Mật lệnh giải phóng Trường Sa

Chủ Nhật, 12/04/2015, 15:01
Trong bức mật lệnh số 990B/TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân lúc 17h30 ngày 4/4/1975 có nội dung “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”.

Trong đó, Đại tướng nhấn mạnh: “Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không hành động sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm”. 

Cùng thời điểm này, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái cũng nhận được mật lệnh của Tướng Giáp yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước. 

Theo đó, Quân chủng Hải quân chọn Đoàn 125 và Đoàn đặc công 126 thực thi nhiệm vụ giải phóng Trường Sa dưới sự chỉ huy của Thượng tá Mai Năng, Anh hùng lực lượng vũ trang sau này là Thiếu tướng Tư lệnh binh chủng đặc công – người đã  từng chỉ huy đánh chìm nhiều tàu chiến của địch trên tuyến Cửa Việt – Đông Hà. 

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Chơn – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Quân khu 5 giao cho Trung tá Nguyễn Thanh Thí – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 và Thiếu tá, Chính ủy Trần Dược trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 phối hợp 3 biên đội tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 do các anh Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam, Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng và Đoàn đặc công 126 từ Hải Phòng vào hợp thành Đoàn C75 do Đoàn trưởng Mai Năng chỉ huy.

Bộ đội đặc công giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: Tư liệu lịch sử.          

Sau này Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: “Mặc dù anh em lính đặc công đã chiến đấu và chiến thắng hàng trăm trận đánh với nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi trăn trở lo toan khi trao đổi với anh Hoàng Hữu Thái rằng, anh em từng đánh tàu chiến, cầu tàu, cầu cảng… nhưng lần đầu tiên được giao đánh căn cứ trên đảo giữa biển khơi xa khi chưa thông thạo địa hình nên trách nhiệm giải phóng Trường Sa không hề đơn giản”. 

Nghe ông bày tỏ, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỏi: “Liệu có đánh được không ?”. Sau vài giây suy nghĩ, ông Năng quả quyết: “Được. Nhưng phải có chiến thuật mới, đó là vừa trinh sát, vừa tấn công hỏa lực. Với 3 biên đội tàu và 250 cán bộ - chiến sĩ, không thể đồng loạt tấn công các đảo, vì thế Đoàn C75 thực hiện phương án đánh chiếm từng đảo”.

Để né tránh tầm kiểm soát của máy bay địch từ trên không, ba biên đội tàu 673, 674, 675 cải trang thành tàu đánh cá của nước ngoài rời cảng Đà Nẵng hướng mũi lái ra Trường Sa. Không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa, chỉ có một la bàn từ, đồng hồ thiên văn, bộ định hướng theo sao trời. 

Khi mới vươn khơi một chặng hải trình đã gặp sóng gió xô đập dữ dội, nhưng với kinh nghiệm của những thuyền trưởng, thuyền phó đã từng một thời chỉ huy những chuyến tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, ba biên đội tàu vẫn vượt sóng gió vươn khơi. 

Sau hơn hai ngày đêm tiến quân trên biển, đến 19h ngày 13/4/1975, phía trước mũi tàu là vệt đen hiện rõ dần lên đảo Song Tử Tây. Những chiếc xuồng cao su thả xuống biển khi những đợt sóng lớn xô đập mạnh, nhiều nơi rạn san hô nổi lởm chởm nhưng ba mũi quân của Đoàn C75 vẫn kiên cường tiếp cận mép đảo, bám sát mục tiêu. 

4h30 sáng 14/4/1975, mệnh lệnh tấn công đã được khai hỏa bằng những loạt đạn DKZ. Phía địch có bắn trả nhưng pháo binh của ta dội lửa hỗ trợ kịp thời cho đặc công, bộ binh xông lên chiếm giữ mục tiêu, cờ giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây lúc 5h sáng cùng ngày. 

Trả lời câu hỏi của Thượng tá Mai Năng vì sao không kháng cự quyết liệt, Trung úy, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây lúc đó nói rằng: “Nếu có một lực lượng nào khác đến chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi bàn giao lại đảo cho quân giải phóng vì miền Bắc hay miền Nam cũng đều là người Việt cả”.

Khi biết tin đảo Song Tử Tây đã bị quân giải phóng làm chủ, địch huy động hai tàu HQ-16, HQ-402 và máy bay trực thăng từ Vũng Tàu ra Trường Sa để mở cuộc phản kích, còn trung tâm chỉ huy ở đảo Nam Yết tăng cường phòng thủ. 

Khi nhìn thấy cờ giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây, hai tàu chiến và máy bay tăng viện đã phải rút lui, trong khi tinh thần sĩ quan, binh lính trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa, Nam Yết, An Bang lâm vào tình trạng hoảng loạn, vội vã chen chân ra tàu chiến, ca nô, xuồng máy để tìm đường rời khỏi đảo trong thời gian sớm nhất. 

Tranh thủ cơ hội thuận lợi, rạng sáng 25/4/1975, các mũi quân của Đoàn C75 tiến lên đảo Sơn Ca. Những tiếng súng bắn trả rời rạc, yếu ớt không ngăn được bước chân của bộ đội đặc công, bộ binh nên gần một giờ sau đảo Sơn Ca đã được giải phóng. 

Khi tiến công vào các đảo An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn trong các ngày 27, 28/4/1975, các mũi quân của ta không vấp phải một sự kháng cự nào vì phía địch đã nhận diện thất bại. Đến sáng 29/4/1975, Đoàn C75 đã làm chủ đảo Trường Sa Lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5.

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Thiếu tướng Mai Năng – người trực tiếp chỉ huy chiến đấu giải phóng Trường Sa với chức trách Đoàn trưởng C75 đã bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa, lòng cảm phục tài năng và tầm nhìn chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại”. 

Với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ Đoàn C75 giải phóng Trường Sa là những “Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh”.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.