“Mánh” của học sinh đi xe máy

Thứ Hai, 07/09/2009, 14:05
Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, chẳng những trang bị cho mình một bộ đồ không phải đồng phục, những học sinh sử dụng xe máy còn biết cách gửi xe trong những ngõ hẻm cách xa trường chừng vài trăm mét rồi đi bộ đến trường.

Từ cuối tháng 8, thời điểm học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội chính thức quay trở lại với trường học để chuẩn bị cho một năm học mới thì cũng là thời điểm lực lượng Công an Hà Nội vất vả hơn cả vì phải tăng cường quân số để đảm bảo an toàn giao thông. Những lỗi vi phạm như  học sinh không đủ tuổi điều khiển xe máy tới trường, sinh viên vi phạm luật giao thông đã tăng đột biến, báo động sự thiếu ý thức chấp hành luật giao thông trong giới học sinh, sinh viên.

Nhiều "mánh" lẩn trốn Công an

Sáng 4/9, tại một số bãi gửi xe trên đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, các chiến sĩ CSGT đội 1 đã lập biên bản tới 4-5 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy tới trường. Nếu nhìn bề ngoài, thật khó đoán những thanh niên này là học sinh bởi khoác bên ngoài bộ đồng phục là những chiếc áo chống nắng, mặt bịt kín và những chiếc túi khoác khá sành điệu thay cho những chiếc cặp sách hay balô thông thường.

Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, chẳng những trang bị cho mình một bộ đồ không phải đồng phục, những học sinh này còn biết cách gửi xe trong những ngõ hẻm cách xa trường chừng vài trăm mét rồi đi bộ đến trường.

Để "bắt tận tay" những cô cậu học trò cố tình phớt lờ luật lệ giao thông, không ít lần các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã phải mặc thường phục theo dõi tại các điểm trông giữ xe gần trường học, để rồi sau khi phát hiện các em vi phạm thì báo ngay cho đội tuần tra gần đó "tuýt còi".

Ngày 4/9, nhiều học sinh vẫn ngang nhiên vi phạm Luật giao thông. 

Trao đổi nhanh với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (phụ trách quận Hoàn Kiếm) bộc bạch, trên địa bàn Hoàn Kiếm có hai trường hay có học sinh vi phạm là trường THPT Việt Đức và Trần Phú. Tuy nhiên, để bắt được trường hợp này thật chẳng đơn giản chút nào vì các em này có nhiều "mánh" lắm.

Nếu không gửi xe ở khu vực trên đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung, ngõ Tràng Tiền... thì các em lại đưa hẳn vào nhà dân nhờ trông hộ. Do đó thời gian gần đây, đội thường xuyên tăng cường quân số túc trực tại các điểm nói trên, nhất là thời điểm gần ngày khai giảng.

Chỉ tính riêng từ ngày 27/8 đến nay, cả đội đã xử phạt gần 60 trường hợp vi phạm, nhưng con số này so với thực tế vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo tổng hợp chung từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, chỉ tính trong vòng 4 ngày gần đây, toàn thành phố đã có 246 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông.

Trong đó ngày 28/8 là 76 trường hợp, ngày 29/8 là 28 trường hợp, ngày 1/9 là 50 trường hợp và ngày 2/9 là 39 trường hợp. Lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, không đủ tuổi, không giấy tờ và vượt đèn đỏ. Đặc biệt, địa bàn xử phạt được nhiều học sinh, sinh viên vi phạm là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai…

Cần có sự giáo dục thường xuyên từ phía gia đình và nhà trường

Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp (Phòng CSGT Hà Nội) nhận định, theo quy định, tất cả các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông sau khi bị Công an phát hiện thì đều được gửi danh sách về trường để nhà trường phối hợp xử lý, rồi nhà trường gửi lại thông báo cho cơ quan Công an. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít khi Công an nhận được hồi âm từ phía nhà trường. Điều này khiến việc răn đe xử phạt giảm bớt hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng đội 1 cũng phản ánh, chuyện học sinh vi phạm đi xe máy tới trường không phải là gia đình không biết, nhà trường không biết. Bởi hiện nay nhiều gia đình có điều kiện mua xe cho con đi học để chúng đỡ vất vả ngay từ khi chúng mới vào bậc THPT điều này coi như đã gián tiếp tiếp tay cho con vi phạm luật giao thông, còn nhà trường thì chưa xử lý nghiêm. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ này nếu không sớm khắc phục sẽ khó lòng ngăn chặn lỗi vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Tòng cũng cho biết thêm, nhiều UBND phường trên địa bàn Hà Nội cũng đã ra thông báo đề nghị các điểm trông giữ xe không nhận xe của học sinh, nhưng vì lợi ích không ít người vẫn cố tình lờ, thậm chí, nhiều chủ bãi giữ xe còn tỏ thái độ khó chịu khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này.

Mặc dù chưa có một thống kê đầy đủ nào về số vụ tai nạn giao thông do xe máy gây ra, đặc biệt là độ tuổi gây tai nạn. Nhưng rõ ràng là hiện tượng học sinh đi xe máy đến trường đang là thực trạng báo động. Bởi tuổi trẻ thường hiếu động, nhiều em còn lấy xe đèo nhau đi thành hàng 3, 4. Khi bị bạn bè kích động, nhiều em nổi hứng chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông khác.

Muốn chấm dứt tình trạng này, không có cách nào khác là cả nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng phải cùng đồng thuận vào cuộc xử lý

Thanh Huyền
.
.
.