâng (43 tuổi) đều trú tại xã Phình Sáng (Tuần Giáo) đang có hành vi điều khiển xe máy chở theo 36 lóng gỗ nghiến với khối lượng 0,423m3 không có dấu búa kiểm lâm. 

Cũng trong ngày, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 66 lóng, 1 tấm gỗ nghiến, 69 hộp đinh hương… không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại nhà ông Đoàn Xuân Nhật (54 tuổi) ở xã Xá Nhè.

Dù lực lượng chức năng thời gian gần đây đã quyết liệt vào cuộc nhưng qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tình trạng lâm tặc vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ nghiến nơi rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Đà (huyện Tủa Chùa) vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. 

Nhiều đường mòn xuyên rừng đã được lâm tặc mở với mục đích vận chuyển gỗ. Khi chúng tôi hỏi chuyện có nắm được những vị trí mà lâm tặc đốn hạ các cây gỗ nghiến cổ thụ ngàn tuổi trên địa bàn xã Mường Đun không? Kiểm lâm viên Quàng Văn Tuấn (Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa) cho hay, do mới về quản lý địa bàn và diện tích rừng thuộc hai xã Mường Đun và Xá Nhè khá rộng nên hiện chưa nắm được (!). 

Nghe câu trả lời trên, chúng tôi phần nào hiểu được lý do hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến trên địa bàn vẫn đang diễn ra. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có sự bao che, tiếp tay của những người thực thi công vụ? 

Bởi dù đi đường mòn nào thì cuối cùng gỗ nghiến từ rừng đều tập kết ở nhà, kho của đầu nậu và buộc phải vận chuyển trên đường liên xã, liên huyện hoặc tuyến đường sông. Những lóng gỗ, xe gỗ đều khá nặng chứ không phải “cái kim, sợi chỉ” để có thể cất giấu dễ dàng khi vận chuyển.

Trước tình trạng trên, ngày 17-4-2018, Công an tỉnh Điện Biên đã có công văn gửi Huyện ủy, UBND hai huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa nhằm phối hợp, chỉ đạo tăng cường công tác quản lí, bảo vệ rừng. Công an tỉnh Điện Biên nhận định, nguyên nhân để xảy ra tình trạng khai thác, chặt phá rừng ở hai huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa, chủ yếu do nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lí, bảo vệ rừng chưa đầy đủ. 

Còn buông lỏng công tác quản lí, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lí các vi phạm. Một số cơ quan, đơn vị chức năng chưa làm tốt việc tham mưu và chưa có biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn hoạt động xâm hại, hủy hoại rừng trên địa bàn. 

Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và lực lượng chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lí vi phạm pháp luật về quản lí, bảo vệ rừng chưa nghiêm; các chủ rừng là các tổ chức, cộng đồng và cá nhân được giao quản lí, bảo vệ rừng không có phương án bảo vệ rừng hiệu quả...

Từ nguyên nhân nêu trên, có thể thấy được trách nhiệm của những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác, chặt hạ hàng loạt cây gỗ nghiến ở rừng phòng hộ thượng nguồn sông Đà thời gian qua. Vấn đề còn lại là quy rõ trách nhiệm và xử lí như thế nào.

Rừng phải thật sự có chủ 

Cùng với công tác điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các trường hợp “bảo kê”, tiếp tay cho lâm tặc hoặc đầu nậu gỗ lộng hành, thì việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của người dân, của chủ rừng đóng vai trò khá quan trọng. 

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn, cơ quan chức năng đã triển khai phương án khoán lại rừng cho các thôn, bản, hộ gia đình quản lý để hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng. Đơn cử như ở xã Mường Đun, trong hai năm 2016-2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền là trên 1,2 tỷ đồng cho 15 chủ rừng, trong đó có 7 cộng đồng và 8 hộ gia đình; đã cắm được 2 biển chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cây nghiến non khoảng 1 tuổi, mọc tự nhiên trên đỉnh núi thuộc xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, Điện Biên.

Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho thấy, trong năm 2017, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành nghiệm thu dịch vụ môi trường rừng cho 12/12 xã, thị trấn với tổng số tiền chi tạm ứng trên 6,3 tỷ đồng.

Việc chi trả khoản phí dịch vụ môi trường luôn được duy trì là vậy, thế nhưng trên thực tế xuất hiện tình trạng một số chủ rừng và những người tham gia tổ bảo vệ rừng lại chính là người trong bản, là người thân của các đối tượng có hành vi vận chuyển, khai thác rừng trái phép, nên các vi phạm không được tố giác, ngăn chặn xử lý một cách kịp thời.

Trong những ngày đặt chân lên các cánh rừng nghiến nằm cheo leo trên các ngọn núi đá ở huyện Tủa Chùa, chúng tôi bắt gặp khá nhiều những lán nương của một số hộ di cư từ nơi khác đến nằm trong vùng lõi rừng. Đáng lưu ý, một số vị trí có cây gỗ nghiến đại thụ bị chặt hạ nằm cách những lán nương này chỉ 60-70m, như lán nương của hộ gia đình trên ngọn đồi Đúm Cáy – bản Kép (xã Mường Đun) là một ví dụ.

Lán nương này chỉ nằm cách vị trí cây gỗ nghiến ngàn tuổi bị đốn hạ chưa đầy 70m. Từ lán nương dễ dàng quan sát được vị trí có cây gỗ nghiến ngàn tuổi bị chặt hạ. Thế nhưng, những vi phạm đã không được người dân phản ánh kịp thời. 

Trái lại gần như toàn bộ phần thân cây gỗ nghiến ngàn tuổi đã bị xẻ thịt và đều đặn tuồn ra cửa rừng. Rõ ràng ở đây, ý thức tự giác tố giác tội phạm, tham gia bảo vệ tài nguyên rừng của người dân, của chính những người chủ rừng là rất quan trọng. 

Đấy còn chưa kể đến một số trường hợp người dân trong bản vì lợi nhuận trước mắt đã tiếp tay cho những hành vi vi phạm bằng cách vào rừng xẻ thịt gỗ nghiến, vận chuyển theo đơn đặt hàng của các đầu nậu trước đó.

Theo Đại tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa, về lâu dài, cần phải có biện pháp giải quyết đất canh tác cho các hộ gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn, tạo công ăn việc làm cho các lao động địa phương. Từ đó giúp các hộ gia đình thoát nghèo, không vì cái lợi trước mắt mà tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu lâm sản. Rừng phải thực sự có chủ, gắn bó máu thịt với rừng. 

Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy, việc xác định làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác, cất giữ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đặc biệt là gỗ nghiến là một trong những giải pháp quan trọng nhằm răn đe vi phạm, góp phần ngăn chặn tình trạng chảy “máu” rừng nghiến nơi thượng nguồn con sông Đà như hiện nay.

Theo Thiếu tướng Sùng A Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên: Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng xâm hại, hủy hoại rừng trong đó có rừng nghiến trên địa bàn, các địa phương cần giao cho cấp ủy, chính quyền các xã và các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch và phương án bảo vệ diện tích rừng được giao; thường xuyên tổ chức các tổ công tác tuần tra, truy quét quyết liệt tại các địa bàn, điểm “nóng” và các tuyến trọng điểm về phá rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật; đấu tranh triệt xóa các đường dây, đầu nậu; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời quản lý chặt chẽ các cơ sở cất giữ lâm sản, chế biến gỗ, xử lý nghiêm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc về phá, khai thác rừng…
D. Hiển - T.Huy - X.Trường - T.Trung
.
.
.